Home » Kinh doanh » Đôla chợ đen ‘theo đuôi’ ngân hàng
Tỷ giá liên ngân hàng chạm đáy 20.658 đồng vào sáng nay, cũng là lúc Ngân hàng Á Châu hạ giá mua đôla tiền mặt về dưới mức sàn, còn 20.470 đồng. Sự lao dốc nhanh này giúp giá USD chợ đen sụt giảm theo.

Lúc 12h trưa, giá mua bán USD tại hầu hết các điểm thu đổi ngoại tệ tại TP HCM quanh 20.550-20.580 đồng. Đến 13h, giá tiếp tục được các điểm thu đổi điều chỉnh giảm thêm 20 đồng, xuống sát 20.530-20.560 đồng ăn một USD.

Chủ một hiệu vàng gần chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh cho biết, sáng đến giờ đã điều chỉnh giá USD hơn 3 lần nhưng vẫn chưa tương xứng với giá trong ngân hàng. “Giá trong nhà băng rớt quá nhanh và với cường độ mạnh nên chúng tôi không kịp trở tay”, anh này nói.

Giá USD chợ đen chạy hụt hơi theo giá USD ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà

Còn chủ một đại lý thu đổi ngoại tệ trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, thốt lên, chưa bao giờ giới kinh doanh ngoại tệ lại chứng kiến tình trạng này. “Thay vì trước kia, giá đôla trong ngân hàng thường điều chỉnh theo thị trường tự do thì nay chúng tôi liên tục chạy theo “đuôi” ngân hàng một cách đuối sức”, bà chủ nói.

Trong khi đó, chị Thanh, chủ một điểm thu đổi ngoại tệ khác trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, bộc bạch, trong suốt ngày hôm nay, có lúc chị cố tình niêm yết giá thu gom bằng hoặc cao hơn giá mua vào của các ngân hàng thương mại, còn giá bán ra thì mềm hơn. “Thế nhưng nguyên ngày nay, cả chủ lẫn nhân viên chỉ mỗi việc ngồi điều chỉnh giá USD cho tương ứng với sự lao dốc của ngân hàng chứ chẳng thấy có khách nào đến mua bán”, chị nói.

Theo chị Thanh, sau hàng loạt biện pháp can thiệp mạnh tay, cả về hành chính lẫn kỹ thuật của cơ quan chức năng, thị trường chợ đen đến giờ thực sự bị tê liệt hoàn toàn. “Chúng tôi đang dự định dẹp hẳn dịch vụ trao đổi ngoại tệ trong thời gian tới. Bởi không mua bán gì được thì lấy đâu ra doanh thu. Hơn nữa, mỗi tháng lại tốn tiền thuê nhân viên”, chị Thanh nói.

Sự uể oải của thị trường tự do là hệ quả tất yếu của đà lao dốc không phanh trong ngân hàng. Hôm nay cũng là ngày thứ ba liên tiếp tỷ giá đôla liên ngân hàng giảm trong tuần, về 20.658 đồng một USD, tụt 5 đồng so với hôm qua. Đây là mức thấp nhất kể từ khi điều chỉnh tỷ giá hồi giữa tháng 2.

Bên cạnh việc giảm tỷ giá liên ngân hàng, giá đôla mua vào, bán ra tại các ngân hàng thương mại cũng đi xuống. Tại Vietcombank giá mua vào, bán ra là 20.550 -20.650 đồng một USD, giảm 30 đồng so với hôm qua. Riêng tại ACB, mức mua tương ứng rơi xuống dưới mức sàn, chỉ cong 20.470 đồng. Mua vào là 20.610 đồng.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu, ông Nguyễn Thanh Toại cho biết, hiện nay lượng khách đến bán USD quá nhiều nên ACB phải hạ giá thu mua. “Một khi nguồn cung quá lớn thì giá rớt mạnh là điều tất yếu”, ông Toại nhấn mạnh.

Chia sẻ vấn đề này, một chuyên gia kinh tế thuộc thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, giá USD trong ngân hàng liên tục rớt mạnh trong những ngày gần đây và đỉnh điểm là chạm đáy trong sáng nay, một phần có thể do chịu sự tác động bởi kiến nghị của VAFI về việc đề xuất đưa trần lãi suất huy động đôla về 0% và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ.

Theo ông, động thái hạ trần huy động USD cá nhân về 3% và nâng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ thêm 2% mới đây đã tạo ra một liều thuốc mạnh, làm giảm đáng kể việc găm giữ và đầu cơ USD. Nay lại nghe thêm thông tin đưa lãi suất USD về 0% khiến người nắm giữ USD không thể không “rùng mình”.

Vị chuyên gia cho rằng, khả năng trong thời gian tới, người dân thấy cần thiết phải chuyển từ việc gửi bằng USD sang tiền đồng là điều tất yếu. Điều này sẽ làm tăng thanh khoản của VND đối với ngân hàng thương mại. Và nó sẽ có tác động làm lãi suất tiền đồng có chiều hướng giảm xuống, cũng như gia tăng tính ổn định cho ngân hàng.

“Tôi cho rằng, việc hạ tiếp trần lãi suất đối với tiền gửi ngoại tệ, cũng như tăng dự trữ bắt buộc lúc này là cần thiết với chính sách chống tình trạng “đôla hóa” của Chính phủ”, ông nhấn mạnh.

Mới đây, hôm 23/5, VAFI vừa gửi văn bản lên Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị hạ tiếp trần lãi suất huy động về 0% và năng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI thì biện pháp này cần làm ngay vì không có tác động tiêu cực gì đến chính sách tiền tệ, ngược lại sẽ có thêm nhiều lợi ích cho nền kinh tế và hệ thống doanh nghiệp, làm tiền đề cho việc hạ lãi suất cho vay.

Lệ Chi

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc