Home » Xã hội » Lo lắng về dự án Thép của Tập đoàn Hoa Sen bên bờ biển Ninh Thuận

Giữa lúc sự cố ô nhiễm môi trường từ nhà máy thép Formosa chưa khắc phục được thì việc xuất hiện thêm một dự án thép khổng lồ với công suất trên 16 triệu tấn/năm bên bờ biển Cà Ná, Ninh Thuận khiến nhiều người lo ngại.

Bãi biển Cà Ná. Ảnh lấy từ youtube

Bãi biển Cà Ná. Ảnh lấy từ youtube

Dự án 10,6 tỷ USD của Chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen này ra đời đúng vào thời điểm tâm bão ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nhà máy thép Formosa gây ra, đồng thời thị trường thép thế giới lại dư thừa nghiêm trọng khiến nhiều người nghi ngờ khả năng đảm bảo môi trường và tính khả thi của dự án này.

Trước áp lực từ dư luận  Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Group Lê Phước Vũ đã phải nhiều lần lên tiếng về khả năng đảm bảo môi trường của dự án, như “không để một giọt nước thải từ dự án chảy ra biển”, “Nếu xảy ra sự cố môi trường, tôi giao hết tài sản cho Nhà nước”.

Dù thế dư luận cũng đòi hỏi phải có một điều gì đó thật cụ thể đảm bảo cho sự an toàn môi trường của dự án này.

Trong chương trình “Đối thoại chính sách” trên VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam mới đây, ông Vũ thêm một lần nữa đã chia sẻ thẳng thắn rằng: “Tôi nghĩ là chúng ta không thể nào xem nhẹ vấn đề môi trường, môi trường phải được đặt lên trên sự phát triển, đó là vấn đề chắc chắn. Nhưng không phải vì vấn đề môi trường mà chúng ta không phát triển, đó là hai khía cạnh rất rõ ràng. Khi chúng tôi đầu tư, như vậy là cơ hội rất lớn, với vấn đề công nghệ và thiết bị như hiện nay thì đều có thể giải quyết được vấn đề môi trường. Chúng tôi khẳng định sẽ làm dự án này với hết lương tâm, với hết trách nhiệm của chúng tôi. Làm sao để vẫn bảo vệ được môi trường mà vẫn tạo ra được công ăn việc làm, tạo được sự tăng trưởng cho xã hội, cho đất nước”.

Trước những cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn Hoa Sen Group, dư luận vẫn dấy lên nỗi lo lắng hoài nghi về mức độ an toàn cho môi trường từ dự án này.

Nhiều chuyên gia phân tích đưa ví dụ điển hình về Formosa để cho thấy rằng, khi thảm họa xảy ra, thì chỉ có thể đền bù vật chất cho người dân ở thời điểm trước mắt, còn về lâu dài thì rất khó, mặt khác sự đền bù cũng không thể hồi phục được vùng biển bị ô nhiễm trở lại như cũ.

Đứng về mặt hiệu quả kinh tế, Ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN lại không lạc quan lắm về khả năng tiêu thụ thép bởi thị trường thế giới đang dư thừa thép

Mặt khác sản lượng thép ở Trung Quốc dư thừa rất nhiều, áp lực khiến Trung Quốc phải bán phá giá với giá thấp nhiều so với thị trường, như vậy dự án liệu có thể cạnh tranh được với thép giá rẻ của Trung Quốc hay không?

Nhiều nước có nền công nghiệp cán thép tiên tiến như Mỹ, Anh, Ấn Độ… vẫn đang lo ngại về tình trạng thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ đã ấn định thuế nhập khẩu 266% lên một số loại thép của Trung Quốc. Nhưng với mới quan hệ với Trung Quốc như hiện nay, Việt Nam không thể thực hiện như Mỹ, vậy dự án liệu có thể giải bài toán này thế nào?

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng trước khi có quyết định cần phải thẩm định, xem xét kỹ lưỡng về năng lực thật sự của nhà đầu tư. Cần thiết thì có thể lập Hội đồng Quốc gia, thậm chí thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài để làm rõ vấn đề về môi trường và các thiết bị công nghệ.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Lo lắng về dự án Thép của Tập đoàn Hoa Sen bên bờ biển Ninh Thuận”

  1. vo van that 06/09/2016

    Ve van de hieu qua kinh té, dung là phai can nhac ky cang boi vi san xuat thep phai co von dau tu lon va lau dai, phai co su danh gia hieu qua kinh te dai han truoc khi quyet dinh dau tu (ngay nuoc Phap Cung da phai dong cua tu vai nam nay cac nha may luyen gang thep roi).
    Ve mat moi truong, toi cho rang khong qua lo lang vi nha nuoc va cac co quan khoahoc chang chan se phai tham tra ky luong du an sau bai hoc dat gia tu Formosa

    Reply

Ý kiến bạn đọc