Home » Thế giới, Tiêu Điểm » 33 thợ mỏ Chile sống sót sau vụ sập hầm ở độ sâu 700m: Như một kỳ tích

Cuộc giải cứu 33 thợ mỏ Chile bị mắc kẹt hơn 20 ngày qua trong lòng đất sau vụ sập hầm tại mỏ đồng và vàng San Jose ở phía Bắc nước này đã đạt bước tiến lớn khi tuần qua, lực lượng cứu hộ đã đưa được đồ ăn và nước uống xuống nơi họ đang lánh nạn, đó là một hầm cứu hộ.

Công tác cứu hộ đang được tiến hành khẩn trương để cứu 33 thợ mỏ ở Chile.

Bộ trưởng Khai mỏ Chile Laurence Golborne cuối tuần qua khẳng định đồ ăn và nước uống được đưa qua một ống nhựa xuyên qua 700m đến hầm cứu hộ. Một camera ghi hình cũng đã được đưa xuống theo đường ống này để liên lạc và lấy hình ảnh, lời nói từ các nạn nhân.

Ngày 5-8, vụ sập hầm tại mỏ đồng và vàng San Jose gần thành phố Copiapo của Chile xảy ra đã khiến 33 thợ mỏ ở độ sâu 700m không kịp thoát thân. Tưởng rằng tất cả đã thiệt mạng sau tai nạn khủng khiếp nhưng kỳ diệu thay, khi niềm hy vọng đã nhạt nhòa thì tin tức về việc các thợ mỏ nhắn tin họ vẫn sống đã khiến cả đất nước Chile vỡ òa trong niềm vui. Để có được niềm vui này, Chile đã không ngần ngại nhờ đến sự hỗ trợ của Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) nhằm xác định vị trí cũng như cách thức sống sót trong điều kiện chất hẹp và khó khăn về dưỡng khí…

Sau 17 ngày khoan, đào bới liên tục, các nhân viên cứu hộ Chile đã nghe được tiếng những người thợ mỏ dưới lòng đất và nhận được thư nhắn qua mũi khoan. Dòng tin nhắn gửi lên mặt đất của họ viết rằng “Chúng tôi có tất cả 33 người, vẫn an toàn trong một ngách hầm”. Qua mẩu tin nhắn viết bằng bút chì đỏ lực lượng cứu hộ biết rằng, những người thợ mỏ gặp nạn đang trú trong một hầm cứu hộ có ôxi, nước uống và lương thực. Sau khi biết lực lượng cứu hộ đã phát hiện, những người sống trong hầm tối hơn nửa tháng qua đã có thêm hy vọng về sự sống. Hiện tại, các thợ mỏ đang sống trong căn hầm rộng khoảng 45m2. Tuy được xem là rộng, nhưng chúng lại trở nên chật hẹp trước 33 con người với những sinh hoạt thường nhật. Chuyên gia về sập hầm mỏ ở Tây Virginia (Mỹ) Davitt McAteer cho rằng không gian đó không khác một nhà tù hay tàu ngầm và việc các thợ mỏ có thể cầm cự được quả là kỳ tích.

Ngoài các nhu yếu phẩm và thuốc men cần thiết, những người thợ mỏ này còn nhận được phương tiện giải trí như cờ domino, trò chơi điện tử, sách… để giảm căng thẳng. Họ được yêu cầu phải chăm tập thể dục tránh béo phì để có thể chui lọt qua đường hầm thoát hiểm có chu vi 207cm và dài hơn 688m. Tuy nhiên, sẽ phải mất khoảng 4 tháng nữa cuộc cứu hộ mới hoàn tất. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do chủ sở hữu mỏ San Jose không có bản đồ chính xác, khiến việc xác định vị trí hầm cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 31-8, những người thợ mỏ Chile này sẽ lập kỷ lục bất đắc dĩ của thế giới khi trở thành những thợ mỏ bị giam cầm lâu nhất trong lịch sử khai thác mỏ từ trước đến nay.

Nguyên nhân vụ sập hầm mỏ đang được điều tra, nhưng qua vụ này mới thấy rằng an toàn lao động trong hầm mỏ chưa bao giờ được giới chủ thực hiện triệt để. Thực tế, trong lịch sử ngành khai thác mỏ thế giới, các vụ sập hầm mỏ vì thiếu an toàn lao động xảy ra “như cơm bữa”. Hằng năm trên thế giới có hàng nghìn vụ sập hầm mỏ do nhiều cơ sở khai thác không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn lao động. Tại Trung Quốc, số người thương vong khi khai mỏ là rất lớn, lên tới 3.000 người mỗi năm. Năm 2007, tại Nam Phi đã diễn ra cuộc biểu tình rộng khắp của 240 nghìn người thợ mỏ về an toàn lao động. Liên đoàn Thợ mỏ quốc gia đã cáo buộc các nhà quản lý doanh nghiệp chỉ lo “hốt của” cho bản thân mà không chú trọng tới tính an toàn của hầm mỏ.

(Theo HNM)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc