Home » Chia sẻ » Kỳ 1: Sức khỏe tâm thần và vấn nạn tử tự

Ngày 10 tháng 9 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới ngăn ngừa tự tử. Những con số về tự tử ngày càng có xu hướng tăng lên một lần nữa đưa vấn đề sức khỏe tâm thần trở nên nghiêm trọng.

img31

Mức độ nghiêm trọng của nạn tự tử đã đến mức cảnh báo về trách nhiệm của mỗi người. (Flickr: Louis du Mont)

Những thống kê gây sốc

Nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho những người dưới 44 tuổi ở Úc không phải là tai nạn giao thông hay bệnh tim, cũng không phải ung thư, mà đó là tự tử.

Khoảng 2.200 người Úc tự tử mỗi năm trong số khoảng 65 ngàn ca có dấu hiệu muốn tự kết liễu mạng sống theo công bố của Cục Thống kê Úc (ABS). Như vậy, tính ra mỗi ngày có đến bảy người tự chấm dứt cuộc đời mình. Các chuyên gia nói phần lớn những cái chết này đáng lẽ đều có thể ngăn chặn được.

Thống kê về các chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần cũng cho thấy cứ năm người Úc thì có một người gặp phải vấn đề về bệnh lý tâm thần (mental illnesses) trong vòng mỗi 12 tháng. Gần một nửa (45%) người Úc từng trải qua những rối nhiễu tâm trí (mental disorders) trong đời.

Tổ chức WHO ước tính rằng bệnh trầm cảm sẽ là nguyên nhân số một gây nên những thương tổn cho cơ thể ở các quốc gia phát triển và đang phát triển vào năm 2030.

Nam giới nguy cơ cao hơn

Tỉ lệ nam giới mắc rối nhiễu tâm thần cao hơn gấp đôi so với nữ giới (7% so với 3,3%). Nam giới cũng bị ảnh hưởng bởi chứng tâm thần phân liệt nhiều hơn, trong khi phụ nữ đối mặt với chứng này muộn hơn trong đời, trong thời gian ngắn hơn và chóng hồi phục hơn. Trong mỗi năm vụ tự tử có tới bốn người là nam giới.

Theo nhận định của Mạng Dịch vụ hỗ trợ khủng hoảng (CSS) ở Úc thì nam giới có xu hướng ít chia sẻ về những vấn đề tâm thần mắc phải, cũng như ngần ngại tìm đến sự hỗ trợ, do đó đặt họ vào nguy cơ cao hơn.

Bà giám đốc của Mạng CSS cũng nhấn mạnh rằng nam giới thường khó vượt qua những chấn thương tình cảm khi gia đình đổ vỡ. Vào hoàn cảnh này, tỉ lệ phái mạnh tìm kiếm cái chết cao gấp 9 lần phái yếu. So với đàn ông có gia đình, tỉ lệ tự tử của nam độc thân hoặc phải sống xa con cái nhiều hơn năm lần.

Giới trẻ không ngoại lệ

Cũng theo thống kê của ABS, trung bình có 14% trẻ em và vị thành niên ở Úc gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Nhóm tuổi trưởng thành từ 18-24 bị rối nhiễu tâm thần cao hơn tất cả các nhóm tuổi khác. Những dạng rối nhiễu phổ biến ở người trưởng thành là lo lắng (14%), trầm cảm (6%) và lạm dụng chất gây nghiện (5%).

Trung bình mỗi năm, có khoảng 12% trẻ vị thành niên nghĩ đến tự tử, 9% lên kế hoạch và 4% có hành động tự sát.

Nhận diện vấn đề sức khỏe tâm thần

Juliah, 15 tuổi, ở tiểu bang Tây Úc kể em đã bị rối nhiễu tâm thần có lẽ là từ năm lên sáu tuổi mà không hề có nguyên nhân cụ thể nào. Càng lớn, chứng bệnh này càng hành hạ cô bé trầm trọng hơn. Cô không tin tưởng ai hết, kể cả cha mẹ mình, cô sợ hãi phải nói chuyện với ai đó về nỗi sợ của mình.

Giữa năm14 tuổi, Juliah thậm chí bỏ cả ăn uống khiến bố mẹ vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, cô bé thêm một nỗi sợ nữa rằng bố mẹ sẽ không hiểu mình, không hiểu được vấn đề tồi tệ đến mức nào, cô càng khó chịu vì bố mẹ bỏ ra nhiều tiền chữa trị cho cô. Cô cự tuyệt sự giúp đỡ, cô tự nói mình không làm sao hết. Cho đến một ngày, cô bé chịu hợp tác với chuyên gia tâm lý dù miễn cưỡng nhưng cô nhận thấy kết quả tốt hơn dần dần.

Trong cuốn ‘Hướng dẫn về sức khỏe tâm thần’ (2006), các tác giả Caroline và Connor Kinsella phân biệt hai phạm trù về bệnh lý (illness) và rối nhiễu hay rối loạn (disorder). Trong đó bệnh lý tâm thần được hiểu là tình trạng nghiêm trọng hơn như tâm thần phân liệt, hưng trầm cảm lưỡng cực (bipolar) và một số trường hợp trầm cảm nặng. Còn rối nhiễu thường để chỉ những biểu hiện như trầm cảm dạng nhẹ, rối loạn nhân cách, lo âu, rối loạn hành vi cưỡng bức (không làm việc gì đó thì không chịu được, có trường hợp phải rửa tay 50 lần mỗi ngày, hoặc đi vệ sinh 24 lần, nếu không thì tin là mình sẽ chết).

Theo anh Trần Thành Nam, nghiên cứu sinh ngành tâm lý lâm sàng ở Mỹ, thì mặc dù còn có tranh cãi nhưng có thể phân loại các bệnh lý và rối loạn tâm thần thành các nhóm: rối loạn hướng ngoại (hành vi), rỗi loạn hướng nội (cảm xúc), rỗi loạn phát triển (tự kỉ, down) và rối loạn nhân cách.

Hành động

Hôm nay, ngày 10 tháng 9 được chọn là Ngày Thế giới ngăn ngừa tự tử do WHO và Liên đoàn Quốc tế Chống Tự tử khởi xướng. Chủ đề của năm nay là “Nhiều khuôn mặt, nhiều nơi chốn: Phòng chống tự tử toàn cầu”. Trang web www.wspd.org.au ở Úc cũng mới được ‘hạ thủy’ nhân dịp này.

Tự tử vẫn là một chủ đề kiêng kỵ, kì bí và không hiểu được. Theo Tiến sĩ Michael Dudley, Chủ tịch của Tổ chức phòng chống tự tử ở Úc, thì mức độ nghiêm trọng của nạn tự tử đã đến mức cảnh báo về trách nhiệm của mỗi người.

Vấn đề khó khăn nhất để ngăn ngừa tự tử là những nạn nhân không chịu chia sẻ. Do đó, Alan Woodward, một thành viên khác của tổ chức khuyên rằng hãy tìm mọi cách lắng nghe tâm trạng và khuyến khích người đó nói ra suy nghĩ của họ. Theo Alan, thật là vô ích nếu vội vàng vỗ vai một người trầm cảm nặng nề hoặc có ý định tự tử và bảo với anh ta rằng: “Ồ, hãy nhìn này, cuộc đời có bao nhiêu điều đẹp đẽ để sống!”.

Theo bayvut

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc