Home » Kinh doanh » Vì sao tỷ giá USD tăng mạnh?
Các ngân hàng đều thu mua đôla Mỹ trên 21.000 đồng/USD, bán ra kịch trần 21.036 đồng. Còn tại phố Hà Trung (Hà Nội), mua một USD phải trả 21.250 đồng.

Tỷ giá có dấu hiệu tăng nhanh trong vòng 2 tuần trở lại đây. Hiện tại, mức giá đôla bán ra tại nhiều ngân hàng thương mại phổ biến kịch trần 21.036 đồng/USD. Trong sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, từ vài ngày nay, giá đôla bán ra cũng đều ở 21.036 đồng, còn chiều mua vào niêm yết tại 20.850 đồng.

Tại nhiều ngân hàng thương mại, trước đó vài ngày, USD mua vào vẫn bám trụ dưới 21.000 đồng, song đến 12/6 đã đồng loạt vọt lên trên 21.000 đồng/USD, theo niêm yết. Còn mức bán ra kịch trần 21.036 đồng/USD đã áp dụng từ khoảng một tuần trở lại đây. Vietcombank thông báo mua bán tại 21.020-21.036 đồng/USD, VietinBank là 21.030-21.036 đồng, Eximbank cũng phổ biến 21.010-21.015 đồng/USD chiều mua và bán kịch trần 21.036 đồng. Điểm chung của bảng tỷ giá tại nhiều ngân hàng trong những ngày trở lại đây là chênh lệch mua bán rất hẹp, chỉ từ 6 đồng đến hơn 10 đồng. Theo lời các chuyên gia, điều này cho thấy nhu cầu đôla đang tăng lên rất mạnh. 

Giá mua bán đôla Mỹ trên thị trường tự do ở Hà Nội tăng vọt trong khoảng gần 1 tuần trở lại đây, trong khi từ đầu tuần, các ngân hàng thương mại cũng đẩy giá mua USD tăng vượt 21.000 đồng.

Thị trường tự do tại Hà Nội những ngày vừa qua cũng chứng kiến sự lên giá mạnh mẽ của đồng bạc xanh, khi giao dịch luôn phổ biến trên 21.200 đồng ở cả hai chiều mua và bán. Một chủ điểm thu đổi ngoại tệ tại phố Hà Trung (Hà Nội) chiều 12/6 thông báo, đang mua đôla vào với giá 21.240 đồng/USD và bán ra 21.250 đồng/USD. Anh này cho biết, giá này đã tồn tại từ nhiều ngày nay, nếu thấp hơn, cũng chỉ thấp hơn khoảng 5-10 đồng, tùy điểm giao dịch. So với trong các ngân hàng thương mại và giá do Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước đang niêm yết, mức này đang đắt hơn khoảng 220 đồng/USD. 

“Tỷ giá luôn đứng trước sức ép từ cán cân thanh toán và lực cầu của thị trường”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định. Ông phân tích, khi các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay ngoại tệ, trên thị trường, ngoại tệ chủ yếu được mua bán thì trạng thái ngoại hối âm tăng lên khiến áp lực đè nặng lên tỷ giá. Bên cạnh đó, cán cân cân bằng là tín dụng ngoại tệ đang giảm mạnh, sự dịch chuyển ngoại hối để cân bằng rất bấp bênh dù Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 1 tỷ USD để can thiệp thị trường. Về băn khoăn của nhiều nhà đầu rằng tăng tỷ giá trong một vài tuần trở lại đây nên được coi là sóng hay xu thế, ông cho rằng: “Với mức thâm hụt thương mại như tháng 5, có thể đây là một yếu tố xu thế, thị trường bắt đầu có đầu cơ” và bổ sung, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước phải duy trì tỷ giá 1%, nếu không thị trường sẽ có sóng. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, hiện tại, tỷ giá ngoại hối đang phải chịu áp lực lớn. Dù thế, ông không nhìn thấy việc tăng tỷ giá xuất phát từ nguyên nhân kinh tế vĩ mô như nhu cầu nhập khẩu, vì hiện nay cầu còn yếu do kinh tế chưa phục hồi nhiều. Chuyên gia này dự đoán, nhiều khả năng, việc tăng tỷ giá trong những ngày gần đây liên quan tới việc các ngân hàng phải tất toán trạng thái vàng trước ngày 30/6. Theo đó, nhu cầu trả nợ các khoản vay đến hạn trả, hoặc nhập vàng, đầu cơ có thể khiến cho tỷ giá USD nhảy vọt lên. 

Tuy vậy, ông Nguyễn Trí Hiếu kết luận, nếu tỷ giá bị đẩy lên bởi những nguyên nhân kể trên, thì áp lực sẽ không tồn tại lâu. Khi các ngân hàng hoàn tất cân bằng trạng thái vàng, tình trạng “căng” của tỷ giá cũng sẽ chấm dứt. “Một số ý kiến cho rằng nên phá giá đồng Việt Nam bằng cách nâng tỷ giá liên ngân hàng lên trên mức 20.828 đồng, song theo tôi, điều này chưa cần thiết. Nên chăng nới biên độ, trước là cộng trừ 1% thì nay nâng lên mức 2-3%”, ông Hiếu nêu ý kiến. 

Một chuyên gia khác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì cho biết, tỷ giá những ngày vừa qua dù tăng sốc song chưa “nóng” đến mức cần phải đưa ra cảnh báo. Vị này cho rằng, đến hết tháng 6, có thể tình trạng này sẽ dịu lại vì nhu cầu vàng xuống thấp, áp lực lên tỷ giá cũng giảm dần, việc một số đối tượng cần nhập lậu vàng về bán trong nước cũng sẽ lắng xuống. “Ngoài ra, thời gian này tỷ giá tăng nóng cũng có phần do đầu cơ của ngân hàng thương mại. Có hiện tượng ngân hàng thương mại mua đôla của Ngân hàng Nhà nước với tỷ giá cộng trừ 1% (21.036 đồng/USD), nhưng lại bán ra thị trường với giá tự do (21.250 đồng/USD) để trục lợi, vì nhu cầu đang cao”, chuyên gia nói trên chia sẻ. 

Trước đó, từ đầu năm, tỷ giá biến động 2 lần với biên độ tương đối mạnh, cũng có thời điểm mức niêm yết lên kịch trần 21.036 đồng/USD. Trả lời về tăng tỷ giá, ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, động thái quan trọng nhất của Ngân hàng Nhà nước là hạ mức giá bán can thiệp từ 21.036 đồng/USD xuống 20.950 đồng và thực hiện bán, loại bỏ tâm lý, tin đồn đẩy tỷ giá tăng. 

LAN ANH

Theo zing

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc