Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Đã có 10.000 người nộp đơn kiện Giang Trạch Dân
Với một số thay đổi trong ngành Tư Pháp, Tòa Án đảm bảo nhận đơn các vụ kiện, điều này giúp người dân Trung Quốc có cơ hội nộp đơn kiện dễ dàng hơn, và người bị dân chúng tập trung kiện nhiều nhất là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.

>> Cựu quan chức: Đảng gây ảo tưởng khi để người kiện Giang Trạch Dân vô sự

 

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân

Gần 10.000 người Trung Quốc đã nộp đơn kiện Giang Trạch Dân

Ngày càng nhiều người dân Trung Quốc bị đàn áp đã gửi đơn kiện lên hệ thống tòa án của nước này, tố cáo cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Giang Trạch Dân phạm tội ác chống lại nhân loại và diệt chủng.

Việc chính quyền có giải quyết các đơn khiếu nại này hay không còn chưa bàn tới, tuy nhiên diễn biến trên đánh dấu sự thay đổi rõ rệt trong ký ức của những người đang sống về một trong những cuộc vận động an ninh lớn nhất của ĐCSTQ.

Hàng loạt đơn khiếu kiện hình sự này cũng trùng hợp với một diễn biến song song đã diễn ra trong 2 năm qua: Cuộc thanh trừng của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhắm vào mạng lưới chính trị có quan hệ mật thiết với cựu lãnh đạo Giang thông qua chiến dịch chống tham nhũng càn quét khắp cả nước.

Ông Giang bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Cuộc đàn áp này bao gồm một chiến dịch thù địch, bắt giữ hàng trăm nghìn người cùng một thời điểm, ép buộc chuyển đổi ý thức hệ, tra tấn đến mức biến dạng và chết, và mổ cướp nội tạng những người theo tập môn này. Trang web chính thức của Pháp Luân Công Minh Huệ (Minghui.org), cho biết hơn 3.800 trường hợp được xác nhận đã chết do tra tấn, trong khi các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng hàng chục nghìn người đã bị giết để lấy nội tạng.

Pháp Luân Công, một môn tập khí công, đã thu hút khoảng 70 – 100 triệu người tham gia vào cuối những năm 1990. Cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đã lo sợ và đố kỵ trước mức độ ảnh hưởng xã hội (bao gồm cả nhiều đảng viên) và sự phổ biến rộng lớn của môn tập này. 

Thậm chí, ngay cả khi không còn là Tổng Bí thư ĐCSTQ và rời khỏi vị trí là người đứng đầu quân đội Trung Quốc lần lượt vào năm 2002 và 2004, ông Giang vẫn tiếp tục duy trì chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công bằng việc cài đặt các tay chân thân tín của mình vào những vị trí chủ chốt trong chính quyền. Một trong những tay chân thân cận của ông Giang là Chu Vĩnh Khang, người đứng đầu bộ máy an ninh nước này cho đến tận năm 2012. Tháng trước, ông này đã bị tuyên án tù chung thân vì tội tham nhũng.

Trước khi ông Tập Cận Bình tiến hành chiến dịch chống tham nhũng nhằm thanh trừng sự ảnh hưởng của ông Giang, đa phần người dân Trung Quốc không thể đệ đơn tố cáo ông Giang. Ví dụ, vào tháng 8/2000, hai học viên Pháp Luân Công là Chu Khắc Minh và Vương Giới đã cố gắng kiện Giang Trạch Dân. Anh Vương đã bị tra tấn đến chết trong tù một năm sau đó; còn anh Chu đã bị 5 năm tù giam, trong thời gian đó anh đã bị tra tấn đến mức toàn bộ răng bị gãy.

Nhưng bây giờ, mọi thứ đã khác.

Ví dụ vào ngày 26/5, Trương Triều Sơn, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã gửi đơn tố cáo Giang Trạch Dân cho một công tố viên. Điều đáng chú ý trong trường hợp này là anh Trương không chỉ nộp được đơn tố cáo mà còn ra về bình an vô sự.

Trong các trường hợp khác, các học viên Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc đã gửi đơn kiện bằng đường chuyển phát nhanh. Đặc biệt, họ còn chụp lại biên lai dịch vụ gửi thư và tải chúng lên Internet. Đến cuối tháng 5, trang web chuyên đưa tin về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp này là Minh Huệ đã nhận được đơn khiếu kiện của 232 người. Tính đến 11/6, đã có 3.987 đơn khiếu kiện được gửi đi. Vào cuối tuần sau đó, đã có thêm 5.761 đơn được gửi, nâng tổng số đơn tố cáo lên gần 10.000 đơn.

bieu do kien giang trach dan
Biểu đồ minh họa số lượng người đệ đơn kiện Giang Trạch Dân tính đến ngày 18/6/2015.

Những đơn kiện đã được gửi đến các cơ quan pháp luật cao nhất của Trung Quốc là Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao – từ trong nước và ngoài nước như: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc, Pháp, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Hồng Kông. Các nguyên đơn đến từ tất cả các tầng lớp xã hội: thẩm phán, quân đội, sĩ quan cảnh sát, giới trí thức, công nhân, nông dân.

Bản thân các khiếu kiện này là đại diện cho nguyện vọng của người dân; việc Giang Trạch Dân có thực sự bị truy tố hay không còn phụ thuộc vào Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao – cơ quan công tố của Trung Quốc. Những vụ kiện lãnh đạo đương nhiệm hay trước kia của ĐCSTQ thường mang tính chính trị sâu sắc ở Trung Quốc, vì thế những quyết định như vậy thường chỉ xuất hiện do có một sự chuyển biến chính trị sâu sắc hơn trong nội bộ Đảng và tình trạng của cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Cùng với các báo cáo về lối sống xa hoa của ông Giang, và việc bắt giữ các thành viên chủ chốt của Phòng 610 (tổ chức bí mật được ông Giang thiết lập để đàn áp Pháp Luân Công), Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (Radio France International) đã trích dẫn những vụ kiện này như một ví dụ cho thấy ảnh hưởng chính trị của ông Giang đã suy yếu thế nào.

Một sự thay đổi gần đây về cách các tòa án ở Trung Quốc tiếp nhận các đơn khiếu kiện, dường như là khuyến khích các nguyên đơn. Một số học viên Pháp Luân Công cho biết họ đã nhận được xác nhận từ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đây có thể coi như một yêu cầu bắt buộc theo một quy định mới của Đảng, trong đó yêu cầu các tòa án và viện kiểm sát phải chấp nhận tất cả các khiếu nại pháp lý và giải thích bằng văn bản lý do tại sao đơn kiện bị từ chối giải quyết. Trước khi có thay đổi này, các tòa án có thể chỉ đơn giản là bỏ qua bất kỳ khiếu nại nào nếu họ muốn.

Trong khi hàng loạt đơn kiện có thể không dẫn đến việc truy tố Giang Trạch Dân ngay lập tức, nhưng các học giả, luật sư và các cựu quan chức ĐCSTQ đã biểu dương những nỗ lực trên, coi đó như một áp lực của công chúng đối với chính quyền và một nỗ lực thực thi các quyền lợi theo pháp luật mà ĐCSTQ nói mỗi người dân Trung Quốc đều được hưởng.

“Tôi tin rằng việc khởi kiện Giang Trạch Dân là rất có căn cứ ở cả khía cạnh pháp luật hay công lý”, giáo sư ngành luật Trương Chấn Ninh tại Đại học Đông Nam, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô nhận định. Ông cho biết ông và các đồng nghiệp của mình nhận thấy rằng làn sóng khởi kiện này “rất đáng khích lệ.”

Học giả người Trung, ông Vỹ Quảng, chuyên nghiên cứu về vấn đề chuyên chế đang sinh sống ở Đức, đã so sánh làn sóng khởi kiện này với các vụ kiện chống lại nhà độc tài phát xít Adolf Hitler.

Một cựu quan chức ĐCSTQ là Hàn Quảng Sinh, người đã đào thoát sang Canada vào năm 2001, nói rằng sự phát triển mạnh mẽ của phong trào khởi kiện Giang Trạch Dân là “một hiện tượng chưa từng có”.

Cựu thư ký Bao Đồng của cố Thủ tướng Trung Quốc có tư tưởng tự do và tiến bộ Triệu Tử Dương, nói với Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh (Epoch Times) rằng: “Là một công dân, người dân có thể giám sát, kiểm soát các nhà lãnh đạo trước đây và hiện tại… Nếu một người phải chịu bất công, họ sẽ nói cho mọi người biết. Đây mới là cách vận hành của một xã hội bình thường”.

Ông khuyên rằng chính quyền Trung Quốc nên giải quyết vấn đề này “theo quy định của pháp luật”.

Larry Ong & Matthew Robertson
Ánh Sao biên dịch

Theo daikynguyenvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc