Home » Xã hội » Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xin đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển

Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 của Trung Quốc đã lập hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận xin đổ 1,5 triệu m3 chất thải ra biển trong quá trình nạo vét luồng hàng hải, lý do được đưa ra là đổ trên đất liền sẽ không có hiệu quả kinh tế xã hội. Chất thải gồm bùn, đất, cát.

Khu vực biển trước nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh laodong.com.vn

Khu vực biển trước nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh laodong.com.vn

Theo hồ sơ, sau khi nạo vét, chất thải sẽ được sà lan chở đến khu vực cách nhiệt điện Vĩnh Tân 13 km (nơi cách đảo Cù Lao Câu khoảng 8km và cách ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau 500m) để đổ chất thải.

Theo báo Lao Động nơi dự kiến đổ chất thải này là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt về hệ sinh thái, bảo tồn và đa dạng sinh học với gần 234 loại san hô, hơn 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng.

Thế nhưng trong hồ sơ, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 không có báo cáo khảo sát về khu vực xin đổ chất thải.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho báo Lao Động biết: “Đối với điều kiện môi trường biển mà nói bãi đổ thải chỉ cách khu bảo tồn biển 500m không ảnh hưởng gì thì phải xem lại”.

Ông Huy cũng cho rằng việc đổ thải với số lượng lớn dễ gây chết san hô và các loại thủy sinh khác.  Hệ quả là Khu bảo tồn biển Hòn Cau nguy cơ bị xóa sổ.

Sau khi nhận được hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã gửi công văn cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Theo thông tin từ báo Lao Động, nội dung công văn này có nêu bật các điểm sau:  khuyến cáo rằng, tác động của dự án đối với khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra, và tác động mạnh nếu để xảy ra sự cố. Do đó Sở TNMT Bình Thuận đề nghị nghiên cứu tận dụng tối đa vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân và Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Đồng thời, lưu ý vị trí đổ thải nằm trên tuyến vận tải ven biển cho tàu VR-SB nên sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của luồng, tuyến hàng hải ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Đồng thời ông Hồ Lâm – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho báo Đất Việt biết việc đổ hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển Bình Thuận thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Lâm cũng cho báo Đất Việt biết: ”Hiện tại, dự án vẫn chưa được duyệt mà đang làm giấy phép xin ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường. Bên cạnh đó, phía Bộ cũng đang lấy ý kiến về vấn đề này. Đây là một đề án tổng thể, liên quan đến nhiều vấn đề nên cần phải nghiên cứu cụ thể.”

Đánh giá về việc xả thải này, ông Huỳnh Văn Thải, Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho báo Lao Động biết: “Nếu không có giải pháp lâu dài để bảo vệ môi trường, thì nguy cơ đe dọa đến khu bảo tồn từ các dự án của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân là điều khó tránh khỏi. Do đó, đối với dự án đổ thải sau khi nạo vét, các cơ quan chức năng cần xem xét thận trọng nếu có phương án khác thì nên lựa chọn”.

Vùng biển ở Tuy Phong (Bình Thuận) cũng có rất nhiều dòng hải lưu đan xen nhau, nên nếu biển Tuy Phong bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến vùng biển Cà Ná (Ninh thuận). Mà vùng biển Tuy Phong – Cà Ná là một trong hai nơi ở châu Á có vùng nước trồi tốt hàng đầu thế giới.

Môi trường nước trồi là nơi lý tưởng để phát triển sinh vật biển, cơ sở thức ăn và nguồn hải sản phong phú

Khu sinh thái biển Hòn Cau. Ảnh baodatviet.vn

Khu sinh thái biển Hòn Cau. Ảnh baodatviet.vn

Để giải thích tại sao không chọn đổ thải trên đất liền, mà phải đổ ra biển, trong hồ sơ của mình, Điện lực Vĩnh tân 1 cho rằng: Nếu đổ thải, lưu giữ và xử lý trên đất liền cần có địa hình lớn, thế nhưng địa hình huyện Tuy Phong không có nơi phù hợp để đổ chất thải.

Bên cạnh đó, việc đổ chất thải trên đất liền có khả năng gây nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường không đạt được hiệu quả kinh tế xã hội.

Ánh Sáng

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc