Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow » Nhật Bản bị ném bom nguyên tử vì vài từ bị dịch sai?

Những ngày gần cuối Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản đã phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử của Mỹ. Thực chất mục đích của hành động ném bom này của Mỹ là “trừng phạt” Chính phủ Nhật khi đó vì đã từ chối “tối hậu thư” do Mỹ và các nước đồng minh ký kết, yêu cầu Nhật đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, gần đây một số nhà lịch sử của Nhật Bản lại cho rằng, có thể Nhật Bản đã không từ chối ký vào “tối hậu thư”, và nguyên nhân của kết cục bi đát này là do “tối hậu thư” bị dịch sai ý.
1591203415_095_17_3
Thành phố Hirosima tan hoang sau khi bị ném bom nguyên tử


Hệ quả thảm khốc

1340371351_095_17_2
Đám mây hình nấm do quả bom
nguyên tử Fat Man ném xuống
Nagasaki, Nhật Bản cao đến
18 km.
644386816_095_17_1
Đám mây hình nấm ở phía trên
Hiroshima sau vụ thả bom
nguyên tử Little Boy.

Ngày 26/7/1945, Mỹ, Trung Quốc, Anh đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản do Thủ tướng Suzuki Kantaro đứng đầu phải chính thức ký vào tối hậu thư đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật khi đó đã từ chối cơ hội cuối cùng dành cho họ. Nội dung của tối hậu thư mà Tổng thống Mỹ khi đó là Harry S.Truman và các lãnh tụ phe Đồng minh đưa ra có tên “Tuyên bố Potsdam”, vạch ra điều kiện đầu hàng cho nước Nhật: “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Nhật Bản ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức cho toàn bộ lực lượng vũ trang Nhật, và đưa ra sự đảm bảo thích đáng và đầy đủ đối với thiện ý của họ trong hành động như vậy. Sự lựa chọn khác cho Nhật Bản là sự hủy diệt toàn bộ ngay lập tức”.

Sau khi nhận được “tối hậu thư”, ngày 27/7/1945, toàn bộ nội các của Chính phủ Nhật đã họp phiên bất thường nhằm bàn bạc về những điều kiện mà Mỹ và phe Đồng minh đã nêu ra. Tuy nhiên, trong phiên họp này nội các Nhật đã chia làm 2 phe cân bằng, phe đồng tình đầu hàng vô điều kiện, phe còn lại thì lại kiên quyết không chịu khuất phục trước Mỹ và quân Đồng minh. Cuộc họp đã diễn ra trong không khí rất căng thẳng nhưng cũng không đưa ra được kết luận cuối cùng. Sở dĩ trong nội các Nhật khi đó vẫn có những người phản đối đầu hàng là do không có sự “xuất hiện” của Liên Xô trong “tối hậu thư”. Những người này hy vọng và chờ đợi Liên Xô cùng đàm phán với Chính phủ Nhật về điều kiện đầu hàng thì họ mới chấp nhận. Tuy nhiên, sự chờ đợi của họ đã đem lại một kết cục cực kỳ bi đát.

Chiều ngày 28/7, Thủ tướng Nhật Bản Suzuki Kantaro khi tiếp các phóng viên của Nhật cũng như phóng viên nước ngoài đã nói rất nhiều về điều kiện trong tối hậu thư. Lúc này các quan chức của Nhật, đứng đầu là Thủ tướng Suzuki Kantaro đã ra tuyên bố và được dịch thành: “Tôi cho rằng nội dung của tối hậu thư chỉ là hình thức lặp lại của Tuyên bố Cairo. Đối với Chính phủ Nhật Bản mà nói, chúng tôi không tìm thấy bất cứ ý nghĩa nào trong bản “tối hậu thư” này. Rõ ràng là không có sự lựa chọn nào khác cho chúng tôi, vì thế chúng tôi không quan tâm tới nó. Để đạt được thành công trong việc kết thúc chiến tranh thì cần phải tiếp tục chiến đấu”.

Ngày hôm sau, các báo chí Nhật nêu rằng: Chính phủ Nhật Bản không thể hiện ý định chấp nhận tối hậu thư. Báo chí đã đồng loạt đưa tin: “Thủ tướng Nhật Suzuki Kantaro còn phát biểu tại họp báo rằng: Tuyên bố Potsdam chỉ là sự lặp lại của Tuyên bố Cairo và Chính phủ của ông không quan tâm đến nó”.

Một điều dễ hiểu là sau khi đọc xong tuyên bố của Thủ tướng Nhật và nội các chính phủ, ai cũng có thể hiểu rằng vị lãnh đạo này đã chính thức từ chối “Tuyên bố Potsdam” do Mỹ và Đồng minh vạch ra. Và hậu quả của lời từ chối này chính là cái chết thương tâm của hơn 200.000 dân thường cùng với những hệ luỵ kinh hoàng của người dân Nhật Bản sau vụ Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử.

Trong hồi ức của mình, cựu Tổng thống Mỹ Harry S Truman cho biết: “Nếu như Nhật chấp nhận tối hậu thư chúng tôi đưa ra thì đã không có thảm cảnh thương tâm đó”. Tuy nhiên sau khi hai vụ ném bom thảm khốc xảy ra, Chính phủ của Thủ tướng Suzuki Kantaro đã khẳng định họ không từ chối các điều kiện trong “tối hậu thư”. Họ chỉ muốn chờ đợi Liên Xô trả lời những thăm dò về hòa bình, nhưng mọi thứ đã quá muộn.

Không thể đảo ngược

Sau khi đọc bản Hồi ký của Thủ tướng Nhật đã có nhiều người cho rằng ông không xứng đáng để đứng tại vị trí cao nhất của Chính phủ khi đó. Cách hành xử và phát ngôn mập mờ của người lãnh đạo này đã cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng của người dân vô tội. Cũng có người cho rằng, bản dịch của dịch giả trong buổi họp báo đã hoàn toàn sai ý của vị Thủ tướng. Nhiều người cho rằng nên dịch bản đó như sau: “Tôi cho rằng, nội dung của tối hậu thư chỉ là hình thức lặp lại của tuyên bố Cairo. Đối với Nhật Bản mà nói, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy tầm quan trọng của tối hậu thư. Hiện chúng tôi chưa nên phản ứng và sẵn sàng kiên trì đi đến hồi kết của cuộc chiến”.

Nếu so sánh nội dung của hai bản dịch này rõ ràng nhận thấy sự khác biệt về ngôn từ và hàm ý chính. Cũng theo một số nhà báo Nhật Bản có mặt trong buổi họp báo đó, Thủ tướng Suzuki Kantaro đã không hề nhắc đến những cụm từ như: “Tôi không quan tâm tới tối hậu thư”, “không tìm thấy bất cứ ý nghĩa nào trong bản tối hậu thư”, “không có sự lựa chọn nào khác” hay”tiếp tục chiến đấu”…

Cũng trong bài phát biểu của Thủ tướng Suzuki Kantaro, ông chỉ nhấn mạnh những từ “chưa nên phản ứng”, mà không nói từ ignoreitentirely (coi thường- chỉ tối hậu thư). Hơn nữa, vì một số lý do, các ký giả của Mỹ và quân Đồng minh lại hiểu nhầm ý của vị Thủ tướng này thành reject (từ chối). Và khi những thông tin này được đăng tải trên các báo lớn của Mỹ, Tổng thống cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó đã quyết định ném hai quả bom nguyên tử nhằm “dằn mặt” Nhật Bản. Được biết, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Harry S Truman đã nhận được câu trả lời từ phía Thủ tướng Suzuki Kantaro không phải từ văn phòng của Thủ tướng Nhật mà từ văn bản tiếng Anh do các hãng thông tấn của Mỹ đem về sau buổi họp báo.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người dân Nhật đã từng oán trách vị Thủ tướng của mình đã không tỏ thái độ rõ ràng với “Tuyên bố Potsdam” làm cho hàng trăm nghìn dân thường phải chết. Tuy nhiên sau này nhiều nhà phân tích cho rằng, không thể đổ hết lỗi lên đầu vị Thủ tướng này, sở dĩ là ông cũng không phát ngôn gì làm tổn hại đến đất nước, đó có thể chỉ quy về cách… dịch sai của những thông dịch viên tại buổi họp báo (?!).

Nhiều người cũng cho rằng, chỉ vì hai từ dịch sai thành “ignoreitentirely” và “reject” mà Nhật Bản phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử trút xuống đầu mình. Tuy nhiên, cũng nhiều nhà phân tích lại cho rằng, dù Thủ tướng Nhật có phát biểu thế nào thì Mỹ cũng sẽ ném bom nguyên tử xuống đất nước này. Nguyên nhân ở chỗ, Thiên hoàng Chiêu Hòa- người đứng đầu triều đình Nhật khi đó đã tuyên bố rõ ràng rằng quyền lực của hoàng đế phải được bảo vệ bằng mọi giá.

Trong hồi ký của mình sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Thủ tướng Nhật Suzuki Kantaro có viết: “Tôi cũng nhận thức được rằng “Tuyên bố Potsdam” là cơ hội cuối cùng dành cho người Nhật. Tuy nhiên khi đó hầu như toàn bộ những người trong nội các và binh sỹ Nhật đã không chấp nhận những điều kiện trong tối hậu thư này. Họ muốn chiến đấu “một mất một còn” chứ không thể đầu hàng vô điều kiện như vậy. Quả thực lúc đó, tôi cũng không biết nên làm thế nào. Trong cuộc họp với báo giới ngày 28/7/1945, tôi đã có nói một ý đại loại rằng: “Tôi không quan tâm lắm tới tối hậu thư này”. Đó là lời nói đáng tiếc nhất trong cuộc đời chính trị của tôi”.

Theo tintuc.timnhanh.com

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc