Home » Thế giới, Tiêu Điểm » Giới thượng lưu Trung Quốc đang thực hiện an toàn thực phẩm cho riêng mình
[TinDaChieu] Việc trồng trọt lương thực để tự cung đã trở nên thông dụng ở Trung Quốc ngày nay, thế nhưng những người trồng trọt mới đến này không phải là nông dân. Thay vào đó, họ là những người giàu sang và có địa vị xã hội—tầng lớp người có biệt thự xe hơi. Những quảng cáo đại loại như “mua nhà tặng đất canh tác” đã xuất hiện ở  Trùng Khánh, Trường Sa, Thẩm Dương, Vũ Hán, Châu Hải… Các cò nhà đất đã lấy ý tưởng từ hiện tượng “cơ sở tự túc lương thực”, vốn đang lan rộng khắp Trung Quốc trong hai năm qua.

Ai đã giúp phổ biến và lan truyền những cơ sở tự túc lương thực này? Chính là các cơ quan địa phương có tiềm lực kinh tế, chẳng hạn như các phòng ban chính phủ cấp tỉnh, các doanh nghiệp lớn của nhà nước, các cơ quan tài chính, cũng như một số doanh nghiệp và công ty tư nhân. Họ đầu tư một lượng lớn tiền để thuê đất với đủ các kích cỡ khác nhau ở vùng ngoại ô, biến chúng thành các cơ sở tự túc lương thực.

Người ta có thể sẽ hiểu lầm rằng những cơ quan kể trên làm việc này nhằm khuyến khích nhân viên của họ ra ngoại ô để trồng rau củ như một thú tiêu khiển cuối tuần. Một bài báo có nhan đề “Một số cơ quan và doanh nghiệp nhà nước đang vận hành các cơ sở tự túc lương thực để an tâm về vấn đề an toàn lương thực” đã được đăng tải trên tờ Nhật báo Nhân dân Trực tuyến. Bài báo này nói rõ rằng người Trung Quốc đang rất băn khoăn về vấn đề an toàn thực phẩm, vì thức ăn hư hỏng và nhiễm độc đang tràn lan ở Trung Quốc ngày nay. Trên thực tế, các tổ chức chính phủ và doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng quỹ công để đảm bảo sự an toàn thực phẩm cho riêng họ.

Trong những năm gần đây, người Trung Quốc đã phải đấu tranh quyết liệt, nhưng không mấy hiệu quả, chống lại các loại thực phẩm có tiêu chuẩn an toàn thấp. Đơn giản là có quá nhiều thực phẩm hư thối, từ các sản phẩm lương thực thô cho đến dầu ăn và dụng cụ làm bếp. Dầu ăn thừa, đũa ăn nhiễm độc, và hộp đựng thức ăn nhiễm độc vẫn có thể được rửa sạch, nhưng có ba nguồn gây ngộ độc mà rất khó để xử lý.

Thứ nhất, nông dân đang áp dụng các phương thức “công nghệ cao” trong quá trình trồng trọt. Thuốc trừ sâu và phân bón được áp dụng rộng rãi trong nền nông nghiệp truyền thống, và thuốc kháng sinh cùng với các loại hóc-môn đang được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi. Các sản phẩm nước ngọt và nước mặn bị nhiễm bẩn. Hồi còn ở Trung Quốc, tôi thậm chí còn nghe rằng nông dân trồng trọt hay chăn nuôi để dùng riêng, khác biệt với các sản phẩm mà họ bán, để họ không bị ngộ độc.

Nguồn thứ  hai là từ khâu xử lý thực phẩm. Để giảm chi phí, các công ty dùng một lượng lớn chất phụ gia và hóa chất. Việc thêm melamine vào sữa bột để trông giống như được tăng cường protein chỉ là một ví dụ.

Nguồn thứ ba là môi trường bị ô nhiễm nặng nề từ tận gốc ở Trung Quốc. Theo một phân tích của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, diện tích đất canh tác bị ô nhiễm bởi cadmium, thạch tín, cro-mi-um và chì đã lên đến 20 triệu héc-ta—khoảng một phần năm tổng diện tích đất Trung Quốc. Ước tính mỗi năm có 12 triệu tấn thực phẩm bị nhiễm độc bởi kim loại nặng. (Tất cả các loại thực phẩm này đều được tiêu thụ, một số ít được xuất khẩu).

Thức ăn nhiễm độc tràn ngập thị trường là hậu quả của việc các nhà sản xuất hoàn toàn làm ngơ trách nhiệm đạo đức, chính quyền bỏ bê vai trò quản lý của mình, và tình trạng thiếu lòng tin trên thị trường.

Trong một buổi lễ ủy quyền đặc biệt cung cấp thực phẩm cho các tổ chức chính phủ được tổ chức tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, vào ngày 18 tháng 8 năm 2008, ông Chúc Vịnh Lang, giám đốc Trung tâm Đặc cung Thực phẩm Trung ương, đã tiết lộ rằng trung tâm này không những chọn lựa, đánh giá và kiểm định việc sản xuất các sản phẩm đặc biệt cho những lực lượng nòng cốt gồm 94 bộ ngành, mà còn cung cấp thực phẩm hữu cơ chất lượng cao cho các quan chức chính phủ từ các cơ sở cung ứng của họ trải rộng khắp 13 tỉnh. Các cơ sở cung ứng này nhận được hỗ trợ từ Cơ sở Hậu cần Trung ương, các nông trang thuộc Cục Cảnh vệ trung tâm, và Cơ sở Hậu cần Biên phòng.

Sau khi tin tức này được lưu hành rộng rãi trên Internet, một số cư dân Trung Quốc bắt đầu nhận ra rằng thực phẩm mà các lãnh đạo chính phủ đang dùng đến từ những nguồn khác với của người dân. Không có gì lạ khi những vị lãnh đạo kia không lo lắng gì đến vấn đề an toàn thực phẩm, và không bận tâm đến việc kiểm soát. Do tin tức này rõ ràng là gây thiệt hại nặng nề đến “hình ảnh vẻ vang” của Đảng và chính phủ, website của công ty kể trên đã xóa bản tin này ngay sau đó. Chính quyền Trung Quốc cũng ra sức “bác bỏ tin đồn”. Ngày 25 tháng 9 năm 2008, một quan chức Trung Ương, trong một buổi phỏng vấn với tờ tin tức trực tuyến Chian News Service, đã nói rằng Trung tâm Hoạt động Nòng cốt Trung ương không có cái gọi là “trung tâm đặc cung thực phẩm”, và rằng thông tin trên mạng hoàn toàn là tin đồn.

Tuy nhiên, khi chính quyền cấp tỉnh, các công ty nhà nước, cơ quan tài chính tiếp tục xây dựng các “cơ sở tự túc lương thực”, thật rõ ràng để thấy rằng chính sách “phủ nhận tin đồn” đã không mấy hiệu quả. Thay vào đó, người dân hiểu ra rằng tốt hơn hết là giữ an toàn còn hơn phải hối tiếc, do vậy một số đơn vị lao động đã cố gắng bảo vệ an toàn thực phẩm cho nhân viên của mình.

Vì chính phủ được hỗ trợ bởi những người đóng thuế, nên trách nhiệm tiên quyết của họ là phải mang lại các dịch vụ cộng đồng hợp lý cho người dân. Việc thiết lập một môi trường sống an toàn và đáng tin cậy cho mọi người là trách nhiệm cơ bản của chính quyền. Vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc liên quan đến chính phủ, thị trường, và các nhà sản xuất.

Thành Rome không được xây dựng trong một ngày, điều mà chế độ này nên làm là cải cách lại cơ chế giám sát, tăng cường trách nhiệm, và tái lập mối quan hệ giữa thị trường và doanh nghiệp, hơn là dùng sức mạnh kinh tế của mình để tịch thu đất đai nhằm trồng trọt lương thực, hay chăn nuôi để đảm bảo an toàn thực phẩm dành riêng cho các quan chức chính phủ.

Kiểu thái độ thiên vị trong việc mang lại sự an toàn thực phẩm cho một số ít cá nhân không chỉ là sự trốn tránh trách nhiệm: hơn thế nữa, nó như là một căn bệnh ung thư chính trị ăn sâu vào tận xương tủy.

Giản Giới
dịch từ TheEpochTimes
Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc