Home » Xã hội » Rừng Tây Nguyên và trận hạn hán lịch sử ở Nam Bộ
Việc xây dựng các công trình thủy điện ở Tây Nguyên, chặt phá rừng trồng cao su, nhưng không lường đến tác động đến môi trường và tự nhiên khiến rừng ngày càng kiệt quệ, môi trường thêm khắc nghiệt, trữ lượng nước ngày càng suy giảm.

>> Thực trạng và hậu quả nạn khai thác rừng bừa bãi

>> Những dự án làm biến dạng sông Hồng đang chờ duyệt

Hạn hán. Ảnh sggp.org.vn

Hạn hán. Ảnh sggp.org.vn

Khi các con sông Tây Nguyên cạn nước thì dòng chảy của nó đổ về đồng bằng Nam Bộ cũng không còn, đó là một trong những nguyên nhân lớn khiến đồng bằng Nam Bộ bị trận hạn hán lịch sử.

Vai trò quan trọng của rừng Tây Nguyên

Tây nguyên được xem là móc nhà của Đông Dương, sông Sêrêpôk chảy qua Campuchia nhận thêm nước từ sông Sesan và sông Sekong (hai con sông này có nguồn từ Việt Nam) rồi chảy vào sông Mê Kông đến hạ lưu là đồng bằng Nam Bộ.Có thể nói nước ở  Tiền Giang, Hậu Giang, nước ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau đều có sự góp mặt của dòng chảy đến từ Tây Nguyên.

Mà rừng Tây Nguyên có vai trò rất quan trọng cho việc giữ nước, không chỉ cho khu vực Tây Nguyên mà còn góp dòng chảy cho cả khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Rừng tự nhiên Tây Nguyên giờ đây hầu như không còn, đã bị phá sạch. Mà chỉ có những khu rừng già tự nhiên với hệ thực vật đa dạng, nhiều loại cây đan xen với nhiều tầng, nhiều lớp thực vật mới có tác dụng giữ nước. Những khu rừng trồng mới không thể thay thế những cánh rừng già tự nhiên.

Rừng giữ được nước sẽ ngăn lũ, nước ngấm xuống đất làm tăng lượng nước ngầm, đồng thời theo các mạch nước để cung cấp các dòng nước vô tận cho sông ngòi.

Rừng già tự nhiên Tây Nguyên bị phá hủy lớn nhất từ các dự án thủy điện và chính sách chặt rừng trồng cây cao su.

Dự án thủy điện phá hủy môi trường thế nào?

Dự án thủy điện An Khê – Ka Nak ở tỉnh Gia Lai đã chặn mắt dòng chảy sông Ba từ thượng nguồn, rồi chuyển nước về sông Kôn, tỉnh Bình Định, khiến sông Ba trở thành con sông chết.

Cảnh xẻ núi dẫn nước từ sông Ba Gia Lai xuống sông Kôn (Bình Định) của Công trình thủy điện An Khê - Ka Nak.

Cảnh xẻ núi dẫn nước từ sông Ba Gia Lai xuống sông Kôn (Bình Định) của Công trình thủy điện An Khê – Ka Nak. Ảnh plo.vn

Hậu quả là 400.000 người dân sống dọc theo sông Ba hứng chịu ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

Sông Krông Ana chảy qua Đắc Lắc, sông Krông Nô chảy qua Đắc Nông, hai con sông này hợp lưu thành hệ thống sông Sê-rê-pôk. Thế nhưng gờ đây 2 con sông này bị chặt ra nhiều khúc vì thủy điện, can thiệp thô bạo vào tự nhiên, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt người dân 8 xã thuộc tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông.

Sông Sê-rê-pôk chảy đến hạ nguồn thuộc huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắc Lắc) thì bị công trình thủy điện nơi đây chặn đứng dòng nước, dòng nước được chuyển sang khu vực khác để phát điện, khiến hàng km sông Sê-rê-pốk cạn trơ đáy, khiến vùng hạ du lâm cảnh hạn hán. hệ sinh thái Vườn quốc gia Yook Đôn thuộc 7 xã (tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông) bị ảnh hưởng nặng nề. khu du lịch sinh thái Buôn Đôn trước đây vốn rất hấp dẫn, nay thành một địa chỉ heo hút.

ban-don

Thủy điện Sê-rê-pôk  chặn dòng, khiến khu du lịch sinh thái Bản Đôn khô khốc. Ảnh vov.vn

Tại Kon Tum, việc xây đập thủy điện Đại Ninh khiến nguồn nước dòng sông Đa Nhim về hạ nguồn của thác Pongour không còn, khiến không đủ nước cung cấp cho  cây trồng, các thác nước cũng cạn kiệt.

Bà Trương Thị Đáng quản lý Khu du lịch sinh thái Thác Pongour cho VOV biết: Mặc dù thủy điện Đại Ninh đã cam kết xả về dòng sông Đa Nhim, nhưng thực tế họ không thực hiện theo yêu cầu đó.

Thủy điện tàn phá rừng nghiêm trọng. Trang VOV dẫn tin từ Tổng cục lâm nghiệp cho biết: 7 năm qua, Tây Nguyên mất gần 360 nghìn ha rừng. Một số liệu thống kê khác cho thấy, 30 năm qua, 1/3 diện tích rừng ở Tây Nguyên bị tàn phá, với diện tích hơn 1,5 triệu ha, khiến độ che phủ suy giảm nhanh chóng, mất đi khả năng giữ nước.

Kết quả nghiên cứu của Chương trình cảnh quan bền vững, thuộc tổ chức IDH của Hà Lan cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, mực nước ngầm ở Tây Nguyên mỗi năm tụt xuống từ 3 đến 5m, trữ lượng nước đã giảm từ 30 đến 35%.

Thực tế mực nước ngầm xuống còn thấp hơn nữa, ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đắc Lắc cho biết: “10 năm trước thì giếng có độ sâu so với mặt đất là từ 80 đến 90 mét, nhưng hiện giờ xuống đến 110, 111 mét, xuống hẳn đi từ 10 đến 15 mét”

Chặt rừng trồng cao su

Ở Tây Nguyên rừng không chỉ bị phá để làm thủy điện, mà còn chặt rừng để trồng cây cao su, xem cây cao su có thế cây rừng. Mà cây cao su có rễ cọc không thể giữ nước, không thể thay thế rừng được.

Đợt tàn phá rừng già lớn nhất ở Tây Nguyên chính là khi thực hiện “chuyển rừng nghèo sang trồng cao su”, diện tích cao su tăng nhanh khắp cả nước, đến năm 2012 diện tích cao su đã đạt kế hoạch dự kiến đến tận năm 2015.

Rừng già tự nhiên bị khai thành rừng nghèo để chặt trồng cao su, con số thống kê 5 tỉnh Tây Nguyên cho thấy 79% diện tích rừng bị chặt trồng cao su là rừng tự nhiên chứ không phải rừng nghèo kiệt.  Ông Nguyễn Ngọc Rân, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Gia Lai cho trang Kinh Tế Nông Thôn biết: “Trong 65.000 ha diện tích quy hoạch để trồng cao su cho phép 5 doanh nghiệp khảo sát triển khai có đến 51.000 ha là đất có rừng. Diện tích đất trống đồi trọc, đất nghèo kiệt vô cùng ít”.

Rừng bị chặt để trồng cây cao su bất chấp tác động đến môi trường và tự nhiên, nhiều diện tích đất không phù hợp cho cây cao su phát triển, ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắc Lắc cho trang Kinh Tế Nông Thô biết: trong số hơn 635.000 ha đất được khảo sát để trồng cao su, có tới 74% diện tích không phù hợp cho loại cây này phát triển

Giá cao su cũng biến động rất thất thường nên tiềm ẩn rủi ro cao, như năm 2013 giá xuất khẩu mủ cao su giảm 50% so với năm 2012 khiến lỗ nặng do giá bán còn thấp hơn cả chi phí. Năm 2015 diễn ra tình trạng tương tự khiến ngành cao su chịu lỗ rất nặng, doanh thu từ bán mủ còn thấp hơn chi phí cạo mủ, nhiều hộ gia đình chặt cao su trồng điều, khoai mì.

Tây nguyên khi xưa rừng đều thuộc về một làng cụ thể, tạo ra không gian xã hội nền tảng vững chắc. Việc quốc hữu hóa đất và rừng Tây Nguyên đã làm mất đi nền tảng ấy.

Rừng Tây Nguyên mất dần, không chỉ người dân Tây Nguyên bị hạn hán, mà đồng bằng Nam Bộ, nơi có vựa lúa lớn nhất nước chịu cảnh khô hạn, mặn chát.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc