Home » Xã hội » Lấp sông Đồng Nai làm đô thị, người dân đứng ngồi không yên
Sông Đồng Nai bao gồm hệ sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Vàm Cỏ lưu vực bao trùm 11 tỉnh, thành (Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An…). Đoạn bị san lấp của dự án này kéo dài  hơn 1,3 km từ công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát. Bề mặt diện tích san lấp lấn sông lên tới hơn 77.200 m2, phần còn lại hơn 6.800 m2 là đất hiện hữu.
Sông Đồng Nai và cù lao Phố thuộc thành phố Biên Hòa. (Ảnh: motthegioi)

Sông Đồng Nai và cù lao Phố thuộc thành phố Biên Hòa. (Ảnh: motthegioi)

Trước sự việc UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định chấp thuận cho Công ty Toàn Thịnh Phát san lấp sông để xây dựng khu đô thị Pegasus Residence, nhiều người dân đã cảm thấy lo lắng bất an về những hậu quả lâu dài mà dự án gây ra.

Giới trí thức lo lắng

Việc san lấp này sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Ông Lê Huy Bá là Giáo sư, tiến sỹ khoa học Viện Khoa học công nghệ môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã chia sẻ với báo Tiền Phong như sau: “San lấp một phần dòng sông ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, cụ thể là đường đi của cá bởi nhiều loài hằng năm cứ đến mùa sinh sản cá từ hạ lưu ngược lên thượng nguồn đẻ trứng. Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai hiện nay hoạt động chưa hiệu quả. Các tỉnh, thành trong lưu vực mạnh ai nấy làm, không thống nhất về trị thủy, quản lý lưu vực, quản lý dòng sông”.

Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM – ông Đặng Văn Khoa phát biểu trên báo Tiền Phong rằng, ông đã rất sửng sốt trước sự việc UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép lấp sông để xây dựng một khu đô thị mới ở thành phố Biên Hòa. Chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này ông đã nhấn mạnh vào 3 điểm:

  1. Việc san lấp quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Nguồn nước sinh hoạt có nguy cơ bị ô nhiễm, từ đó ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong lưu vực sông.
  2. Quy định pháp luật hiện hành không cho phép xây dựng công trình, chồng chất những khối bê tông, vật liệu xây dựng trong phạm vi hành lang bảo vệ sông rạch, huống hồ là tiến hành san lấp sông quy mô lớn như dự án này.
  3. Hoàn cảnh tự nhiên của sông nếu mất đi thì sẽ không bao giờ lấy lại được, ngoài ra nó còn tác động đến thủy lực của dòng chảy và đe dọa nhiều địa danh nổi tiếng như Cù Lao Phố …

Bênh cạnh đó, chia sẻ với báo Thanh Niên trước sự việc này, ông Phạm Sanh – giảng viên Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, rằng từ trước tới giờ mới có hiện tượng lấp biển để xây khu đô thị, chứ chưa có nơi nào dám lấp sông. Đặc biệt là hoạt động ở đầu nguồn của sông Đồng Nai vẫn chưa ổn định khi thủy điện đang làm nhiều, rừng đang bị phá. Điều này sẽ dẫn đến việc mùa mưa thì lụt kinh khủng, nhưng mùa nắng thì lại không có nước. Thêm vào đó việc triển khai cả một khu đô thị đến hơn 8,4 ha trên sông sẽ rất nguy hiểm. Con sông khi bị thu hẹp chỗ này sẽ “phá” chỗ khác. Ông Sanh cảnh báo:

“Giỡn” với sông nước thì không nên. Tôi khẳng định làm dự án này chủ đầu tư sẽ “thắng” nhưng người dân sẽ “chết”.

Người dân đứng ngồi không yên

Bà Thanh (ở đường Tân Bình, P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) đã tỏ ra rất bức xúc vì bà và những người dân sống ở đây đã mấy chục năm, nhưng nay muốn nâng nền, nâng mái nhà cũng không được mà chỉ cho sửa chữa lại. Vậy mà chủ đầu tư lấp cả bờ sông hàng trăm mét để xây khu đô thị thì lại được cấp phép. Bà thấy rất bất công trước việc này.

Còn một người dân khác chia sẻ rằng, trước đây chính quyền không cho xây nhà vì sợ hạn chế dòng chảy thì nay lại cho doanh nghiệp lấp dòng chảy luôn. Ông còn cho biết thêm là sông Đồng Nai là con sông duy nhất chảy trong nội địa, là con sông rất đẹp và hiền hòa.

Nhiều người dân Đồng Nai lo lắng, nếu “bóp” lòng sông lại thì vài năm tới, nước sẽ ngập vào nhà. Sau vài chục năm sẽ xuất hiện dòng sông xoáy, có khả năng gây xói mòn “đạp” mất cầu Ghếnh và Cù lao Phố. Trước đây, sông Đồng Nai đã xoáy mất một cù lao kéo dài từ cầu Ghếnh tới cầu Mới.

Sông Đồng Nai bao gồm hệ sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Vàm Cỏ lưu vực bao trùm 11 tỉnh, thành (Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An…). Đoạn bị san lấp của dự án này kéo dài  hơn 1,3 km từ công viên Nguyễn Văn Trị đến cầu Rạch Cát. Bề mặt diện tích san lấp lấn sông lên tới hơn 77.200 m2, phần còn lại hơn 6.800 m2 là đất hiện hữu.

Sự việc san lấp này vẫn đang diễn ra và người dân nên có sự chuẩn bị trước rằng nguồn sống của 20 triệu người đang gặp nguy hiểm. Hệ cân bằng sinh thái đang bị de dọa vì khi phát triển dự án này có thể sẽ dẫn đến lũ lụt và hạn hán liên miên, từ đó các nạn dịch sẽ có cơ hội hoành hành. Chúng ta đang hướng tới sự phát triển bền vững thì cũng cần thuận theo tự nhiên hòa hợp với tự nhiên để trường tồn và phát triển.

Mai Thi tổng hợp

Theo daikynguyenvn

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc