Home » Kinh doanh » Hoàng Anh Gia Lai mỗi ngày trả 13,5 tỷ tiền lãi vay

Ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - Ảnh: S.H.

 Các nhà phân tích cho rằng HAG đang đứng trước nhiều thách thức khi 2 mảng kinh doanh chính là nông nghiệp và bất động sản không mấy khả quan, nợ nần quá lớn. Ảnh: S.H – tuoitre.vn

Với tổng dư nợ của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đến quí 1/2016 lên tới 34.099 tỷ đồng, chưa tính nợ gốc, mỗi ngày làm việc HAG phải trả 13,5 tỷ tiền lãi vay, đây là một điều không tưởng trong khi ngành nông nghiệp và bất động sản không mấy thuận lợi. Vậy cần giải pháp gì để HAG vượt qua?

Cổ phiếu HAG rớt giá

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE năm 2008 với mã chứng khoán là HAG, tiền thân của công ty là xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku do ông Đoàn Nguyên Đức sáng lập năm 1993. Đây là công ty cổ phần có quy mô lớn, hoạt động tại nhiều địa bàn như Tây Nguyên, Lào, Campuchia, Myanmar, nhưng phương thức quản trị theo kiểu gia đình.

Cổ phiếu HAG lừng lẫy một thời, nhưng khi nợ quá lớn và có hiện tượng mất thanh khoản thì lần đầu tiên thị trường chứng khoán chứng kiến cảnh nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu HAG. Có thể nói, chỉ trong 1 thời gian ngắn nhưng mã cổ phiếu HAG lại lao đao rớt giá thảm khi thông tin về những đồn đoán đối với các khoản nợ khủng đã đẩy mã cổ phiếu HAG xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Đến giữa tháng 4/2016, giá cổ phiếu HAG ở mức 6.900 đồng, sụt giảm hơn 70% và đang ở ngưỡng thấp nhất tính từ khi lên sàn.

Cơ cấu lại nợ cho Hoàng Anh Gia Lai?

Theo báo cáo tài chính HAG cho thấy, đến cuối Quý I/2016, nợ vay ngắn hạn và dài hạn của HAG ở mức 28.107 tỷ đồng, tăng 1.008 tỷ đồng so với 3 tháng trước đó. Trong đó, nợ đến hạn trả là 9.621 tỷ đồng, đang rất khó để trả nợ.

Các khoản vay lớn là ngân hàng BIDV với khoản nợ 10.664 tỷ đồng, HDBank là 2.236 tỷ đồng, Eximbank là 3.955 tỷ đồng, VPBank là 2.800 tỷ đồng, ngân hàng liên doanh Việt Lào là 2.253 tỷ đồng, Sacombank là 1.658 tỷ đồng…

Các nhà phân tích cho rằng HAG đang đứng trước nhiều thách thức khi 2 mảng kinh doanh chính là nông nghiệp và bất động sản không mấy khả quan, nợ nần quá lớn, riêng nợ đến hạn phải trả cũng 9.621 tỷ. Năm 2015, HAG liên tiếp gặp khó trong hoạt động kinh doanh, tài chính, những kỳ vọng về hiệu quả chăn nuôi bò, cao su, mía đường và cả bất động sản đều có dấu hiệu giảm sút.

Tái cơ cấu nợ như thế nào?

Theo báo cáo, ước tính 50% nợ dài hạn, vay thời hạn chủ yếu 5 năm của HAGL sẽ đến hạn trả vào năm 2016, 2017. Khó khăn của HAG nay đã trở thành của các ngân hàng, chính các ngân hàng đã phải họp bàn để tái cơ cấu nợ, kỳ vọng giúp HAG vượt qua khó khăn để còn thu được nợ.

Việc chủ trì xử lý nợ được giao cho BIDV, là chủ nợ lớn nhất của HAG sẽ bàn bạc với hơn 10 ngân hàng chủ nợ để tìm biện pháp tái cơ cấu nợ thế nào?

Thực tế, hiện lãi suất với nhiều khoản vay dài hạn trong các năm trước của HAG là trên 11%/năm. Nếu như, có thể gia tăng kỳ hạn trả nợ là 7 năm thay vì trả trong 5 năm và lãi suất có thể giảm xuống 7%/năm (với các khoản nợ đầu tư vào nông nghiệp, lĩnh vực được nhà nước khuyến khích), thì HAG sẽ giảm được hàng ngàn tỷ đồng chi phí lãi vay/năm.

Còn nếu đưa các khoản vay này vào mục nợ xấu thì HAG sẽ phải chịu lãi suất phạt, cao hơn 1,5 lần lãi suất thường; đặc biệt theo quy định mới, nếu một khoản nợ ở một ngân hàng bị đưa vào danh mục nợ xấu thì nợ của HAG ở tất cả các ngân hàng đều bị coi là nợ xấu và HAG sẽ không được vay tiếp.

Điều mong đợi nhất của các chủ nợ và HAGL là được phép giữ nguyên nhóm nợ một số khoản vay để doanh nghiệp này đủ điều kiện vay tiếp và có dòng tiền hoạt động, và điều này đã được NHNN chấp thuận.

Ngân hàng Nhà nước xin Chính phủ cứu HAGL

Ngày 16/05, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã trình Chính phủ phê duyệt phương án tái cơ cấu nợ cho HAGL, trong đó, NHNN đã đồng ý cho hơn 10 ngân hàng là chủ nợ của HAGL được phép cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ một số khoản vay để DN này đủ điều kiện vay tiếp, có dòng tiền hoạt động để có cơ hội trả nợ cho các ngân hàng.

Mới đây, việc chuyển nợ thành vốn góp của ngân hàng được xem là một giải pháp xử lý nợ, đã được áp dụng với một số doanh nghiệp. Khi đó ngân hàng sẽ trở thành cổ đông và trực tiếp cử người cùng điều hành doanh nghiệp. Nhưng đây chỉ là những biện pháp tình thế, không phổ biến trên thế giới, vì ngân hàng không thể có chuyên môn sâu để điều hành doanh nghiệp hiệu quả.

Các chuyên gia cho rằng, dù là giải pháp nào, thì trước hết chính doanh nghiệp HAGL phải đưa ra trước phương án điều chỉnh kinh doanh, cơ cấu lại nợ và chủ động đưa ra kế hoạch trả nợ. Trên cơ sở đó thì các ngân hàng mới giữ nguyên nhóm nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ HAGL.

Kinh doanh nông nghiệp khó khăn

Hoàng Anh Gia Lai đã trồng gần 38.500 ha cao su, nhưng giá cao su thế giới giảm mạnh từ sau khi đạt đỉnh 30 năm vào tháng 2/2011. Từ đó đến nay, giá cao su không ngừng giảm, hiện dao động quanh mức 80 Cent/Pound, giảm sâu so với mức đỉnh 280 Cent/Pound.

Điều ngạc nhiên khi đây là lần đầu tiên sau 2 năm, HAGL chính thức không thu được 1 đồng doanh thu nào từ việc bán mủ cao su. Ngay cả phần giải trình kết quả kinh doanh quý 1/2016 giảm so với cùng kỳ, HAGL cũng không nhắc tới mảng cao su.

Ý kiến đa chiều từ động thái “giải cứu” bầu Đức

Thông tin NHNN đồng ý tái cơ cấu nợ cho HAGL và đề xuất Chính phủ cứu HAGL được dư luận rất quan tâm. Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Việc chính phủ dùng tiền ngân sách, tức tiền thuế để cứu một doanh nghiệp (có tầm quan trọng tới nền kinh tế) đã có nhiều tiền lệ, kể cả chính phủ Mỹ mới đây cũng đã từng cứu 1 ngân hàng trên bờ vực phá sản, có nguy cơ ảnh hưởng đến tài chính Mỹ.

Về HAGL là 1 công ty lớn, số lao động nhiều, có diện tích trồng cao su ở biên giới lên đến hàng chục nghìn hecta, nếu như để HAGL vỡ nợ sẽ là một ảnh hưởng xấu, nếu để doanh nghiệp nước ngoài/hoặc Trung Quốc mua lại sẽ ảnh hưởng đến an ninh biên giới. Vì thế, việc cứu HAGL cũng hợp lý, vì lợi ích chung đại cục và lợi ích riêng của HAGL.

Còn những ý kiến phản biện thì cho rằng không nên. Ví dụ, có ý kiến: “ Lúc làm giàu thì gia đình họ hưởng, khi vỡ nợ bắt nhà nước và nhân dân chịu thì không được, cơ chế gì kỳ vậy, đề nghị nên xem lại trách nhiệm của từng ngân hàng”. Hoặc ý kiến cho rằng: “Sử dụng tiền vay để mua máy bay, nuôi đội bóng, đánh bóng danh tiếng….sao khi thất thố…nhà nước lại bỏ tiền để cứu….thật vô cùng khó hiểu”.

Về nguyên nhân của những khoản nợ lớn, có bạn đọc cho rằng: “Quản trị DN yếu kém, dàn trải, lãnh đạo dựa chủ yếu vào anh chị em & người nhà trong khi đó VN hội nhập toàn cầu với tốc độ cạnh tranh tàn khốc. DN phát triển dựa trên khai thác tài nguyên nay thì tài nguyên đã cạn kiệt, chủ DN lại thích chơi trội sắm máy bay, dàn trải kết hợp với tình hình kinh tế thế giới đang khủng hoảng việc đổ bể là khó tránh khỏi.”

Cũng có bạn đọc không đồng tình Chính phủ cứu giúp, vì 4 tháng đầu năm có 29.000 doanh nghiệp nhỏ giải thể, cũng đang cần cứu giúp tại sao Chính phủ không cứu?

Các nhà phân tích cũng cho rằng, nên theo kinh tế thị trường, việc cứu thế nào cũng chỉ nên giới hạn trong khả năng thực tế. Nếu như cách đây 5 năm, khi HAGL gặp khó khăn, các ngân hàng không cấp tập cho vay bổ sung thì HAGL sẽ không mở rộng lĩnh vực kinh doanh ồ ạt, sẽ thận trọng và chắc chắn sẽ không phải mang số nợ khổng lồ gần 35 nghìn tỷ đồng. Nếu bây giờ vẫn dùng cách cũ, tức là tiếp tục cho vay thì tương lai số nợ sẽ càng ngày càng tăng cao hơn nữa.

Thành Long

Theo daikynguyenvn.com

http://www.daikynguyenvn.com/kinh-doanh/hoang-anh-gia-lai-moi-ngay-tra-135-ty-tien-lai-vay.html

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc