Home » Sức khỏe » Công bố cuộc điều tra chấn động dư luận
Tờ The Observer (Anh) vừa công bố một cuộc điều tra trong lĩnh vực y học gây chấn động dư luận: có khoảng 50% bài điểm thuốc, giới thiệu thuốc đăng trên các tập san y học nổi tiếng là những bài bị giả danh, ẩn núp dưới những cái tên nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ này nọ. Tác giả đích thực chỉ là những “cây bút ma”, được các công ty dược thuê viết để quảng cáo cho sản phẩm của họ.

Chuyện thật như đùa

Lâu nay, ai cũng biết rằng các tập san chuyên ngành y dược học nổi tiếng thường được coi là thánh kinh của ngành y dược. Các bài viết trong đó có ảnh hưởng rất lớn đến việc kê đơn thuốc của bác sĩ và cách chữa trị của bệnh nhân. Nhưng tờ The Observer sau một thời gian dài điều tra đã khám phá ra một sự thật kinh hoàng cho thấy nhiều bài viết mang tên các viện sĩ và bác sĩ độc lập, trung thực hóa ra lại được viết bởi những cây bút chuyên viết bài thuê theo đơn đặt hàng giá cao cho các công ty dược phẩm. Người ta ước tính có khoảng 50% bài viết xuất hiện trên các tập san y học nổi tiếng như New England of Medicine, British Medical Journal hay Lancet là con đẻ của trò lừa bịp này. Ngoài các bác sĩ bị đánh cắp tên tuổi một cách không thương xót, cũng có một số bác sĩ vì hám tiền đã sẵn sàng cho thuê tên tuổi mình dưới bài viết còn tác giả thực sự được giấu kỹ danh tính. Cũng rất khó để chứng minh sự liên quan của bên đặt hàng.

Không ít loại thuốc mới đã được giới thiệu, quảng cáo bằng phương pháp mượn danh bất chính, thông qua cái gọi là “nghiên cứu độc lập”. Tháng 2/2008, tập san New England Journal of Medicine đã buộc phải nói lời xin lỗi độc giả và rút lại một bài viết do các bác sĩ thuộc Viện Sức khỏe quốc gia (NHI) ở London đứng tên nói về phương pháp mới chữa trị bệnh tim mà thực ra các tác giả này chẳng tham gia gì vào công trình nghiên cứu cũng như bài viết. Sự việc chỉ vỡ lở khi bác sĩ Hubert Seggewiss, nhà tim học người Đức, một trong tám tác giả có tên dưới bài viết gọi điện cho chủ biên tập san khẳng định ông chưa bao giờ nhìn thấy bản thảo bài viết chứ đừng nói đến việc tham gia. Tháng 6/2009, một bài viết trên tờ Journal of Alimentary Pharmacology chuyên viết về các rối loạn ở dạ dày có nhắc đến sự cộng tác của bác sĩ Madeline Frame nhưng lại quên chú thích bà là cây bút y học chủ lực của công ty dược Astrazeneca. Bài viết nói về hiệu quả của thuốc Omepazole do Astrazeneca sản xuất trong việc trị loét dạ dày mà bỏ qua tác hại của nó so với các loại thuốc đã có.

Nhiều bài viết trên British Medical Journal cũng bị quy kết là bài giả danh.

Mặc dù các công ty viết bài điểm thuốc theo những đơn đặt hàng rất kín kẽ trước những kẻ tò mò nhưng thỉnh thoảng cũng có người xé rào tiết lộ sự thật. Đó là trường hợp của Susanne Rees, một trợ lý biên tập của một cơ quan chuyên viết báo thuê khi bà cho đăng một thư ngỏ trên website tờ British Medical Journal, nêu rõ những gì bà đã chứng kiến trước ngày rời cơ quan. Bà viết: ” Các cơ quan viết báo cáo y học lún rất sâu vào trò gian dối bằng các bài viết thiếu trung thực. Họ tự xào nấu, chế biến rồi gửi đến các tập san và các hội nghị y học. Nhưng người đứng tên không hề là tác giả mà tác giả là những cây bút ma. Chi phí cho loại bài viết này do các công ty dược trả”. Rees cho biết phần việc của bà là bảo đảm các bài viết được gửi bằng đường thư điện tử tới các tập san không bị lộ xuất xứ thật của nó: “Để hoàn thành tốt công việc này, trước khi gửi bài viết đi tôi phải mở máy tính, mục propeties của hồ sơ lưu bản thảo, xóa tên cơ quan, công ty dược hay cây bút ma và thay bằng tên bác sĩ hoặc viện nghiên cứu có uy tín mà công ty dược đã móc nối được dù họ chẳng có tý đóng góp gì cho công trình”.

Một cây bút y học khác từng làm việc cho một số cơ quan cũng giấu tên vì sợ khó tìm việc làm mới đã khẳng định với tờ The Observer: “Nhiều công ty dược đã chi ra một số tiền không nhỏ để thuê người viết những bài điểm tin quảng cáo các loại thuốc mới do công ty sản xuất. Hầu hết những người viết thuê này không có kiến thức y dược học, không qua trường lớp đào tạo y dược nào. Nhưng họ có kỹ năng rất tốt trong việc xào nấu các thông tin đã công bố trên báo chí và mạng internet. Sau đó, một bác sĩ nổi tiếng đã đồng ý cho sử dụng tên mình dưới bài viết với một số tiền tương ứng. Khi bài viết được gửi cho tờ báo nào đó, điều tiên quyết là phải đảm bảo tên của cây bút ma và công ty dược không bị lộ”.

Một lĩnh vực đang là môi trường béo bở của các cây bút ma là khoa tâm thần. Tiến sĩ David Healy thuộc Đại học Wales đang nghiên cứu các nguy cơ của những loại thuốc chống trầm cảm thì một đại diện công ty dược gửi lá thư cho ông nhờ giúp đỡ. Lá thư mà phóng viên The Observer đã xem được có đoạn viết: “Để bớt gánh nặng công việc của ngài, chúng tôi đã nhờ một cây bút khác thực hiện bản thảo bài viết dựa vào các công trình nghiên cứu đã xuất bản của ngài. Xin đính kèm theo đây”. Bài viết ở dạng nhận xét về một loại thuốc sẽ được đọc tại một hội nghị sắp diễn ra và Healy sẽ là tác giả chính mặc dù ông không hề nhúng tay vào một chữ nào. Sau khi xem qua bài viết, ông đã đề nghị thay đổi một số đoạn nhưng không được công ty dược kia đồng ý và thế là một bác sĩ khác được mời trám chỗ. Sau đó ít lâu ông thấy bài viết đó chễm trệ trên một tập san tâm thần học!

Tệ nạn lớn của y học

Theo tiến sĩ David Healy, kiểu gian dối như vậy ngày càng phổ biến trên các tạp chí y dược học phương Tây. “Tôi cũng tin là có đến 50% bài viết về thuốc trên các tập san y khoa chính thống không hề được viết theo cái cách mà độc giả mong đợi”.

Tại Mỹ, một vụ kiện chống Công ty dược Pfizer đã được tiến hành khi người ta phát hiện một số báo cáo nội bộ là do một công ty viết thuê ở New York soạn giúp. Một báo cáo phân tích những bài viết về loại thuốc chống trầm cảm Zoloft của công ty này cho thấy phần lớn các thông tin đưa ra đều là giả như các cuộc thử nghiệm, kết quả thử nghiệm, tên các nhà khoa học tham gia thử nghiệm… Trong đó có nhiều bài viết chẳng hề ghi tên tác giả mà chỉ thay bằng mấy chữ ghi tắt TBT, có nghĩa là “to be determined” (vì chưa tìm ra người đứng tên).

Bác sĩ Richard Smith, chủ biên tờ British Journal of Medicine thừa nhận các bài viết gian dối với mục đích quảng cáo thuốc bằng bất cứ giá nào đang là tệ nạn lớn của y học. “Các công ty dược đã sử dụng mọi thủ đoạn để kiếm được lợi nhuận nhiều nhất. Một số bài viết ký tên các bác sĩ nổi tiếng nhưng chúng tôi phát hiện ra tác giả tham gia rất ít vào nội dung hoặc không tham gia gì cả mà chỉ cho thuê tên tuổi. Khi biết được sự thật, chúng tôi đã không đăng tải bài viết, còn việc quy kết công ty dược nào làm ăn gian dối thì khó như mò kim đáy bể”.

Trung Kiên

(Theo The Observer)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc