Phiên họp thứ 8 của Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thay đổi sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Tổng số đại biểu tham gia biểu quyết là 450, trong đó 397 đại biểu tán thành (chiếm 88,22%), 42 đại biểu không tán thành (chiếm 9,33%), số đại biểu không bỏ phiếu là 11 (chiếm 2,44%).
Việc thay đổi SGK là hệ quả tất yếu sau nhiều năm bị phụ huynh cũng như dư luận xã hội phản đối.
SGK hiện nay vẫn bị phàn nàn là thiếu tính thiết thực, quá nặng nề về lý thuyết, không có cân đối giữa lý thuyết và thực hành, nặng về kiến thức, không giúp nâng cao đạo đức học sinh. Không có sự gắn kết giữa lý thuyết và sở thích nghề nghiệp của học sinh, khiến những học sinh có năng khiếu không có môi trường để phát hiện và phát triển năng lực của mình. Thay vì học tập để trang bị kiến thức thì học sinh chỉ mong học để thi đậu đại học, như Bộ trưởng Bộ Gíao dục Phạm Vũ Luận đã thừa nhận trên vietnamplus rằng “học sinh đang phải học lệch để tối ưu hóa cơ hội đỗ đại học, phải từ bỏ niềm vui khi khám phá tìm tòi tri thức”, “chương trình sách giáo khoa hiện nay được biên soạn theo cách chú trọng truyền thụ kiến thức, thiết kế theo các lĩnh vực khoa học nên nặng tính hàn lâm, quá tải, học sinh không thấy dễ hiểu và không thể tự học”.
Vậy cần xây dựng nội dung SGK theo chiều hướng nào? Hiện tai Bộ Giáo dục đang xây dựng tiêu chí lựa chọn tác giả cũng như xây dựng chương trình viết SGK
Trước khi xây dựng nội dung SGK thì rất cần một định hướng trong giáo dục. Người xưa quan niệm “tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩa là đầu tiên phải dạy thành người có lễ nghĩa đã rồi mới dạy kiến thức được. Tư tưởng người xưa là trọng nghĩa khinh tài, một người phải có lễ nghĩa thì mới có thể có tài được, còn không có lễ nghĩa thì chỉ là bậc phàm phu tục tử không đáng nói đến
Người xưa vốn quan niệm ‘chí tại thánh hiền’, chứ không phải chí tại công danh phú quý như ngày nay. Chí tại thánh hiền với ý nghĩa ‘Chí’ ở chỗ là làm người hiểu biết, người có tư cách là có nhân nghĩa lễ trí, chứ không muốn làm kẻ hồ đồ phàm phu tục tử. Kẻ hồ đồ là phàm phu, người hiểu biết là thánh hiền. Với ý nghĩa đó nên mục tiêu của giáo dục trước đây khác xa bây giờ, hiện nay một phần lớn học sinh đi học chọn ngành nghề là xem liệu sau này có dễ xin việc hay không, có dễ dàng kiếm tiền không, mà không có liên quan gì tới sở trường sở thích của mình
Vậy định hướng của giáo dục cần đặt đạo đức lên hàng đầu. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, các thời kỳ hưng thịnh của đất nước đều có chung đặc điểm là đạo đức tinh thần dân tộc rất cao, từ vua quan đến dân đều đồng lòng xây dựng đất nước phồn thịnh. Điển hình là vào thời nhà Lý, giáo dục văn hóa phát triển mạnh mẽ, người dân xem trọng văn hóa truyền thống từ ngàn xưa, khiến đạo đức thăng hoa. Năm 1070 xây dựng Văn Miếu, năm 1075 mở khoa thi nho đầu tiên, năm 1076 thành lập Quốc Tử Giám ngay giữa kinh thành, và chỉ chọn những bậc hiền tài nhất của đất nước mới được vào đây
Nhìn thực trạng giáo dục đất nước hôm nay, học sinh muốn học trường tốt thì phụ huynh phải lo ‘chạy trường’, điển hình là việc phụ huynh đạp đổ cổng trường PTCS thực nghiệm (Hà nội) để tranh mua hồ sơ thi vào lớp 1, nhiều giáo viên cũng phải lo lót mới được nhận giảng dạy. Với một môi trường giáo dục như thế thì học sinh khi ra trường sẽ được giáo dục trở thành người như thế nào?
Phụ huynh đạp đổ cổng trường để mua hồ sơ lớp 1 trường PTCS Thực nghiệm Hà nội (Ảnh vnexpress)
Vì vậy việc xây dựng nền móng đạo đức cần phải hết sức chú trọng, mà văn hóa cổ truyền dân tộc là phù hợp nhất nên đưa vào SGK để đề cao đạo đức học sinh. Truyền thống cha ông chúng ta vốn rất tin rằng làm việc thiện sẽ có thiện báo, làm điều ác sẽ có ác báo. Kho tàng văn hóa cổ truyền là các câu truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, tuy rằng hiện nay vẫn có trong SGK, nhưng thực tế lại không giúp ích nhiều cho việc nâng cao đạo đức học sinh, vì thế cần phải nâng cao khả năng truyền đạt của giáo viên để giúp học sinh hiểu được văn hóa cổ truyền của dân tộc. Lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ đều chú trọng với văn hóa cổ truyền, chỉ là giờ đây người ta đã xem nhẹ văn hóa cổ truyền dẫn đến hệ lụy là đạo đức xã hội suy thoái trầm trọng
Bên cạnh đấy, với việc có nhiều bộ SGK khác nhau nên SGK địa phương nào cần gắn với lịch sử văn hóa địa phương đó, để học sinh địa phương nào cũng phải nắm bắt lịch sử văn hóa nơi địa phương mình đang sinh sống
SGK cần làm hoàn chỉnh, tránh vài năm rồi cải cách, khiến sách cũ vứt đi không sử dụng được gây lãng phí. Đội ngũ giáo viên cũng cần được đào tạo lại để phù hợp với nội dung SGK mới. Nội dung sách cũng cần xây dựng trên tinh thần tôn trọng sự sáng tạo trong học sinh, tránh việc cứng nhắc bắt học sinh phải tuân theo lối mòn có sẵn trong SGK, làm mất tính sáng tạo của học sinh. Việc biên tập sách cũng cần phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, để học sinh vì thích đọc mà đọc sách, chứ không phải vì bị bắt buộc mà đọc sách. Như thế việc học tập sẽ trở nên thoải mái mà không bị áp lực. Lượng kiến thức cần phù hợp với từng lứa tuổi để tránh việc học hành căng thẳng khiến học sinh chỉ lo học để trả bài cho thầy cô
Ngọn Hải Đăng
Theo daikynguyenvn
tôi nghĩ các trường quốc tế đang dạy HS tại Việt Nam sao ko làm theo cách họ dang dạy, vừa nhẹ, vừa sâu sắc , học sinh học nhẹ nhưng chất lượng có thể sau này các em học nang cao các trường quốc tế ở nước ngoài được, mà cứ dư ra nhiều đề án tốn quá nhiều tiền mà vẫn ko hiệu quả. Tôi có con học lớp 2 mà bố mẹ học ĐH dạy con vẫn thấy như dang dạy con lớp 4, chương trình học quá nặng .