Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Đói khát giữa vòng nước lũ lịch sử
Đói ăn khát uống, nhà cửa ngập sâu, tất cả tài sản đều bị lũ nhấn chìm, người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang phải chống chọi với trận lũ lớn nhất trong hơn 50 năm qua. Chiều 17/10, miền Trung đã có ít nhất 20 người chết.

Ngồi chới với trên nóc nhà tranh ngập giữa biển nước, chị Nguyễn Thị Hồng, xóm 10 xã Hương Thọ (Vũ Quang, Hà Tĩnh) tần ngần nhìn dòng nước chảy xiết rồi ứa nước mắt: “Chồng tui dầm mưa mới hôm nên ốm nặng, con cái thì đã di tản, tui thấy xót của quá nên ở nhà. Trâu bò, lợn gà đều trôi hết, thóc lúa ngâm nước mấy ngày rồi”.

Thấy chiếc thuyền cứu trợ, chị Hoài cùng chở theo 3 đứa con nhỏ đang thâm tái mặt mày vì ốm, rét và đói đến để nhận mì tôm. Đã 2 ngày rồi, mấy đứa con của chị bị mắc mưa mà không có áo quần thay nên bị cảm lạnh mà không có một viên thuốc nào. “Trời đất ôi, nước về nhanh quá, cả làng tui không kịp trở tay, chỉ kịp chạy được người mà bất lực nhìn của cải trôi theo nước lũ”, chị Hoài thở dài.

Một người phụ nữ dỡ mái ngói vẫy tay cầu cứu. Ảnh: Nguyên Khoa.

Cũng giống như chị Hoài, gần 1 nghìn gia đình khác của xã Đức Liên di tản vội lên nhà thờ, mặc cho nước lũ nhấn chìm mọi tài sản. Sáng 17/10, nhìn nước lũ đang lên cuồn cuộn, tại xã Đức Liên, có hai vợ chồng cụ già hơn 80 tuổi bất lực nghĩ rằng sẽ chết theo nhà cửa nên không chịu tránh lũ. Phó bí thư huyện ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phải ra lệnh dỡ ngói, bế hai cụ già lên thuyền.

Cạnh xã Đức Liên, 880 hộ dân trên tổng số 1.000 hộ của xã Đức Hương bị ngập sâu, gần 3.000 phụ nữ, trẻ em và cụ già phải sơ tán lên tầng 2 của trường THCS xã. Mọi hoạt động đi lại của người dân đều nhờ vào thuyền bè. Mưa chưa ngớt, nước lũ cuồn cuộn chảy, tiếng người ý ới gọi nhau đi nhận mì tôm, xin nước uống, tiếng trâu bò rống cứ râm ran như một cái chợ đang họp. Mặc chiếc áo phao chèo thuyền đi cứu trợ bà con đang gặp nguy hiểm, ông Nguyễn Mậu Thân, Bí thư kiêm chủ tịch xã Đức Hương xót xa: “Từ hơn 50 năm nay rồi, bầy tui mới chứng kiến một trận lụt ra ri. Năm 1960, một trận đại hồng thủy cũng khiến bà con trắng tay, nhưng đợt này lũ còn lớn và hung dữ hơn”.

Tại các xã khác của Vũ Quang như Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh, Tân Phú, người dân vẫn đang chống chọi với cái đói, khát và rét. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó bí thư Huyện ủy cho biết, hiện nay, người dân Vũ Quang đang gặp khó khăn rất lớn về lương thực và nước uống. Trận lũ cách đây 1 tuần đã cuốn trôi tất cả, nay lũ lịch sử lại tiếp tục đổ về khiến bà con trở tay không kịp.

Để giúp dân vượt qua cái đói, cái khát, chính quyền các xã, xóm ở Vũ Quang đang phát động tinh thần lá lành đùm lá rách, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn. Tại trường THCS xã Đức Hương, các thầy cô giáo ở lại nấu cơm cho các cụ già và trẻ em, còn thanh niên và trung niên thì cùng nhau chèo thuyền đi cứu trợ những gia đình bị ngập, vớt trâu bò giúp dân.

Nước lũ không lớn như cách đây một tuần nhưng cũng khiến 2 người ở tỉnh Quảng Bình bị chết, hầu hết các xã của Quảng Bình đang bị ngập từ 1 đến 1,5 mét.

Hiện nay, mực nước lũ tại các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), Kiến Giang, Nhật Lệ, Sông Gianh (Quảng Bình) đang xuống nhưng mực nước tại sông Lam lại đang lên.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, mưa lũ từ ngày 14 đến 17/10 đã làm 20 người chết, trong đó Nghệ An 8, Hà Tĩnh 10, Quảng Bình 2. Ngoài ra tại Thừa Thiên – Huế có một người chết và 2 người mất tích do lốc và bất cẩn khi đi qua sông.

Toàn khu vực có 152.000 nhà ngập, trong đó Nghệ An 15.000, Hà Tĩnh 83.500 và Quảng Bình 53.5000 nhà. Riêng Hà Tĩnh có 105 xã bị ngập sâu và chia cắt hoàn toàn.

Nguyên Khoa

Theo vnexpress.net

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc