Home » Kinh doanh » Khó “kìm” chỉ số giá tiêu dùng ở mức 8%
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 10 đã tăng 1,05% so với tháng 9, đưa CPI 10 tháng qua tăng 7,58%. Với đà tăng này, khả năng giữ chỉ số giá ở mức 8% như Chính phủ dự kiến là khó khả thi.
Khả năng giữ chỉ số giá ở mức 8% là khó khả thi

Khả năng giữ chỉ số giá ở mức 8% là khó khả thi

Ngày 23/10, Tổng cục Thống kê cho biết: Trong 11 nhóm mặt hàng đưa ra để tính chỉ số giá tiêu dùng, tháng 10 này có tới 10 nhóm hàng tăng giá. Nhóm có mức tăng nhiều nhất và là nhóm tiếp tục dẫn đầu tháng thứ 2 liên tiếp là giáo dục, với mức tăng mạnh nhất là 3,9% so với tháng 9.

Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,32%, trong đó lương thực tăng 1,89%, thực phẩm tăng 1,22%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,03%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,04%.

Các nhóm có mức tăng dưới 1% gồm đồ uống và thuốc lá; hàng hóa và dịch vụ khác; thiết bị và đồ dùng gia đình; may mặc, mũ nón, giày dép; thuốc và dịch vụ y tế; văn hóa giải trí và du lịch. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục nhiều tháng liên tiếp giảm 0,07%.

Cũng trong tháng 10, chỉ số giá vàng tăng mạnh 7,87% so với tháng 9; chỉ số giá USD tăng 0,6%.

Tính chung cho cả nước, CPI tháng 10 đã tăng 1,05% so với tháng 9 và tăng 9,66% so với tháng 10 năm 2009; đưa CPI 10 tháng qua tăng 7,58% so với tháng 12/2009 và tăng 8,75% so với bình quân 10 tháng năm 2009.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho hay, một số tỉnh trong nhóm 20 tỉnh chưa tăng học phí đã đồng loạt điều chỉnh mức học phí ở nhiều cấp trong tháng 10 này. Đây chính là nguyên nhân khiến nhóm hàng giáo dục giữ ở mức tăng cao nhất tháng thứ 2 liên tiếp và đóng góp khoảng 0,25% vào mức tăng chung CPI cả nước.

Bên cạnh đó, trong 10 ngày đầu của tháng 10 diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, hàng triệu người đổ về Thủ đô khiến một số nhà hàng phục vụ ăn uống nâng giá cao hơn ngày thường.

Theo một số chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng cuối năm còn chịu nhiều yếu tố tác động: sức mua tăng mạnh trong những tháng cuối năm sẽ kéo giá nhiều mặt hàng tăng hơn những tháng trong năm, giá nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng do đồng ngoại tệ tăng cao… Thế nên, mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng ở mức 8% như Chính phủ đề ra là rất khó.

Bền lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn TPHCM) cho rằng: “Về chỉ số giá tiêu dùng, vì đầu năm chúng ta giải quyết mâu thuẫn của bài toán kinh tế, vừa muốn phục hồi tăng trưởng mà lại vừa muốn kiềm chế lạm phát, ngược hoàn toàn. Vì thế, tôi cho rằng lạm phát giữ ở một con số, dù có 8% hay hơn một chút vẫn là thành công”.

Theo dantri

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc