Home » Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm, Xã hội » Căng thẳng chia tiền bồi thường của Vedan

Ông Nguyễn Văn Cường - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đứng) giải thích cách chia tiền cho người dân Mỹ Xuân - ảnh: Nguyễn Long

Sáng 16.12, một số người dân tìm cách ngăn cản việc chia tiền bồi thường của Vedan, gây cảnh náo loạn tại UBND xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tại UBND xã Mỹ Xuân, khoảng 120 người dân đến nhận tiền theo thư mời, nhưng đa số không đồng ý nhận tiền mà phản đối quyết liệt và tìm cách ngăn cản không cho người khác nhận bồi thường. Khi phát hiện ô tô của Đài truyền hình Việt Nam và Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chuẩn bị rời khỏi UBND xã Mỹ Xuân để sang địa phương khác nắm tình hình chi trả bồi thường, nhiều người dân đã ngăn cản. Những người này đề nghị ông Nguyễn Văn Cường, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Trưởng ban Chỉ huy thống kê thiệt hại về kinh tế và môi trường vụ Vedan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phải giải thích về cách chia tiền.

Dân không biết trước cách chia?

Những hộ dân phản đối cho rằng cách chia tiền của cơ quan chức năng là không phù hợp với thiệt hại mà dân xã Mỹ Xuân phải chịu. Một người dân đặt câu hỏi: “Trước đây, Viện MT-TN xác định vùng ô nhiễm ở Mỹ Xuân bị thiệt hại nặng nề nên được tính toán để bồi thường theo tỷ lệ 77%, nhưng tại sao đến nay lại chia ít hơn rất nhiều?”.

Theo ông Cường, trước đây Viện MT-TN đưa ra chia tỷ lệ theo vùng ô nhiễm, trong đó Mỹ Xuân 77%, Phú Mỹ 26,3%, Tân Phước và Phước Hòa cùng 8,75%. Sau khi xem xét, nếu chia như vậy thì thiệt thòi cho nông dân Phú Mỹ, Tân Phước và Phước Hòa nên các cơ quan chức năng Bà Rịa – Vũng Tàu và Bộ TN-MT thống nhất lại cách chia mới của Viện MT-TN đưa ra là chia đều tỷ lệ 24,7%. “Như vậy, mỗi hộ dân được bồi thường số tiền theo cách tính lấy số tiền kê khai thiệt hại của từng hộ đã được niêm yết trước đây nhân với tỷ lệ 24,7%. Cách chia tiền này được người dân 3 xã khác đồng tình”, ông Cường giải thích.

Nhiều nông dân vẫn không đồng ý vì cho rằng chia theo tỷ lệ 24,7% là cào bằng giống với các xã khác, không phản ánh đúng thiệt hại của nông dân. Ông Cường cố giải thích: “Trước đây, ban chỉ huy và các tổ đại diện cho dân họp 3 lần để tính tỷ lệ chia tiền nhưng mỗi xã đưa ra phương án khác nhau. Chính vì thế mà UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các ban ngành đã thống nhất cách chia mới. Chúng tôi chỉ là người được phân công làm nhiệm vụ thôi, ai không đồng ý thì cứ tiếp tục kiện”. Phản bác lại ý kiến của ông Cường, những người đại diện cho các hộ dân xã Mỹ Xuân cho rằng chưa nhận được thư mời họp lần nào của chính quyền; đồng thời đề nghị có một cuộc họp với lãnh đạo địa phương, UBND tỉnh và các cơ quan báo, đài để thống nhất lại cách chia tiền theo đúng tinh thần dân chủ, công bằng.

Đến cuối ngày, theo thống kê chỉ có 14 hộ dân ở Mỹ Xuân nhận tiền trong số 120 thư mời nhận tiền vào ngày hôm qua. Trong khi đó, tại xã Phước Hòa, Tân Phước và thị trấn Phú Mỹ, khoảng 360 người dân đã nhận tiền bồi thường của Vedan.

“Không nhận, tỉnh sẽ trả lại cho Vedan!”

Tại cuộc họp về sông Đồng Nai vào ngày 11.12, ông Trần Ngọc Thới, Phó chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phản ánh với Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên những khó khăn trong việc chia tiền bồi thường của Vedan do phát sinh nhiều khiếu nại phức tạp. “Từ nay đến trước Tết Nguyên đán, tỉnh tổ chức chi trả bồi thường. Người dân nào không đồng ý nhận thì sẽ chuyển tiền vào ngân hàng và thông báo cho dân. Nếu dân không đồng ý thì tỉnh sẽ trả lại tiền cho Vedan”, ông Thới nói.

Theo một luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sau khi Vedan thừa nhận xả thải ra môi trường chưa qua xử lý thì người dân đã làm đơn khởi kiện doanh nghiệp này ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại. Phía Vedan không muốn ra tòa nên thông qua chính quyền địa phương đã chấp nhận bồi thường cho người dân. Như vậy, quan hệ giữa Vedan và người dân xem như đã chấm dứt.

Trường hợp UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trả lại tiền, chắc chắn Vedan không bao giờ nhận lại. Vì khi làm biên bản thỏa thuận bồi thường, Vedan ràng buộc “không chịu trách nhiệm giải quyết khiếu kiện phát sinh” thì họ không dại gì nhận lại tiền. Bên cạnh đó, người dân đã ủy quyền cho chính quyền nhận tiền bồi thường thiệt hại, nếu tự tiện đem trả lại thì lúc này bị đơn không phải là Vedan mà chính là UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cần Giờ cũng căng

Tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) trong những ngày qua cũng rất “nóng” chuyện chia tiền bồi thường của Vedan. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây tại xã Tam Thôn Hiệp có 279 hộ được xác định bồi thường, nhưng sau khi rà soát lại chỉ còn 41 hộ đủ điều kiện nhận bồi thường. Chính vì thế, những hộ không đủ điều kiện cùng nhau đi khiếu kiện.

Chiều qua 16.12, trao đổi qua điện thoại, ông Đoàn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM, cho biết đã đề nghị các ngành chức năng rà soát lại danh sách các hộ dân bị thiệt hại do ô nhiễm nước thải của Vedan để lên kế hoạch chi trả. Dự kiến, ngày 31.12, huyện Cần Giờ tiến hành chi trả tiền bồi thường của Vedan.

Bá Dương, Nguyễn Long

Theo thanhnienonline

Chuyên đề: ,

01 ý kiến dành cho “Căng thẳng chia tiền bồi thường của Vedan”

  1. t­uong 21/12/2010

    khiếu nại sảy ra chung quy cũng là cách giải quyết của các cấp chính quyền chưa thoả đáng, việc buộc vedan bồi thường cho dân là đúng nhưng việc rà soát lại cắt bớt những hộ dân bị thiệt hại, dù đúng nhưng cũng không hợplý, nên nhớ chính những hộ dân đó đã buộc vedan phải bồi thường chứ không phải các vị lãnh đạo UBND huyện, hội ND huyện, việc này liệu có tiêu cực hay không nhìn cách cư sử của lãnh đạo các địa phương có thể biết. Còn cách tính lại tỷ lệ bồi thường nên có sự đồng thuận của nhân dân,ở đây chưa nêu rõ, tôi cũng thấy chưa thoả đáng!

    Reply

Ý kiến bạn đọc