Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Dùng chất cấm nuôi heo, hại mình, hại đồng loại!
1

Chủ trang trại vì để được thương lái trả cao hơn từ 1 đến 2 ngàn đồng/kg thịt, đã bất chấp tất cả, sẵn sàng đầu độc cộng đồng…

Việt Nam đã cấm sử dụng các chất tạo nạc gốc Beta-agonist như Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol, nhưng đã 13 năm tình trạng này vẫn không giảm mà lại còn diễn biến phức tạp hơn.

Nuôi heo với nhiều chất cấm, hại mình, hại đồng loại!

Ở Việt Nam, các chất tạo nạc gốc Beta-agonist như Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol sử dụng trong chăn nuôi gia súc đã bị cấm từ năm 2002. Thế nhưng đã 13 năm qua rồi mà tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn không giảm, mà trái lại còn diễn biến phức tạp hơn, có quy mô lớn hơn và ở diện rộng hơn, theo nongnghiep.vn.

Chi cục Thú y Đồng Nai công bố vừa lấy mẫu kiểm tra thí điểm 48 trang trại chăn nuôi, và phát hiện 14/48 trang trại (chiếm gần 30% ) trên địa bàn 4 huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Trảng Bom và Long Thành, có sử dụng chất cấm, dùng tạo nạc cho heo trong thức ăn chăn nuôi, đã làm “nóng” dư luận.

 Theo báo cáo, tất cả các mẫu được xét nghiệm ngẫu nhiên đều lấy từ các đàn heo của các trang trại lớn với quy mô hàng trăm con trở lên. Việc sử dụng chất cấm của các hộ nuôi heo này đều được thực hiện lén lút trong quá trình tự phối trộn thức ăn ngay tại mỗi trang trại.

Mấy ngày qua dư luận trên báo chí “nóng” vấn đề này, vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sức khỏe người dân. Được biết Salmubutamol là chất tạo nạc cấm không được dùng để chăn nuôi theo quyết định của tổ chức WHO (y tế thế giới) và FAO (nông lương thế giới). Từ năm 2002, Việt Nam đã cấm sử dụng các chất tạo nạc gốc Beta-agonist như Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol, nhưng đã 13 năm, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn không giảm, mà trái lại còn diễn biến phức tạp hơn, có quy mô lớn hơn và ở diện rộng hơn. Trước đó, báo chí phản ánh việc dùng chất cấm tạo nạc cho heo, nhưng mới ở mức các hộ nuôi nhỏ lẻ. Nhưng nay việc đó đã phát triển vào các trang trại quy mô lớn, với một tỷ lệ rất lớn chiếm gần 30% số trang trại kiểm tra.

Dư luận quan ngại rằng, mới chỉ kiểm tra 48 trang trại, ở 4 huyện mà đã phát hiện ra 14 trang trại, chiếm gần 30% vi phạm rồi. Nếu kiểm tra toàn bộ 2.500 trang trại nuôi heo ở Đồng nai, hoặc kiểm tra thí điểm trên cả nước (cũng nên kiểm tra thí điểm trên diện rộng ở các thành phố lớn), thì số trang trại vi phạm sẽ là bao nhiêu? Chắc chắn sẽ không hề nhỏ, có thể cũng là 30%, như thế thì quá nguy hiểm cho con người và nòi giống Người Việt Nam.

Tác hại của chất cấm với sức khỏe con người

Những trang trại nuôi heo vi phạm đó hầu hết đều dùng chất Salbutamol, là một chất được ngành y dùng để trị hen suyễn cho người (nhưng với một lượng cực nhỏ và có kiểm soát), để trộn vào thức ăn cho heo, nhằm tạo nạc.

Theo PGS.TS Lã Văn Kính, Giám đốc Phân viện chăn nuôi Nam bộ, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, thì để dùng Salbutamol tạo nạc cho heo, phải dùng với số lượng lớn, sẽ rất nguy hiểm cho con người nếu ăn phải thịt heo có tồn dư chất này, vì nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch.

Còn theo BS Trần Bá Thoại, thì ngộ độc thức ăn có chứa chất trên rất nguy hiểm đối với những bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là những bệnh nhân bị rối loạn nhịp, suy tim và bệnh mạch vành. Salbutamol tích lũy nhiều trong nội tạng động vật, đặc biệt là gan và không bị phân hủy khi đun nấu ở nhiệt độ cao. Cũng theo PGS.TS Lã Văn Kính, thì tác hại của chất tạo nạc trong chăn nuôi đã được thế giới nghiên cứu từ rất lâu.

PGS.TS. Dương Thanh Liêm, Khoa chăn nuôi Đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết các chất này là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật ngay cả khi đã chế biến, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Cũng theo các nhà khoa học, Salbutamol và Clenbutarol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa, vì vậy chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng thịt sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Chất này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai và trẻ em nhỏ.

PGS.TS. Liêm cảnh báo, nếu ăn thịt tồn dư hóa chất có thể bị tác động tức thời với các triệu ngộ độc như run cơ, tim đập rất nhanh, hồi hộp, thần kinh bị kích thích có thể kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều ngày. Rất nguy hiểm cho người có bệnh tim mạch. Với nhóm chất kích thích trọng lượng heo còn khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú, và có thể làm rối loạn giới tính đối với thai nhi ở những phụ nữ đang mang thai. Đối với đàn ông có thể bị u nang tinh hoàn, dãn tĩnh mạch dịch hoàn, dung tích, chất lượng tinh dịch thấp, thay đổi hành vi tình dục, một trạng thái bệnh giống như đồng tính, hay các chứng bệnh về thần kinh, dễ chán nản, phiền muộn, suy yếu nhận thức, hại tuyến yên, hại tuyến vú, suy yếu hệ thống kháng thể…

2

 

Cần ngăn chặn việc kinh doanh chỉ vì lợi nhỏ, đầu độc cộng đồng

Những chủ trang trại nuôi heo kia, vì một món lợi nhỏ (theo họ thì những con heo nhiều nạc hơn do sử dụng chất cấm được thương lái trả cao hơn từ 1 đến 2 ngàn đồng/kg), đã bất chấp tất cả, sẵn sàng đầu độc cộng đồng. Hành vi đó là không thể chấp nhận được.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thì mức xử phạt 15 triệu đồng cho mỗi trang trại có sử dụng chất cấm của tỉnh Đồng Nai là quá nhẹ, không đủ sức răn đe, nên cứ tái diễn đi tái diễn lại. Tất cả những người chăn nuôi chân chính đều muốn cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa với những hành vi chăn nuôi thiếu đạo đức này. “Sự việc hiện nay không thể nói là những người vi phạm không biết, mà đây là biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Vấn đề này liên quan đến ý thức của người chăn nuôi”, lời ông Nguyễn Trí Công. Còn theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, thì cần phải tính đến việc xử lý hình sự đối với các chủ trang trại chăn nuôi sử dụng chất cấm về hành vi cố ý đầu độc cộng đồng, có vậy mới đủ sức răn đe và bảo vệ những người chăn nuôi chân chính.

Để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo lực lượng chức năng thú ý xử lý nghiêm đối với các hộ vi phạm để tránh làm mất uy tín của sản phẩm thịt heo Đồng Nai. Đối với các hộ chăn nuôi bị phát hiện sử dụng chất cấm, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu ngành thú y công bố danh tính cơ sở chăn nuôi vi phạm, đồng thời tiến hành giữ đàn heo không cho lưu thông trên thị trường.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú ý Đồng Nai Trần Văn Quang, hiện tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là chất tạo nạc cho heo đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Nghiêm trọng hơn, việc sử dụng chất cấm diễn ra ở một số trang trại lớn với quy mô hàng trăm con heo trở lên chứ không phải xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như trước đây. Chất cấm được các trang trại sử dụng chủ yếu do các thương lái cung cấp với mục đích làm cho heo đẹp hơn để bán với giá cao. Còn đối với người chăn nuôi, vì khoản lợi nhuận khá cao mà nhiều chủ trang trại nhắm mắt làm ngơ sử dụng. “Đối với heo sử dụng chất tạo nạc thường có giá bán cao hơn heo bình thường khoảng 2.000 đồng/kg. Các trang trại lớn với quy mô hàng trăm con thì nguồn lợi nhuận thu lại là không hề nhỏ. Do đó, nhiều chủ trang trại dù biết sử dụng chất cấm là vi phạm pháp luật, nhưng vì nguồn lợi trước mắt họ vẫn sử dụng”, ông Quang cho biết thêm. Lợi nhỏ nhưng hại lớn!

Qua đây có thể thấy tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là rất đáng lo ngại. Các cơ quan quản lý chuyên ngành cần nghiêm túc kiểm tra trên diện rộng và ngăn chặn để hiện tượng này không tái diễn.

Theo daikynguyenvn.com

https://daikynguyenvn.com/kinh-doanh/nuoi-heo-voi-nhieu-chat-cam-hai-minh-hai-dong-loai.html

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc