Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Kinh tế Trung Quốc thăng hạng do Nhật Bản tăng trưởng chậm
Với mức tăng trưởng 0.1% trong quý II, kinh tế Nhật có vẻ lại trên đà suy thoái và sẽ sớm bị tụt lại sau Trung Quốc.

Xuất khẩu yếu là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm.

Chỉ số GDP trong quý hai năm 2010 của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản. Tuy nhiên, xét trên góc độ tổng GDP, Nhật Bản vẫn được ghi nhận là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tổng GDP trị giá 2,59 nghìn tỉ đô-la Mỹ, chỉ cao hơn một chút so với con số 2,53 nghìn tỉ của Trung Quốc.

Trong quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nhật ở mức trên 1% nhưng trong quý II, tốc độ này giảm xuống còn 0.1%.

Theo ông Masamichi Adachi, chuyên gia kinh tế cấp cao của Tập đoàn JP Morgan, vẫn còn quá sớm để nói rằng Nhật Bản đang trên đà suy thoái. Ông cho rằng ít nhất thì GDP của Nhật có lẽ chưa thể giảm xuống trong quý tới.

Ông Richard Jerram, Giám đốc bộ phận Kinh tế Châu Á thuộc Công ty Macquarie Securities tại Tokyo cũng đồng ý với quan điểm trên. Ông nói: “Tôi nghĩ kinh tế Nhật chỉ có thể suy thoái nếu đồng Yên tăng giá mạnh hơn nữa hoặc nếukinh tế Trung Quốc hay Mỹ suy thoái nghiêm trọng dẫn đến việc hạn chế hạn ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản.” Tuy nhiên, ông cũng cho rằng con số tăng trưởng được công bố là đáng thất vọng và thấp hơn rất nhiều so với mức mong đợi.

Sự tăng trưởng kinh tế chậm của Nhật Bản bắt nguồn từ việc xuất khẩu chậm, mức tiêu dùng thấp, các gói kích cầu của chính phủ sắp kết thúc đồng thời cũng bị tác động bởi việc Trung Quốc thực hiện mục tiêu kìm hãm sự phát triển quá nóng của nền kinh tế nước này. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu có thể còn bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa do đồng Yên tăng giá. Trong tuần vừa qua, đồng Yên Nhật đã đạt mức cao nhất so với đồng đô-la Mỹ.

Mặc dù vậy, theo ông Masamichi Adachi, xuất khẩu chỉ chiếm 15% GDP của Nhật và đồng Yên mạnh là điều tất yếu. Theo ông, chính phủ không thể kiềm chế được sự tăng giá đồng Yên vì kinh tế Nhật Bản đã giảm phát trong một thời gian khá dài trong khi các nước khác lại ở trong tình trạng lạm phát. Vì thế, ông cho rằng tỉ giá hối đoái hiện tại đang ở mức hợp lí.

Mặc dù số liệu kinh tế Nhật trong Quý II tương đối thấp, ông Richard Jerram vẫn tỏ ra lạc quan trong ngắn hạn: “Năm nay tỉ lệ tăng trưởng có thể đạt tới 3.5% do phục hồi từ suy thoái đầu năm 2009.” Tuy nhiên, ông cho rằng năm 2011 sẽ đáng lo ngại hơn. Ông nói “Có thể tỉ lệ tăng trưởng sẽ đạt mức 1.5% nhưng nếu nhìn vào những số liệu hiện tại thì con số 1.5% đó có vẻ vẫn còn quá lạc quan so với thực tế.”

Với khoản công nợ gấp 200 lần so với GDP và mức lãi suất bằng không, hiện nay, nhiều người đang kêu gọi chính phủ đưa ra những biện pháp chính sách mạnh mẽ hơn.

Về những nỗ lực kích cầu kinh tế, ông Jerram nhận định: “Vấn đề nằm ở chỗ dường như chính phủ Nhật Bản không có một kế hoạch hành động cụ thể. Họ chỉ hi vọng xuất khẩu sẽ tăng mà không có các chính sách giải quyết tình trạng giảm phát cũng như kích cầu nội địa của khu vực kinh tế tư nhân hoặc thay đổi các chính sách để kích thích khả năng tăng trưởng.”

Ông Jerram cũng cho rằng nhiều khả năng đến cuối năm nay, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản nhưng đó không phải là điều được quan tâm nhiều. Hiện nay, dân số Trung Quốc đông gấp hơn 10 lần so với Nhật Bản, vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia thực sự không phản ánh được mức sống của người dân nói riêng cũng như sự thinh vượng của quốc gia đó nói chung. Hiện tại thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ đạt 3.800 đô-la Mỹ / năm trong khi con số này của Nhật là 40.000, sau Mỹ với mức 42.000 .

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc