Home » Xã hội » Dùng ra đa xuyên đất để dò ‘hố tử thần’
Nhiều chuyên gia trong ngành cầu đường, giao thông vận tải đã đồng tình với phương pháp dùng ra đa xuyên đất (GPR) để dò các công trình ngầm, trong đó có hố tử thần.

Tại hội thảo về các phương pháp khả thi trong việc xác định các công trình ngầm, hố ngầm trên địa bàn TP HCM, ngày 12/1, tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên, trường Đại học Quốc tế TP HCM (RMIT) đã trao đổi về cơ chế hoạt động của GPR.

Theo đó, ra đa xuyên đất dùng để nghiên cứu đặc tính của vật chất tầng nông bên dưới mặt đất, có khả năng phát hiện các lỗ hổng và khe nứt tự nhiên, xác định vị trí các vùng đất lún, địa tầng.

Cũng theo ông Uyên, phương pháp GPR đã được kiểm chứng ở nhiều nước tiên tiến. Nhiều cơ quan giao thông các nước phương Tây đã áp dụng hiệu quả để phát hiện và bảo trì hệ thống mặt đường lưu thông. “Phương pháp này có nhiều ưu điểm trong việc chụp ảnh các vật thể hoặc cấu trúc dưới lòng đất. Tuy nhiên, khó khăn trong việc sử dụng là nước ta chưa có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này”, ông Uyên nói.

Các công nhân ngành giao thông đang đào một vị trí tình nghi là có hố tử thần tại vòng xoay Hòa Bình, quận 11. Ảnh: An Hội.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Khánh Lân, giảng viên trường Đại học GTVT TP HCM, thực chất có hàng chục phương pháp đã được áp dụng trong việc dò tìm các công trình ngầm. Tuy nhiên, đây là phương pháp mang nhiều tính khả thi nhất so với các phương pháp khác, lại phù hợp với thực trạng nền đất yếu và đang có dấu hiệu lún sụt ở TP HCM.

PGS – TS Đặng Hữu Diệp phân tích thêm, ngoài 64 hố tử thần đã được phát hiện ở TP HCM trong thời gian qua, hiện tượng hố ngầm, sụt lún nền đất trên địa bàn hiện còn hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều hố tử thần còn đang ở dạng hang rỗng chưa bộc lộ thành hố. Ngoài ra còn nhiều hố đang tiếp tục hình thành nằm tiềm ẩn ở nhiều dạng khác nhau.

Cũng theo ông Diệp, với các hố sụt tiềm ẩn đang ở dạng manh nha chưa hình thành rõ rệt nhưng có khả năng phát triển, cần phải áp dụng biện pháp đề phòng bằng cách tổ chức theo dõi tình trạng mặt đường, kịp thời phát hiện những dấu hiệu khả nghi. Kèm theo đó là chú trọng ở những nơi nước dễ thấm bên dưới nền đất, những tuyến ống, đường ống kém chất lượng tạo đường cho nước chảy ra, từ đó sẽ có những phương án cụ thể.

Ông Lê Hoài Quốc, Phó giám đốc Sở Khoa học – công nghệ TP HCM kiến nghị Sở GTVT cần trắc nghiệm độ chính xác của thiết bị tại một số điểm, từ đó rút tỉa kinh nghiệm trước khi triển khai rộng.

“Để chẩn trị căn bệnh lún sụt TP HCM cần thành lập một trung tâm chuyên nghiên cứu và xử lý các dữ liệu cầu đường, tổng hợp thông tin và chương trình quản lý hệ thống giao thông đô thị trên toàn thành phố bằng dữ liệu điện tử. Từ đó, sẽ dễ dàng phát hiện và xử lý tình trạng lún sụt mặt đường”, ông Vũ Đức Thắng – Hội khoa học kỹ thuật TP HCM đề xuất tại hội thảo.

Trước đó, TP HCM cũng tiến hành thử nghiệm máy địa bức xạ để truy tìm ‘hố tử thần” nhưng chưa đem lại kết quả.

Vĩnh Phú

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc