Home » Xã hội » Xã hội hóa mầm non, chỉ con dân nghèo thiệt

Trong bối cảnh người công nhân khó có lựa chọn khác ngoài việc gửi con tại những cơ sở giữ trẻ tự phát, phóng viên Báo VietNamNet đã trao đổi với một số cán bộ chức năng có liên quan để làm rõ hơn các nguyên do và bất cập đang tồn tại.

Ý tưởng lập trường trông trẻ theo ca

Trên địa bàn quận 7 (TP.HCM), công nhân làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận tập trung rất đông, phân bố chủ yếu ở các phường Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Bình Thuận… Bà Trương Thị Đạt, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Quận 7 cho biết, có những phường, công nhân chiếm tới 1/3 dân số.

Công nhân nhập cư không chỉ gặp khó khăn về tài chính mà quan trọng hơn cả là giờ giấc gửi trẻ.

Đặc thù công việc của họ là làm ca nên không thể gửi con ở trường công theo giờ hành chính được. Thu nhập hàng tháng thấp nên việc gửi con ở những trường tư thục chất lượng tốt cũng không phù hợp với nhóm người này. Do đó, gửi con tại những cơ sở trông trẻ tự phát đối với công nhân gần như là một lựa chọn tối ưu.

Ngay bản thân cha, mẹ những đứa trẻ cũng đâu kém nhọc nhằn.Ảnh: Thanh Huyền


Tuy nhiên, những cơ sở giữ trẻ tự phát rất kín đáo, trốn tránh sự quản lý của Nhà nước, thường xuyên kín cổng cao tường nên rất khó phát hiện. Và những em bé ở đó được chăm sóc trong môi trường đảm bảo hay không cũng rất khó nói.

Bà Đạt chia sẻ: “Qua đó, tôi rất thương cảm cho những người công nhân và con cái của họ, nhất là năm hết Tết đến, họ sẽ phải tăng ca, làm ngoài giờ liên tục. Với vai trò của mình, chúng tôi cố gắng đi vận động tuyên truyền các bà mẹ công nhân hãy xem xét, tìm hiểu kỹ lưỡng nơi giữ trẻ trước khi gửi con. Đối với cấp trên, chúng tôi cũng đề xuất ý tưởng thành lập một trung tâm chuyên giữ trẻ theo ca. Tại đó, cô giáo cũng chia ca luôn”.

Dù vậy, ý tưởng của Hội liên hiệp Phụ nữ Quận 7 không phải dễ thực hiện, bởi trong bối cảnh trường công còn đang quá tải thì đào đâu ra giáo viên làm việc theo ca để giữ con cho công nhân?

Công không được mà tư cũng chẳng xong

Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết những bất cập trong việc công nhân không tìm được chỗ gửi con một phần do Quyết định số 20/2005/QĐ.BGD-ĐT của Bộ GD-ĐT ngày 24-6-2005 phê duyệt đề án quy hoạch phát triển xã hội giáo dục giai đoạn 2005-2010: Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở TP. Tiến đến đưa 70%-80% tỷ lệ trẻ mầm non học ở các cơ sở ngoài công lập.

“Từ nghị quyết này, trường công đã giảm đi và các trường tư thục mọc lên như nấm. Học phí trường công chỉ khoảng 100.000 đồng/tháng (chưa tính tiền ăn). Trong khi đó, trường dân lập lại rất nhiều khoản thu, khó quản lý, học phí cao ngất ngưởng. Những trường tư thục dần trở thành nơi học của con, em các gia đình khá giả. Suy cho cùng, người chịu thiệt vẫn là con dân nghèo” – bà Thanh nói.

Trẻ em là tương lai của cuộc sống, xin đừng thờ ơ với chúng!Ảnh: Thanh Huyền.


Cứ nơi nào có công nhân sinh sống là sẽ xuất hiện những cơ sở giữ trẻ chui trái phép. Ngòai quận 7, các quậnBình Thạnh, Thủ Đức, 12, Bình Tân và huyện Hóc Môn cũng đang được coi là có nhiều công nhân và cơ sở giữ trẻ tự phát.

Hiện nay, trên toàn TP.HCM có khoảng 400 trường mầm non công lập và hơn 300 trường tư thục. Trên địa bàn quận 7 cũng có khoảng vài chục trường tư thục. Trong khi đó, ngành giáo dục chỉ quản lý và kiểm soát được những điểm giữ trẻ có giấy phép.

Bà Thanh cho biết, trước đây tất cả các xí nghiệp đều có nhà trẻ riêng để trông con cho cán bộ, công nhân tăng ca. Sau này do phải tự hạch toán nên các nhà trẻ này đều giải thể hết.

Bà cũng khuyên các cặp vợ chồng công nhân mới cưới không nên sinh con ngay mà cần phải có sự chuẩn bị, tích lũy về tài chính, điều kiện sống để chăm sóc em bé được tốt hơn.

Theo Thanh Huyền

vietnamnet

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc