Home » Xã hội » Một mình lái xuồng cứu 400 người giữa dòng lũ
Giữa mênh mông nước lũ, chiếc xuồng nhỏ do chiến sĩ Lê Đình Đức điều khiển vướng vào dây điện và có thể lật úp. Để bảo vệ 3 cụ già, anh Đức đã bơi ra dòng nước xoáy đẩy xuồng và suýt bị nước cuốn trôi.

Qua hai đợt lũ lịch sử năm 2010, sau hàng chục lần đối mặt với hiểm nguy, thượng úy Lê Đình Đức, nhân viên lái xuồng của Ban chỉ huy quân sự huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã cứu được gần 400 người khỏi tay tử thần. Đặc biệt trong đêm 18/10/2010, hơn 200 người dân vùng ngập sâu của các xã Đức Hương, Đức Liên, Đức Bồng, Đức Linh, Đức Giang, Ân Phú đã được người lái xuồng cứu sống.

Giọng nói nhỏ nhẹ, tác phong nhanh nhẹn, đôi mắt cương nghị, thượng úy Lê Đình Đức khiến mọi người khâm phục khi kể về những lần lái xuồng cứu dân tại hội nghị tuyên dương điển hình thanh niên cứu lũ do Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức tại Nghệ An vừa qua.

Lực lượng quân sự huyện Vũ Quang đi cứu dân trong đêm 18/10/2010.

Nằm cạnh sông Ngàn Sâu, toàn bộ các xã của huyện miền núi Vũ Quang đều bị lũ lịch sử nhấn chìm, nhiều khu dân cư ngập sâu lút nóc đến cả mét. Ngày 5/10/2010, mưa như trút, nước lớn cuồn cuộn đổ về từ thượng nguồn nhấn chìm hàng nghìn hộ dân các xã nằm bên sông gồm Đức Hương, Đức Liên, Đức Bồng. Lê Đình Đức cùng đồng đội nhanh chóng có mặt ở vùng hiểm nguy để cứu dân. Suốt 3 ngày bám lũ, ăn mì tôm, uống nước suối, Lê Đình Đức đã đưa được hơn 100 người dân, chủ yếu là cụ già, phụ nữ và em nhỏ ra khỏi vùng nguy ngập.

Hai tuần sau đợt lũ lớn, người dân vùng ngập bắt đầu lục tục kéo về nhà thì trời lại tiếp tục mưa to. Trận mưa lớn nhất và kéo dài nhất trong vòng hơn 100 năm qua đã khiến cho toàn bộ huyện Vũ Quang bị cô lập hoàn toàn trong đêm 18/10/2010. Nghe tiếng kêu cứu từ những người dân buôn bán ở khu vực Chợ Bộng, xã Đức Bồng, Lê Đình Đức cùng đồng đội lại lái xuồng đi cứu dân.

“Trời mưa to, nước chảy xiết, đêm tối như mực, toàn bộ đèn pin đều bị ngấm nước, chúng tôi phải vừa chèo thuyền, vừa cố gắng nghe ngóng tiếng người rồi mò mẫm đến từng nhà để cứu dân. Hầu hết đều đứng chờ trên mái nhà, mái chạn”, thượng úy Đức nhớ lại.

Trong đêm đó, với chiếc xuồng nhỏ của đơn vị, một mình Lê Đình Đức đã cứu được hơn 200 người, trong đó có 4 cụ già trên 80 tuổi, một cụ 100 tuổi và 4 bà mẹ mới sinh con. Có nhiều cụ già chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào lớn như vậy, nghĩ chắc chắn sẽ chết nên quyết tâm ở lại để chết trong nhà chứ không chịu đi sơ tán. Anh Đức phải vừa thuyết phục, vừa phân tích, thậm chí phải cưỡng chế.

Một mình lái xuồng cứu dân giữa dòng lũ, rất nhiều lần anh Đức cận kề với cái chết, nhưng sự khôn khéo, bình tĩnh và may mắn đã giúp anh vượt qua. Sáng 19/10/2010, khi đang lái xuồng nhỏ đến xã Đức Hương, chiếc thuyền chở theo 3 cụ già đột nhiên chết máy rồi rơi vào dòng nước xoáy, chân vịt vướng vào dây điện khiến xuồng có nguy cơ lật.

Với kinh nghiệm sông nước, Lê Đình Đức yêu cầu mọi người bình tĩnh, còn anh nhảy xuống dòng lũ từ từ nâng chân vịt của xuồng ra khỏi dây điện và đẩy xuồng lao qua dòng nước xoáy. “Sau nhiều lần phải làm như vậy, có lúc tôi bị nước cuốn chìm nhưng nhờ có áo phao và biết bơi nên lại tìm cách nổi lên và leo lên thuyền”, anh Đức chia sẻ.

Lần khác, khi đang đi xuồng tới xã Đức Bồng, đến đoạn ngập sâu nhất, anh Đức nghe thấy tiếng kêu từ mọi phía, trời tối đen như mực, mưa như rây bột. Rọi đèn vào một ngôi nhà, anh thấy hai cụ già đang ôm nhau nằm co ro trên gác, quyết không chịu sơ tán. “Đến khi nước đổ lên nhanh, cụ bà bị nước cuốn ra khỏi nhà, không kịp suy nghĩ nhiều, tôi bơi ra dòng nước xoáy, ôm lấy người bà cụ đưa lên thuyền rồi tiếp tục trèo sang nhà, bế cụ ông ra. Chính sự liều lĩnh đã giúp tôi cứu được 2 cụ già”, Đức nhớ lại.

Thượng úy Lê Đình Đức. Ảnh: Nguyên Khoa.

Với chiếc xuồng máy, suốt hai ngày 18 và 19/10/2010, Lê Đình Đức đi lại như con thoi đến những vùng ngập sâu. “Có lúc chiếc thuyền đi theo quán tính, bị trôi vào vùng nước xoáy. Đang chưa biết xử lý thế nào thì nghe tiếng bà con kêu cứu tứ bề, bật đèn pin lên rọi thì thấy nhiều em nhỏ đang bám trên ngọn cây. Nếu nổ máy thì xuồng sẽ tạo sóng đánh ngã các em, vì thế chúng tôi phải tắt máy, gác chân vịt lên và chèo bộ hoặc để thuyền trôi tự do rồi tìm cách đi đến các ngọn cây để đưa các em lên bờ”, Đức nhớ lại.

Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, toàn bộ tỉnh Hà Tĩnh đều ngập chìm, trong đó huyện Hương Sơn, quê hương của Lê Đình Đức là một trong những vùng ngập nặng nhất. Đang lặn lội đối mặt với cái chết để cứu người giữa dòng nước lũ, anh nhận được những lời kêu cứu từ quê nhà, nước lũ đã tràn vào nhà, bố mẹ già, vợ và hai con nhỏ đang vật lộn chống chọi.

Anh kể nhiều lúc định bỏ việc, quay về nhà cứu bố mẹ, vợ con. Nhưng thấy nhiều người đang vật lộn trên nóc nhà, bám vào ngọn tre, vào cành bạch đàn nên anh lại tiếp tục bơi thuyền đi cứu. “Tôi biết rằng làm thế là có lỗi với cha mẹ, vợ con, nhưng thấy chết trước mắt mà không cứu lại càng có lỗi. Vả lại tôi biết ở huyện Hương Sơn, những chiến sĩ như tôi cũng đang nỗ lực lái xuồng đi cứu người”, người lính 35 tuổi cho biết.

Hà Nguyên Khoa

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc