Home » Thế giới, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Hàn Quốc xuống nước, bán đảo Triều Tiên dịu bớt
Sau nhiều ngày nóng bỏng khiến bán đảo Triều Tiên như đứng bên bờ vực chiến tranh, những dấu hiệu nhượng bộ bắt đầu xuất hiện từ cả hai miền khiến tình hình phẩn nào hạ nhiệt.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Ảnh: AFP
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Ảnh: AFP

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak, người vốn giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề Triều Tiên ngay từ khi lên cầm quyền, hôm 29/12 bất ngờ kêu gọi nối lại đàm phán 6 bên về hạt nhân. Ông tuyên bố muốn xoá bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên chỉ có cách thông qua con đường ngoại giao.

Động thái mới từ Seoul mở ra một cơ hội nối lại vòng đàm phán đa phương. Nhưng ông Lee cũng nhấn mạnh thời gian cho cộng đồng quốc tế đang cạn dần nếu muốn chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên, vì Bình Nhưỡng đã lấy năm 2012 làm cột mốc trở thành “quốc gia vĩ đại, quyền lực và thịnh vượng”, ám chỉ đến sở hữu đầy đủ vũ khí nguyên tử.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Hàn Quốc sau nhiều tuần bán đảo Triều Tiên rơi vào tình trạng “bên bờ vực chiến tranh” cho thấy Seoul không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự để gây sức ép với miền bắc. Trước đó, Hàn Quốc liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật với quy mô chưa từng có để phô trương sức mạnh, bất chấp những lời đe doạ chiến tranh của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân gồm hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản lâm vào bế tắc trong hơn một năm qua. Sau khi xảy ra vụ đấu pháo trên đảo Yeonpyeong khiến tình hình căng thẳng dâng cao hôm 23/11, nhóm 6 bên đã chia rẽ thành hai luồng quan điểm khác nhau.

Một bên là Triều Tiên, Trung Quốc và Nga muốn nối lại đàm phán càng sớm càng tốt, còn bên còn lại là Mỹ cùng hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng cuộc đàm phán hạt nhân đa phương chỉ có thể nối lại nếu Bình Nhưỡng cho thấy họ thực sự đã thay đổi bằng các hành động giải trừ hạt nhân như đã cam kết.

Cho đến trước khi Tổng thống Lee Myung-bak kêu gọi nối lại đàm phán 6 bên, “phe” Hàn Quốc, Mỹ và Nhật cũng không có tuyên bố nào cho rằng hoạt động này là khẩn thiết. Phát ngôn viên của ông Lee cũng giải thích thêm rằng, bình luận mới nhất của tổng thống Hàn Quốc không phản ánh bất cứ sự thay đổi nào về điều kiện mà Seoul đặt ra về việc nối lại đàm phán hạt nhân.

Washington Post trích lời nhà nghiên cứu Hàn Quốc Park Hyeong-jung nhận định: “Tôi không nghĩ có bên nào mong chờ nhiều về các cuộc đàm phán. Nhưng chính phủ của chúng tôi cho rằng họ đã thể hiện được thái độ kiên quyết cũng như sức mạnh quân sự trước Triều Tiên. Do đó đã đến lúc nối lại các cuộc thương thuyết, trong đó có đàm phán 6 bên”.

Động thái mới nhất của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak có thể được coi là một dấu hiệu hạ nhiệt trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gần đây. Một dấu hiệu tương tự khác là việc giới chức Hàn Quốc thông báo bộ trưởng quốc phòng nước này và người đồng cấp Trung Quốc sẽ nhóm họp tại Bắc Kinh vào tháng 2 tới, để bàn về tình hình bán đảo Triều Tiên.

Trên thực tế, miền bắc đã có động thái hạ nhiệt từ trước đó, khi họ không đáp trả các cuộc tập trận bắn đạn thật của miền nam như lời đe doạ. Bình Nhưỡng cho rằng hoạt động quân sự của Seoul “không đáng” để họ phải ra tay.

Tuy tình hình bán đảo Triều Tiên không còn “căng như dây đàn”, nhưng những diễn biến gần đây cho thấy khu vực này vẫn tiềm ẩn các nguy cơ nổ ra xung đột.

Mới nhất là việc Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hôm nay bổ nhiệm tướng về hưu An Kwang-chan làm lãnh đạo một cơ quan mới thành lập, chuyên giải quyết các vấn đề khủng hoảng quốc gia. Sự ra đời của cơ quan này là câu trả lời cho những hoài nghi rằng Hàn Quốc có chuẩn bị sẵn sàng tự bảo vệ mình trước các vụ tấn công bất ngờ của Triều Tiên hay không.

Seoul hồi đầu tuần này cũng cho rằng mối đe doạ trực tiếp từ Bình Nhưỡng đang gia tăng khi miền bắc triển khai thêm 20.000 lính đặc nhiệm tại khu vực gần đường biên giới trên bộ, đồng thời tăng số xe tăng cho các sư đoàn. Do đó Hàn Quốc cũng chính thức tái lập quan điểm coi Triều Tiên là “kẻ thù” sau khi đã bỏ thái độ này vào năm 2000, thời kỳ đỉnh cao của xu hướng hoà giải hai miền.

Những vụ xuất phát từ miền bắc như chiến hạm Cheonan bị đánh chìm và vụ nã pháo đảo Yeonpyeong khiến chính phủ Hàn Quốc chịu sức ép gay gắt từ trong nước phải có phản ứng cứng rắn. Điều này dẫn đến việc Seoul có nhiều điều chỉnh về mặt quân sự theo hướng không nhượng bộ như trước, sẵn sàng chủ động đối đầu quân sự với miền bắc và thề “phản công không thương tiếc” nếu Triều Tiên tiếp tục tấn công.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc