Home » Kinh doanh » Dự án Vinachem lỗ ngàn tỷ: Đừng tạo thêm ung nhọt

Vinachem quanh quẩn cách làm cũ khi xin Nhà nước cứu các dự án thua lỗ nhưng để giải quyết được các dự án này thì rất phức tạp.

Sắp chết đuối vẫn hô hào

Nhìn lại những động thái của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đối với các dự án thua lỗ ngàn tỷ của đơn vị này (dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc; dự án Nhà máy DAP số 2), PGS.TS Phạm Quý Thọ, Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển lưu ý đến việc Vinachem đã xin Chính phủ “giải cứu” các dự án này.

Theo đó, Vinachem kiến nghị Chính phủ xem xét đề nghị các ngân hàng cho giãn nợ, giảm lãi vay, tiếp tục cho vay vốn lưu động, áp thuế phòng vệ đối với sản phẩm nhập khẩu,… Ông ví von hành động đó như người sắp chết đuối thì hô hào kêu cứu, có bệnh thì vái tứ phương.

vinachem
Nhiều dự án Vinachem đầu tư kém hiệu quả.

“Trong khi đang “bí”, chưa có đề xuất nào hay hơn, chưa vượt khỏi được cơ chế này thì lãnh đạo của Vinachem đành phải loanh quanh theo cách làm cũ. Nhưng Nhà nước hay Vinachem không nên ép ngân hàng vì ngân hàng cũng phải dựa trên nguyên tắc thị trường.

Vị chuyên gia thẳng thắn, ai đó lợi dụng để có dự án rồi chia chác phần trăm thì sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên và trước sau cũng bị phanh phui, thế hệ họ có thể thoát nhưng thế hệ sau phải trả gánh nặng nợ nần.

”Bây giờ Vinachem thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn tại của các dự án thua lỗ nghìn tỷ nhưng để xử lý được cũng vô cùng phức tạp bởi đây là vấn đề tồn đọng từ lâu do quản lý yếu kém của Vinachem, Bộ Công thương. Mặt khác có nhiều lực cản do nhận thức cũ về cơ chế, về việc có giữ lại DNNN hay không, cổ phần như thế nào…

Đây là điểm rất nặng nề ở các DNNN cũng như trong suy nghĩ của cán bộ quản lý các cấp. Đặc biệt, đằng sau những vướng mắc này là lợi ích nhóm.

Các nhóm lợi ích phải giữ cách làm cũ thì mới có lợi ích, chức vụ, do đó họ núp dưới chiêu bài kêu khó, kêu khổ như ảnh hưởng đến đời sống cán bộ nhân viên, việc làm, thiệt hại về tài sản Nhà nước mỗi khi làm ăn không hiệu quả để xin cứu”, PGS Thọ chỉ rõ.

Để xử lý những dự án thua lỗ, vị chuyên gia về chính sách công đề xuất phải sửa luật, đồng thời tích cực vận dụng những cái đã có, cam kết mạnh mẽ khi cổ phần hóa với phương châm phẫu thuật dứt điểm mớ bùng nhùng, tránh tạo khối ung nhọt cho nền kinh tế sau này.

“Nhà nước phải kiên quyết với các dự án thua lỗ, trong trường hợp của Vinachem cũng vậy. Những dự án này giống như một ngôi nhà bị mọt ruỗng sắp sập. Thà giật đổ ngôi nhà luôn sau đó làm lại còn hơn giữ lại một số mảng tường nứt đang đe dọa đổ vỡ tiếp.

Nhà sập sẽ đau đớn hơn nhưng điều đó sẽ tạo ra mảng đất trống để người ta xây tiếp một ngôi nhà mới bền vững hơn, khang trang hơn, thậm chí có nhiều sáng tạo hơn do đã rút kinh nghiệm từ ngôi nhà đổ. Còn cứ chống đỡ ngôi nhà đổ mà không đảm bảo về mặt kỹ thuật, cấu trúc, thẩm mỹ… thì càng nguy hiểm hơn”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhấn mạnh.

Nguy cơ các công ty Vina rơi vào cảnh tương tự

Một điểm quan trọng được PGS.TS Phạm Quý Thọ lưu ý là: trong quá trình xử lý các dự án thua lỗ, phải làm rõ trách nhiệm cá nhân những người đã gây nên hệ quả này, từ các chủ đầu tư đến người ra quyết định đầu tư một cách dễ dãi dựa trên vốn Nhà nước “cha chung không ai khóc”. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng thị trường, đặc biệt là các nguyên tắc thị trường.

“Trách nhiệm cá nhân ở đây không có nghĩa chỉ là một người đứng ra chịu trách nhiệm mà là cả một suy nghĩ, cách làm của rất nhiều người trong một ê kíp từ bộ, tập đoàn xuống đến doanh nghiệp tạo ra hậu quả nặng nề khiến phải tốn rất nhiều chi phí, thời gian sửa chữa.

Những thiệt hại xảy ra có thể do năng lực, hoặc do cố tình thu vén cá nhân, cố tình lợi dụng cơ chế để vun vén cá nhân, làm thiệt hại cho Nhà nước, che đậy bằng nhiều kiểu biện minh, dựa dẫm vào ô dù rất nguy hiểm cho cải cách, sửa đổi các vấn đề của DNNN thuộc Bộ Công thương nói chung và Vinachem nói riêng.

Dĩ nhiên việc xử lý trách nhiệm cá nhân không hề dễ và là câu chuyện dài vì vướng cơ chế nhưng vẫn phải làm cho được.

Một khi xử lý trách nhiệm cá nhân thì mọi thứ rất rõ ràng, còn cứ kiểu “cha chung không ai khóc” thì không chỉ Vinachem mà các loại Vina khác rồi cũng lâm vào cảnh tương tự”, ông nói.

Thành Luân

Theo baodatviet.vn

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc