Home » Xã hội » Nguyên nhân và phương hướng giải quyết vấn nạn sinh viên thất nghiệp
Hiện nay số lượng sinh viên thất nghiệp ở mức rất cao, thống kê quý 3 năm 2015 cho thấy cá nước có 340.000 cử nhân thất nghiệp, và con số này tiếp tục tăng theo từng quý.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước thực trạng này Bộ Giáo dục và Đào tạo  đã quyết định ra lộ trình giảm đến dừng hẳn tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp.

Hệ cao đẳng sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh 30% mỗi năm và dừng tuyển sinh trước năm 2020; Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.

Quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm hạn chế tỷ lệ sinh viên thất nghiệp ngày càng cao, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự khủng hoảng trong hệ thống giáo dục.

Vì sao sinh viên thất nghiệp

Những cử nhân mới ra trường chỉ rất ít người lọt được vào mắt những nhà tuyển dụng, bởi lẽ những sinh viên mới ra trường hầu như chưa có kỹ năng để làm việc. Khi còn đi học các sinh viên quan niệm rằng đi làm cần phải có chuyên môn, vi tính, ngoại ngữ, nên đổ xô đi học để có bằng các bằng cấp này.

sinh-vien

Thế nhưng thực tế các doanh nghiệp hay công ty nước ngoài lại rất chú trọng đến kỹ năng làm việc, xử lý tình huống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, truyền đạt, khả năng làm việc theo nhóm v.v…

Các công ty thường chọn nhận thử việc 1 đến 2 tháng, và trong khoảng thời gian đó ngoài những người được quen biết và gửi gắm, thì chỉ rất ít người thực sự có khả năng tiếp thu và xử lý công việc tốt là được nhận, còn lại sẽ bị loại ra, ngay cả những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi với điểm rất cao, nhưng qua thực tế thử việc lại không được đánh giá cao như các sinh viên khác và không được nhận làm.

Có nghịch lý là hiện nay dù số lượng sinh viên thất nghiệp cao, nhưng các công ty vẫn thiếu người làm, đó là do sinh viên không có kỹ năng để đáp ứng được như cầu người tuyển dụng

Vì sao sinh viên mới ra trường không có kỹ năng làm việc

Nhiều và chuyên môn cũng như tuyển dụng đều cho rằng khâu đào tạo tại các trường đều rất kém, nhiều sinh viên khi thi tuyển thì ngành học mình thích không đậu, nên phải học ngành khác, hoặc bị gia đình bắt học phải trường mình không thích, dẫn đến chỉ học để có bằng cấp.

Ảnh internet

Ảnh internet

Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, sinh viên học đến đâu sẽ được thực hành ngay đến đó, nên sẽ nhớ rất lâu, nhiều vấn đề thay vì phải giảng giải lý thuyết như ở Việt Nam,  thì sinh viên nước ngoài được làm ngay ở thực tế, mỗi khi thực tập các sinh viên được đưa đến các công ty và thực hành ngay ở đấy, vì thế ở nước ngoài kỹ năng làm việc của sinh viên đã được hình thành ngay từ lúc bắt đầu đi học. Nhờ học được thực hành ngay nên thời gian để đào tạo cử nhân ở nước ngoài chỉ mất 3 năm.

Ở Việt Nam, một chương trình cử nhân phải mất 4 năm, tách bạch giữa học và hành, 3,5 năm đầu sinh viên được học nhồi nhét kiến thức, đến nửa năm cuối cùng vừa thực tập cho cả chương trình học, lại vừa lo viết đề án tốt nghiệp, thực tập cũng rất sơ sài, nên rốt cuộc sau 4 năm học sinh viên chỉ có kiến thức nhồi nhét, còn kỹ năng làm việc vẫn chưa được trang bị gì cả.

Nhiều sinh viên mới ra trường không có lấy một chút kỹ năng, phong cách cũng ngô nghê khiến nhà tuyển dụng chỉ nhìn thoáng qua đã kết luận là không muốn nhận, ví như chỉ nhìn qua hồ sơ với cách trình bày sơ sài, cẩu thả, sử dụng ngôn ngữ vốn hay quen dùng để chat trên mạng rất trẻ con, địa chỉ email thì chọn những cái tên như, boyxinh, meoyeu, girlxinhdep v.v…

Năng suất lao động của Việt Nam ở mức nào

Việc đào tạo tại Việt Nam rất kém cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến năng suất lao động Việt Nam cũng trở nên kém cỏi. Theo số liệu của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ILO thì Việt Nam luôn ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, thấp hơn Thái Lan, 1,7 lần, Philippines 1,8 lần, Indonesia 2,4 lần, Malaysia 6 lần, Singapore 15,6 lần, Brunei 17,6 lần

Năng suất lao động kém cỏi như vậy sẽ là một thiệt thòi lớn cho lao động Việt Nam khi hội nhập quốc tế, nhất là hình thành thị trường lao động chung ASEAN

Làm sao để giải quyết vấn nạn sinh viên ra trường không có việc làm

Đứng trước áp lực sinh viên ra trường bị thất nghiệp tăng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra lộ trình ngừng tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp nhằm tập trung nâng chất lượng đào tạo cử nhân và thạc sỹ cũng như giảm tỷ lệ sinh viên thất nghiệp.

Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài cần giải quyết nhiều vấn đề nhằm giảm thiểu nạn thất nghiệp này.

giao duc

Một điều vô lý là việc giáo dục ở Việt Nam hiện nay không gắn liền giữa đào tạo và nhu cầu. chỉ tiêu tuyển sinh là do các trường đặt ra nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy mà không biết nhu cầu việc làm là bao nhiêu. Chính vì thế số lượng sinh viên ra trường năm nào cũng cao hơn rất nhiều nhu cầu thực tế, nên đương nhiên số lượng dư ra sẽ là thất nghiệp. Chi phí đào tạo một sinh viên ra trường không hề ít, thế nhưng sinh viên ra trường thất nghiệp một vài năm thì kiến thức mai một hết, khiến công sức tiền bạc để học xem như đổ sông, đổ biển.

Có một thời gian có nhiều trường đại học xin thành lập, các trường cũng xin mở phân hiệu, chi nhánh ở các địa phương khác nhau nhằm tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Phần nhiều là để tăng lợi luận mà không có hướng nâng cao hiệu quả giảng dạy, khiến số lượng sinh viên thất nghiệp càng tăng thêm. Nay đã đến lúc cần rà soát và loại bỏ bớt các trường đào tạo kiểu này.

Một điều quan trọng nữa là cần nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng làm việc cho  sinh viên, học cần đi đôi với hành như ở các nước giáo dục tiên tiến, sinh viên học đến đâu sẽ được làm việc ngay đến đó khiến việc giảng dạy không còn trừu tượng nữa mà là ứng dụng thiết thực ngay, sinh viên cũng không còn phải lo lắng chán nản vì không biết học để làm gì. Các công ty cũng thông qua đó mà tuyển chọn được ngay những người mình ưng ý để ra trường làm cho mình. Từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng làm việc cho sinh viên.

Một điều hết sức quan trọng nữa đó là cần nâng cao kiến thức cũng như khả năng giảng dạy của giáo viên. Ở các nền giáo dục tiên tiến các giảng viên đều phải tham gia nghiên cứu khoa học, cần cập nhật ngay kiến thức vào công tác giảng dạy của mình.

Hiện nay hình thức giảng dạy đang áp dụng là  “thầy đọc, trò ghi”, hình thức này dù được hài hước gọi là “phổ thông cấp 4” thế nhưng lại tồn tại phổ biến ở Việt Nam.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Bộ Giáo dục đã ra 10 tiêu chí để đánh giá chất lượng các trường đại học, và đã được áp dụng 8 năm nay rồi. Giờ là lúc cần sử dụng tiêu chí quốc tế để đánh giá trường đại học chứ không thể cứ sử dụng mãi tiêu chí trong nước, và chỉ sử dụng tiêu chí quốc tế và nâng cao giáo dục theo tiêu chí này thì mới có sự đột phá mạnh trong giáo dục.

Một khi sinh viên có được kiến thứ cũng như kỹ năng tốt sẽ đáp ứng được nhu cầu lao động ngày càng cao hiện nay, nhất là việc hình thành thị trường lao động chung ASEAN

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com


01 ý kiến dành cho “Nguyên nhân và phương hướng giải quyết vấn nạn sinh viên thất nghiệp”

  1. Văn 08/01/2016

    Phần đa các trường đại học lấy giáo trình từ nước ngoài về giảng dạy. Giáo viên thì chưa bao giờ làm việc chuyên môn tại các doanh nghiệp, cơ quan. Sinh viên học chỉ biết kiến thức(không thực tế) từ sách giáo khoa.
    Nếu chọn học sinh phổ thông vào làm rồi có người đi trước hướng dẫn có khi họ còn làm việc tốt hơn. Tôi nghĩ sinh viên nên được đào tạo nhiều hơn về phương pháp luận.

    Reply

Ý kiến dành cho Văn