Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Mua điện từ Lào – giá có rẻ không?

Không muốn phụ thuộc vào nguồn điện từ Trung Quốc, lại chưa phát triển được năng lượng tái tạo thân thiện môi trường, Việt Nam có thể phải nhập điện từ Lào, nhưng giá có rẻ không?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương đang xây dựng đề án “Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Theo đề án này, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể nhập khẩu nguồn điện sản xuất từ Lào để bổ sung cho nhu cầu sử dụng năng lượng trong các năm tới.

Vào tháng 4/2016, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia  đã tổ chức đóng điện xung kích thành công dự án đường dây 220 kV Xekaman 1 (Hatxan) – Pleiku 2 (phần trên lãnh thổ Việt Nam).  Đường dây này nhằm truyền tải điện từ các nhà máy thủy điện Xekaman 1, Xekaman San-xay, Xekong 3 thượng, Xekong 3 hạ từ Lào về Việt Nam.

Lào muốn xuất khẩu điện

Hiện nay nguồn điện năng ở Lào đều từ các thủy điện sông Mê Kông. tiềm năng thủy điện của Lào trên dòng chính sông Mêkông trên lãnh thổ Lào là 7.500 MW, giữa biên giới sông của Lào – Thái là 2.500 MW, còn trên dòng nhánh lên đến 13.000 MW.

Tiềm năng thủy điện là vậy, nhưng lại chỉ phục vụ cho số dân chỉ 7 triệu người. Lào lại chủ yếu phát triển nông nghiệp, các khu công nghiệp sản xuất lớn chưa có, nên lượng điện tiêu thụ thấp.

Chính vì thế Lào muốn xuất khẩu điện sang những nước láng giềng như Thái Lan và Việt Nam.

Mua điện từ Lào có thực sự “rẻ”

Dù Lào có nhu cầu xuất khẩu điện, nhưng giá điện có rẻ không?

Hiện tại Thái Lan nhập khẩu điện từ Lào với giá 10 UScents/kWh (khoảng 2.200 đồng/kWh), giá giờ cao điểm 15-20 UScents/kWh (khoảng 3.300-4.400 đồng/kWh).

Trong khi đó giá điện Việt Nam mua từ Trung Quốc là 1.300 đồng/kWh, còn điện trong nước chỉ khoảng 800đồng/kWh.

Đó là chưa kể chi phí làm đường dây chuyển tải điện từ Lào sang Việt Nam. Chi phí làm đường dây truyền tải điện từ Lào sang Thái Lan là 10.000 đến 15.000 USD/km. Trong khi đó biên giới giữa Lào và Việt Nam phải qua dãy núi Trường Sơn, nên chi phí làm đường dây sẽ cao hơn Thái Lan nhiều lần.

Mặt khác việc mua điện từ thủy điện Lào có thể vô tình đồng ý với các công trình thủy điện trên sông Mê Kông, Lào có thể xây thêm các công trình thủy điện nữa khiến cho đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam càng khô hạn.

Nhu cầu điện của Việt Nam

Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, Chủ nhiệm khoa Điện & Bảo dưỡng Công nghiệp, Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội nói về nhu cầu điện trên báo Đất Việt rằng: “Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam còn rất lớn. Năm 2015-2016, chúng ta mới sản xuất ra được khoảng 150 tỷ KWh điện. Đến năm 2020, Việt Nam phải cần tới trên 200 tỷ KWh điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Để bù đắp vào đó, Việt Nam đã xây 1 số nhà máy nhiệt điện lớn chạy than và buộc phải nhập than từ nước ngoài về với giá đắt.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam không còn con sông nào để xây thủy điện nữa. Tất cả các dòng sông có công suất lớn như sông Đà, sông Yaly… chúng ta xây hết rồi.

Trong khi Lào làm thủy điện nhưng dùng ít thôi, đến 90% lượng điện là họ bán. Lào có điện bán cho chúng ta thì quá tốt”

Có thể sử dụng điện từ nguồn nào

Nhiều chuyên gia nước ngoài khi sang Việt Nam có nhận định rằng, Việt Nam có thể tự chủ bằng nguồn điện khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo thân thiện môi trường như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy triều, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối, mà chúng ta chỉ mới khai thác ở một tỷ lệ rất khiêm nhường.

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama vừa qua, tập đoàn General Electric (GE) Mỹ và Bộ Công Thương đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo đó, GE sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển tối thiểu 1.000 MW điện từ các trạm điện gió từ nay cho tới năm 2025, sản lượng điện này đủ thỏa mãn cho nhu cầu sử dụng điện cho khoảng 1,8 triệu gia đình.

Việc tận dụng điện từ năng lượng tái tạo này còn hạn chế,  PGS.TS Lê Văn Doanh cho rằng: “Năng lượng mặt trời hay phong điện số lượng rất ít mà giá thành cao, không thể bù đắp được bằng những thiếu hụt trong nước. Lào xây thủy điện không dùng được hết họ buộc phải bán. Lào cũng bán được 2 năm rồi. Trong khi chúng ta đang thiếu nên việc mua như thế là lợi cả hai bên” – ông Doang khẳng định trên báo Đất Việt.

Dù chi phí nhập điện từ Lào là cao nhưng nhiều chuyên gia ủng hộ cách làm này, một trong những lý do ủng hộ là nhập điện từ Lào sẽ tránh được việc phụ thuộc nguồn điện từ Trung Quốc, bởi nếu không nhập từ Lào, lại không tận dụng năng lượng tái tạo thì chỉ còn nước nhập điện của Trung Quốc.

GSTS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng: “Việt Nam mua điện của Trung Quốc cũng không nhiều lắm, chỉ trên dưới 5%. Chúng ta cố gắng giảm xuống để tránh phụ thuộc vào nguồn điện của nước ngoài. Bây giờ có thêm được 1 nguồn năng lượng nữa từ Lào thì khả năng năng lượng sẽ rộng hơn và mức phụ thuộc cũng sẽ giảm bớt hơn.

Chúng ta có thêm quyền lựa chọn, có quyền mặc cả để mua điện giá phù hợp hơn. Với Lào, giá điện đắt hay rẻ còn tùy thuộc vào hợp đồng chúng ta thương lượng với họ như thế nào. Nhưng đây cũng là điều tốt với Việt Nam” báo Đất Việt dẫn lời.

PGS.TS Lê Văn Doanh cũng đưa ra một giải pháp là cần tận dụng năng lượng tái tạo  thân thiện trường như năng lượng mặt trời, nhưng việc này khó thự hiện bởi giá điện ở Việt Nam rất thấp: “Giá điện ở Thái Lan phải đắt gấp rưỡi so với Việt Nam, của của Đức gấp 3 lần chúng ta. Giá điện của Việt Nam chỉ bằng 40% của Pháp.

Giá điện rẻ của như vậy đã hạn chế các công ty năng lượng mặt trời, gió không phát triển được mặc dù nhà nước đã có khuyến khích rồi. Giá điện phải tăng lên, nếu không thì sẽ không khuyến khích được đầu tư”.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc