Home » Thế giới » Vì sao Trung Quốc sẵn sàng đầu tư tài chính vào châu Âu ?
Hôm nay, 23/12/2010, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố là Bắc Kinh « sẵn sàng giúp đỡ các nước trong khu vực đồng Euro vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, thành công trong việc phục hồi kinh tế » và trong tương lai, châu Âu sẽ là một trong những thị trường chính mà Trung Quốc sẽ đầu tư các dự trữ ngoại tệ của mình.

©Reuters

« Mạnh vì gạo, bạo vì tiền ». Theo giới phân tích, trong cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu, Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác chủ chốt nhờ có khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên tới 2.640 tỷ đô la, và Bắc Kinh đang dùng một phần dự trữ này để đầu tư vào châu Âu.

Trong cuộc đối thoại kinh tế song phương hàng năm, được tổ chức ngày 21/12 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh đã bầy tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và thúc giục các nhà hoạch định chính sách châu Âu có những hành động cụ thể. « Chúng tôi muốn biết liệu châu Âu có thể khống chế được các rủi ro nợ, và liệu có đạt được đồng thuận để có thể chuyển hóa thành hành động cụ thể, cho phép châu Âu sớm vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính hay không ».

Hồi tháng 10, Trung Quốc đã hứa giúp đỡ Hy Lạp qua việc mua công trái, bởi vì chính phủ Athens ở trong tình trạng gần như mất khả năng trả nợ.

Tháng trước, trong chuyến công du Lisboa, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng nói đến việc giúp Bồ Đào Nha đối phó với khủng hoảng. Hôm qua, báo chí Bồ Đào Nha đưa tin, nhưng không dẫn nguồn, là Trung Quốc sẵn sàng mua tới 6,5 tỷ đô la công trái của nước này. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha đã công du Bắc Kinh để thảo luận về những cam kết giúp đỡ của Trung Quốc.

Cũng vào tuần trước, lãnh đạo các nước châu Âu đã quyết định lập cơ chế hỗ trợ tài chính thường trực để khu vực đồng Euro đối phó tốt hơn với khủng hoảng, và cơ chế này sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2013.

Trong năm nay, Hy Lạp, Ailen đã nhận được sự trợ giúp của châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Theo giới chuyên gia, năm tới, 2011, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ và Ý có thể sẽ gặp khó khăn tài chính và cần đến sự giúp đỡ.

Theo giới phân tích, Trung Quốc tính toán kỹ những mối lợi về kinh tế, chính trị, uy tín, khi đầu tư mua công trái của châu Âu.

Trước hết, Trung Quốc có nhu cầu đa dạng hóa đầu tư tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Hiện nay, Bắc Kinh đang nắm giữ 907 tỷ đô la công trái do Ngân khố Hoa Kỳ phát hành với lãi suất rất thấp. Kinh tế gia Ken Peng, hiện đang làm việc cho tập đoàn Citigroup ở Bắc Kinh, được AFP trích dẫn, cho rằng rủi ro trong việc mua công trái của một số nước châu Âu có khó khăn tài chính cũng giống như những rủi ro khi đầu tư. Nếu mức độ rủi ro cao thì lãi suất cũng sẽ cao hơn.

Yếu tố thứ hai là Bắc Kinh cần một khu vực đồng Euro vững mạnh về kinh tế. Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trước cả Hoa Kỳ. Giúp đỡ về tài chính để người tiêu dùng châu Âu có thể tiếp tục mua sản phẩm của Trung Quốc, đây chính là mô hình quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Trung trong nhiều năm qua.

Đối với ông Patrick Chovanec, giáo sư kinh tế ở đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, thì trong vai trò nước hỗ trợ tài chính cho châu Âu, Trung Quốc sẽ có lợi về mặt chính trị và ngoại giao, mặc dù các quan chức châu Âu tuyên bố là họ không có hứa hẹn gì với Trung Quốc, ví dụ thừa nhận nền kinh tế thị trường của Trung Quốc hay bãi bỏ lệnh cấm vấn bán vũ khí cho Bắc Kinh. Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng không thể tiếp tục gây sức ép, ít nhất là không ở mức độ mạnh mẽ như trước, đối với Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ.

Ông Alistair Thornton, chuyên gia về Trung Quốc tại cơ quan phân tích, dự báo kinh tế IHS Global Insight lại cho rằng ” hình ảnh một nước đang phát triển cứu vớt một nước phát triển khỏi bị phá sản dường như cũng đủ để Trung Quốc đề xuất sẵn sàng trợ giúp ».

Theo tin rfi

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc