Home » Chia sẻ » NewHanoian – khi người nước ngoài giới thiệu về Hà Nội

Giả sử là một người nước ngoài mới đến Hà Nội, bạn sẽ tìm thông tin về thành phố ở đâu? Vào Google gõ tìm từ khoá ‘Hanoi’, bạn sẽ thấy trang web Newhanoian hiện lên trong top năm kết quả tìm được với lời giới thiệu ngắn gọn mà đầy đủ: Hanoi’s Community Produced Local Expat Guide.

img30

Elliott Price – người đồng sáng lập ra trang web NewHanoi. (Phương Nguyễn)

“Cái gì cũng có”

Newhanoian (http://newhanoian.xemzi.com/) có giao diện dễ sử dụng, đầy đủ thông tin về nhà ở, quán ăn, bar, việc làm đến các sự kiện văn hoá, các buổi tiệc… trong địa bàn thành phố Hà Nội. Trang web này được thiết kế theo đúng phong cách Tây với đối tượng độc giả chính là những người nước ngoài ở Hà Nội.

“Đó là một trang web tuyệt vời. Bất kì cái gì tôi cần và muốn tìm đều có trên Newhanoian. Tất cả những người nước ngoài sống ở Hà Nội không ai là không biết Newhanoian”, Mathias L., một sinh viên người Pháp học theo chương trình trao đổi ở Hà Nội, nói.

“Khi tôi mới đến thành phố này thì gần như không có một nguồn thông tin trực tuyến nào thật chất lượng về thành phố bằng tiếng Anh. Tôi có một người bạn được đào tạo về thiết kế website và chuẩn bị tới Hà Nội chỉ vài tháng sau tôi. Chúng tôi bắt tay vào việc không lâu sau khi bạn tôi tới Hà Nội. Trong lúc thực hiện dự án thì chúng tôi gặp Tom Lancaster. Nếu như ban đầu chúng tôi chỉ có ý định làm một trang web truyền tải thông tin đơn thuần cho cộng đồng những người nước ngoài sống và làm việc ở Hà Nội thì cách tiếp cận của Tom lại có thể giúp chúng tôi biến Newhanoian thành một địa chỉ trực tuyến mà tại đó các thành viên có thể giao lưu, trao đổi và tương tác tuỳ thích. Khi Brady quyết định trở lại Mỹ một năm sau đó thì tôi và Tom đã phụ trách dự án này toàn thời gian từ năm 2005 cho tới nay”, anh Elliott Price – người đồng sáng lập ra trang web Newhanoian cho biết.

Từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, trang web Newhanoian đã hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt 5 năm với sự chèo chống của sáu thành viên. Đôi khi trang web cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ tình nguyện khác. Trong khoảng thời gian ấy, website có 50.000 lượt khách truy cập mỗi tháng. Và điều đáng nể phục hơn nữa là trang web hoàn toàn chạy bằng ‘vốn’ của các thành viên sáng lập mà không có bất kì một nguồn tài trợ bên ngoài nào.

“Mặc dù công việc còn rất ngổn ngang nhưng tôi và các cộng sự đều rất tự hào vì sản phẩm của mình đã được cộng đồng nói tiếng Anh ở Hà Nội đón nhận và trở thành kênh thông tin tốt nhất về thành phố, nơi mà tất cả chúng ta đều đang sinh sống và gọi đó là nhà. Hiện tại ở Hà Nội cũng có rất nhiều những ấn phẩm và các đơn vị nỗ lực làm tất cả những gì họ có thể để hỗ trợ khách nước ngoài dễ dàng hơn khi tới đây nhưng vẫn không thể nào bằng vận dụng trí óc của cả tập thể như Newhanoian”, Elliott tự hào nói.

Hà Nội trong mắt Elliott

Sau thành công ngoài sức tưởng tượng của tất cả những người sáng lập ra nó, trang web Newhanoian đang bước vào một giai đoạn mới. Nhóm đang có mong muốn mở rộng cả về phạm vi địa lý và về ngôn ngữ. Nhóm dự định sẽ thêm ngôn ngữ tiếng Việt cho trang web và một số ngôn ngữ phổ biến khác. Đồng thời, trang web So Saigon (www.so-saigon.com) cũng đã ra mắt nhưng chưa phát triển được như trang Newhanoian. Dự kiến đây sẽ là một trọng tâm mới của nhóm.

Elliott lập gia đình với một cô gái Hà Nội và cả hai đứa con của anh đều được sinh ra tại đây. Elliott không ngại ngần gọi đây chính là nhà của anh: “Tôi thậm chí đã sống ở Hà Nội lâu hơn bất kì một thành phố nào khác kể từ khi tôi trưởng thành!”

Trả lời câu hỏi Hà Nội còn thiếu những điều gì để thành một nơi dễ sống hơn cho người nước ngoài, Elliott cho biết: “Tất cả mọi thành phố đều có thể cải thiện được. Tôi nghĩ đó không phải là trách nhiệm của riêng Hà Nội để trở thành một nơi dễ sống hơn chỉ cho người nước ngoài. Những cải thiện của thành phố trước hết sẽ có lợi cho chính những người sống ở đây hơn những người nước ngoài. Theo hướng đi của Hà Nội thì vấn đề phát triển hệ thống giao thông công cộng nên được đặt lên hàng đầu.”

Ngoài vấn đề giao thông, Elliot cũng bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống giáo dục tại Việt Nam. “Với tư cách là một người nước ngoài làm việc ở Hà Nội, tôi và các cộng sự đều mong muốn hệ thống giáo dục ở đây nên có sự thay đổi để người dân có thể tham gia lực lượng lao động một cách chuyên nghiệp hơn và mang tính cạnh tranh quốc tế cao hơn. Từ những kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng dân số Việt Nam rất trẻ, thông minh và sáng tạo nhưng không có gì đảm bảo rằng những tiềm năng ấy sẽ được thành trái chín nếu không có các chương trình rõ ràng và mang tính mục đích cao.”

Theo bayvut

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc