Home » Thế giới » Đập thủy điện trên sông Mêkông: Lợi bất cập hại
Một con đập trên sông Mêkông bên lãnh thổ Trung Quốc đã tác hại đến cư dân sống bên Miến Điện, công trình thủy điện Nam Theun II của Lào cũng ảnh hưởng xấu đến cả chục ngàn người trong vùng. Nhật báo Thái Lan The Nation ngày 16/12/2010 đã phân tích sự kiện đập xây dựng trên dòng Mekong không cải thiện được bao nhiêu đời sống cư dân vùng hạ lưu.

Công trình đập thủy điện Nam Theun 2 tại Lào DR

Trong bài xã luận, The Nation trước hết ghi nhận làn sóng lo ngại và chỉ trích về số lượng các con đập mới đang được xây dựng ở Trung Quốc và miền trung tâm khu vực Đông Nam Á lại thu hút sự chú ý của thế giới một lần nữa. Lý do rất rõ ràng : Nếu bạn không làm đúng lần đầu tiên, hệ quả điều đó sẽ trở lại và ám ảnh bạn. Việc xây dựng các con đập đó là một ví dụ.

Cốt lõi của vấn đề là tác động xã hội và môi trường của các con đập. Vì không thể có một giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề, một số nguyên tắc cơ bản dành ưu tiên cho các vấn đề xã hội và môi trường cần phải được đặt ở trọng tâm bất cứ dự án nào.

Thế nhưng thực tế đã cho thấy rằng quả là một công việc vô cùng khó khăn khi ta muốn buộc các nước trong khu vực tôn trọng các cam kết họ từng đưa ra, hoặc lưu ý đến những mối lo ngại của các cộng đồng cư dân bị ảnh hưởng hoặc của các nước láng giềng,

Các nước Đông Nam Á có nguy cơ bị mất uy tín, cũng như công cuộc hợp tác khu vực mà họ thích tự hào. Tuy nhiên, khi hàng xóm lại là một người khổng lồ hùng mạnh như Trung Quốc, liệu các nước như Thái Lan hay Lào và Cam Bốt có can đảm để nói thẳng suy nghĩ của mình hay không ?

Đập bên Trung Quốc hại sang cư dân Miến Điện

Theo một báo cáo mới được công bố gần đây, mang tên là ‘Cao và khô’, Tổ chức Môi trường Sapawa Shan (Shan Sapawa Environmental Organisation ) và Mạng lưới Hành động của Phụ nữ Shan Swan (Shan Women’s Action Network) đã cho biết là một con đập xây dựng trên sông Mekong phía bên lãnh thổ Trung Quốc, đã gây ra xáo trộn nghiêm trọng cho cộng đồng và dân làng ở bang Shan tại Miến Điện. Kết quả điều tra nêu bật nhu cầu là phải cấp tốc đánh giá tác động xuyên biên giới của các con đập và nhanh chóng cải thiện việc quản lý nguồn nước chung.

Hơn nữa, các nhà bảo vệ môi trường còn cho biết rằng đề án thủy điện bị nhiều chỉ trích Nam Theun II của Lào, đã di dời 6.200 cư dân sinh sống trên cao nguyên Nakai và ảnh hưởng bất lợi đến hơn 10.000 người dân sống phía hạ lưu con sông Bang Fai Xe.

Theo giới chức chịu trách nhiệm phát triển công trình và các nhà tài trợ thì đập Nam Theun II sẽ thúc đẩy một kỷ nguyên phát triển mới cho nước Lào. Họ nhấn mạnh đến việc sinh kế của người địa phương được cải thiện. Nước uống sạch hơn và việc được tiếp cận các cơ sở y tế góp phần giảm tỷ lệ tử vong nơi trẻ em và trẻ sơ sinh là một trong những ví dụ. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hơn 90% trong số 1.000 megawatt điện do đập thủy điện này tạo ra sẽ được bán cho Thái Lan, mang lại cho Lào 2 tỷ USD doanh thu trong 25 năm sắp tới.

Trong một bản thông cáo, ADB tuyên bố là nhiều gia đình đã báo cáo rằng tình hình an ninh lương thực của họ đã đặc biệt được cải thiện kể từ khi họ được di dời (vì công trình xây đập ), cho dù việc chuyển đổi từ đời sống du canh, đốt rừng làm rẫy, qua một nền kinh tế nông nghiệp thị trường định cư và ổn định hơn không phải là luôn luôn dễ dàng cho nhiều hộ gia đình.

Mặt khác, giới chỉ trích công trình còn nghi ngờ rằng những biện pháp giúp đỡ và các lợi ích thu được chỉ là tạm thời, trong lúc giải pháp cần phải bền vững. Theo họ, những người sống trên cao nguyên Nakai không có phương tiện kiếm sống, an ninh lương thực của họ bị đe dọa. Đất đai cằn cỗi trong các khu tái định cư không thích hợp cho nông nghiệp, khả năng sản xuất thủy sản dài hạn của các hồ chứa bị nghi ngờ, và người bên ngoài đã xâm lấn vào các khu rừng cộng đồng.

Giám đốc Mạng lưới Sinh thái và Năng lượng vùng Mekong (Mekong Energy and Ecology Network), ông Witoon Permpongsacharoen, cho biết : cư dân vùng hạ lưu sông Xe Bang Fai đã bắt đầu chịu hậu quả của chất lượng nước xấu, trữ lượng cá giảm, cũng như các trận lũ lớn trong mùa mưa vì đập thủy điện xả lũ vào khu vực của họ.

ADB nằm trong số hơn 20 nhà tài chính – bao gồm cả Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Cơ quan Phát triển Pháp Agence Française du Developpement – đã cung cấp 1,43 tỷ đô la cho dự án Nam Theun II. Tập đoàn điện lực Pháp Electricité de France International, Công ty Điện lực Thái Lan Electricity Generating Public Company và Chính phủ Lào là đồng sở hữu chủ của Công ty Điện lực Nam Theun II.

Điều này có nghĩa là Lào và các nhà tài trợ và đầu tư vào dự án có nghĩa vụ đạo đức để đảm bảo rằng những thách thức được giải quyết một cách công khai và minh bạch.

Tuy nhiên, trong khi đã có một số nỗ lực của dự án Nam Theun II để chăm lo cho số người phải di dời và giúp họ thích nghi với môi trường mới, các công ty Trung Quốc và Thái Lan vẫn làm ngơ. Tất nhiên, khi được hỏi, các công ty này sẽ không ngần ngại nói rằng các con đập phục vụ cho mọi người. Có điều là thực ra họ có ý nói là những con đập phục vụ một số người nhất định chứ không nhất thiết là tất cả mọi người – đặc biệt là những người trực tiếp bị ảnh hưởng.

Theo tin rfi

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc