Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Tháp truyền hình cũng nhất định phải cao nhất thế giới
Việc xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV được xem là “chơi sang” trong hoàn cảnh người dân còn đói khổ.

dự án tháp truyền hình cao 636 m mà VTV cùng các đối tác đang dự kiến xây dựng với tổng vốn đầu tư ít nhất 1,5 tỉ USD

Nói về dự án xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV, nữ ĐBQH Hà Nội – Bùi Thị An cho rằng, những băn khoăn của các chuyên gia, các KTS và các nhà khoa học, VTV cần thiết phải lắng nghe, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Còn TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đã bày tỏ quan điểm: về nguyên lý không nhất thiết cái gì Việt Nam cũng vươn lên hàng đầu thế giới mà phải cân nhắc thận trọng giữa yêu cầu của chuyên ngành nhưng đồng thời cũng phải xem xét điều kiện kinh tế thực tế.

Bà An cũng đề nghị VTV làm rõ mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, tác động thực tiễn của công trình tới sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước.

Tác động cụ thể theo bà An gồm: Mục đích xây dựng dự án là gì? Sự ảnh hưởng của công trình tới môi trường xung quanh và ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế, xã hội của người dân ra sao?

Bà An cho biết, sự xuất hiện dự án cũng có thể được xem là một dấu ấn, một điểm nhấn thu hút nhà đầu tư. Tạo đà cho nền kinh tế – xã hội phát triển. Để làm được như vậy đòi hỏi nền kinh tế, công nghệ phải phát triển ở một trình độ nhất định.

“Chúng ta phát triển nhưng chúng ta sẽ đón đầu công nghệ hay sẽ chạy theo công nghệ? Chúng ta sẽ sử dụng công nghệ nào? Có nên sử dụng công nghệ cũ không? Trong khi hiện đang có rất nhiều ý kiến nói rằng, công nghệ phát triển, không cần thiết xây tháp truyền hình cao nữa. Vậy thì VTV xây tháp truyền hình có thật sự cần thiết? VTV phải lấy ý kiến từ các hiệp hội, các nhà khoa học để có đánh giá tổng thể, toàn diện”, bà An nói.

Vì vậy, bà An đề nghị VTV phải làm rõ những băn khoăn trên.

Thứ hai, bà An yêu cầu VTV trả lời rõ câu hỏi: Dự án xây dựng bằng nguồn vốn nào? Bao giờ thì thu hồi được?

“Dù xây dựng bằng nguồn vốn nào cũng là nguồn lực của toàn xã hội, là tiền của của dân vì vậy VTV phải trả lời được câu hỏi: “Đầu tư rồi, khi nào sẽ thu hồi được vốn”?

Cuối cùng, ĐBQH Bùi Thị An yêu cầu VTV công khai trả lời: Dự án trên VTV đã lấy ý kiến những ai, đơn vị nào? VTV đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý ra sao? Và nhận được bao nhiêu sự ủng hộ?

Hiệu quả xa xăm, siêu ưu đãi trước mắt

Để trở thành tháp truyền hình cao nhất thế giới, VTV đặt ra mốc chiều cao của tòa tháp là 636 m. Sở dĩ có con số này là vì nó cần phải cao hơn 2 m so với tòa tháp Tokyo Skytree của Nhật Bản (đang cao nhất thế giới với 634 m). Dự kiến, tháp truyền hình này sẽ được xây dựng trong 6 năm, đưa vào khai thác từ năm 2021.

Phác thảo dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV và các đối tác
Phác thảo dự án tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV và các đối tác. Ảnh nld

VTV không chỉ xây tháp và khối đế tháp với tổng diện tích khoảng 14,1 ha mà còn xây dựng khối phụ trợ bao gồm các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ, vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện. Trong các phương án của VTV trình Chính phủ, thì riêng mật độ xây dựng chung cư cao cấp từ 30% đến 50% diện tích (khoảng 300.000 – 600.000 m2). VTV lý giải hạng mục này là để “góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực Tây Hồ Tây và thủ đô Hà Nội; gia tăng giá trị bất động sản, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch trong ngoài nước, mang lại nguồn lợi nhuận từ du lịch và các dịch vụ kèm theo” (!).

Đáng chú ý, VTV đã có công văn xin Thủ tướng Chính phủ hàng loạt ưu đãi vốn chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư vào những vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể là xin miễn hoàn trả chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng ban đầu, hạ tầng chung; xin áp dụng cơ chế ưu đãi theo hình thức giao đất, miễn 100% tiền sử dụng đất, thuế đất và miễn chi phí giải phóng mặt bằng… VTV còn đề xuất áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo, các năm còn lại áp dụng thuế suất 10%. Miễn thuế nhập khẩu cho các vật tư, máy móc, thiết bị, vật liệu, linh kiện… phục vụ xây lắp.

Kinh phí đầu tư của dự án cũng rất khổng lồ, từ 1,3 đến 1,5 tỉ USD, trong đó chỉ riêng phần khối tháp là 900 triệu USD. Theo VTV, khoản tiền này là từ nguồn vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của VTV. Về phía SCIC, được lấy từ nguồn vốn kinh doanh theo quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP (từ quỹ đầu tư phát triển của SCIC, số dư hiện tại khoảng 11.000 tỉ đồng); về phía BRG là từ nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp.

Hiện nay, VTV, SCIC và BRG đã đề nghị Công ty Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản) xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với 2 phương án đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ.

Ý kiến độc giả

nhiều bạn đọc tỏ ra bức xúc, không biết VTV xây tháp truyền hình cao nhất thế giới để làm gì trong khi đất nước còn nghèo, người dân còn khổ, rất cần những công trình, dự án thiết thực với đời sống.

“Chúng tôi cần nhiều chương trình hay, ý nghĩa từ VTV chứ không cần tháp truyền hình cao hơn để tiêu tốn một số tiền khổng lồ, trong khi người dân còn nghèo, thiếu cái ăn, cái mặc. Hãy chia sẻ với đồng bào nghèo hơn bỏ hàng tỉ USD để xây tháp truyền hình” – bạn đọc Nguyễn Luân bày tỏ.

Thắc mắc vì sao VTV cứ phải xây những cái nhất thế giới mà người dân không ủng hộ để làm gì, bạn đọc Hoàng Trọng Đào đặt câu hỏi: “Sao không xây bệnh viện cao nhất thế giới, bệnh viện to nhất thế giới, bệnh viện đẹp nhất thế giới…? Sao không xây trường học cao nhất thế giới, trường học có kiến trúc lạ nhất thế giới, trường học có nhiều giáo viên giỏi nhất thế giới…? Những cái đó cũng tạo điểm du lịch hấp dẫn và được người dân và cộng đồng quốc tế ủng hộ”.

Còn bạn đọc Nguyễn Đức Hoàng đề xuất nên dùng số tiền xây tháp truyền hình để đầu tư vào quốc phòng, mua vũ khí để bảo vệ đất nước.

Một số bạn đọc cũng nhấn mạnh hiện nay đang chuyển sang sử dụng truyền hình cáp, vậy xây tháp truyền hình thực sự là một sự lãng phí lớn. Đất nước còn rất nghèo, nhiều tỉnh còn xin gạo cứu trợ cho dân, bệnh viện, trường học còn thiếu nhiều, còn nhiều mảnh đời nghèo khó, trẻ em thiếu quần áo ấm, sách vở để đến trường, nhiều trường hợp bệnh tật không tiền chữa trị…, cần gì phải có cái gọi là cao nhất, to nhất? Sao nghèo mà cứ phải chơi sang? Hãy dành tiền để chăm lo cho người nghèo hơn là đầu tư cho cái nhất, cái viển vông.

Một bạn đọc mỉa mai: “Tháp truyền hình cao nhất, tượng đài lớn nhất, nhà nghỉ dành cho cán bộ to nhất, khu hành chính hoành tráng nhất … để rồi sẽ có ngày người dân khổ nhất”.

Bạn đọc Trần Đăng Ẩn cho rằng VTV chủ trương đầu tư dự án để phục vụ ai hay tiền lại chảy vào túi một số cá nhân, tổ chức mặc cho “sống chết mặc ai”?.

Tổng hợp từ baodatviet, nld

Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Tháp truyền hình cũng nhất định phải cao nhất thế giới”

  1. VN CÁI GÌ CŨNG PHÁI NHẤT THẾ GIỚI MỚI NGHE. ĐÁNH NHAU CŨNG NHẤT, RƯỢU BIA CŨNG NHẤT….TOÀN TỆ NẠN. THÁP TRUYỀN HÌNH GIỜ CŨNG CAO NHẤT THẾ GIỚI MÀ ĐI TRƯỚC THỜI ĐẠI SO VỚI NHẬT CAO THÊM 02 M. MÀ ĐEN NĂM 2021 HỌ MỚI XÂY…? TRONG KHI ĐÓ XÂY TƯỢNG ĐÀI KỶ NIỆM HOÀNG SA THI KÊU GỌI CÔNG ĐOÀN ĐÓNG GÓP BẰNG CÁCH NHẮN TIN. SAO KHÔNG CÓ BÁC THĂNG Ở ĐÂY NHỈ. PHẢI ” CHẢM” NGAY CÁI ÔNG ĐƯA RA CHỦ TRƯƠNG NÀY.

    Reply

Ý kiến bạn đọc