Home » Xã hội » Lũ các sông từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi và Ðác Lắc đang lên
Các tỉnh Nam Trung Bộ khắc phục hậu quả mưa lũ * Tuyến đường Ðà Lạt-Nha Trang chưa thông xe

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi và Ðác Lắc đang lên; riêng sông Krông Ana xuống chậm và còn ở mức cao. Dự báo, lũ trên các sông từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi và Ðác Lắc tiếp tục lên, sông Krông Ana tiếp tục xuống nhưng còn ở mức cao. Lũ các sông ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi dao động ở mức báo động (BÐ)1-BÐ2; sông Srê-pốc tại Bản Ðôn lên 173,5 m, trên BÐ2: 0,5 m; sông Krông Ana tại Giang Sơn xuống 425,1 m, trên BÐ3: 0,1 m; các sông ở Quảng Nam dưới mức BÐ1. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Ngãi và Ðác Lắc.

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Ðác Lắc đã làm 23 người chết, hai người mất tích; 26.225 nhà ngập, hư hại, 1.868 nhà đổ, sập, trôi. Ban chỉ đạo PCLB T.Ư đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến mưa, lũ, chủ động đối phó với mọi tình huống, khắc phục hậu quả của mưa lũ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện và vật tư để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; sửa chữa đường giao thông, nhanh chóng thông xe tại các điểm bị ách tắc. Ðồng thời vệ sinh môi trường, huy động các lực lượng giúp dân ổn định đời sống, sản xuất tại những khu vực nước lũ đã rút.

Theo Vụ Quản lý công trình Thủy lợi, các hồ thủy lợi từ Quảng Nam đến Phú Yên hiện đang có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường 2-6 m, đều đang xả lũ theo quy trình và vẫn an toàn. Một số hồ có tràn tự do mực nước đã vượt qua đỉnh tràn 15-25 cm. Hồ sông Ba Hạ, lưu lượng xả đã giảm xuống 1.000 m3/giây, mực nước đang ở cao trình 104,88 m. Tại tỉnh Bình Ðịnh, tình trạng ngập sâu vùng đồng bằng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Kôn đã giảm; phía đông các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát ngập nhẹ, một số điểm cục bộ ngập sâu…

Tập trung sửa chữa đường giao thông và vệ sinh môi trường

Bộ Giao thông vận tải có công điện chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai phương án đối phó diễn biến của mưa, lũ; bảo đảm giao thông thông suốt. Hiện nay, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn ách tắc giao thông cục bộ ở một số tuyến đường tỉnh và giao thông nông thôn. Nhiều tuyến như quốc lộ 1A, 26, 27, tỉnh lộ bị hư hỏng khá nghiêm trọng. Tại Bình Ðịnh, tuyến tỉnh lộ 629, huyện lộ vẫn ngập sâu 0,3-1,1 m. Tại Phú Yên các tuyến đường liên xã tại huyện Tây Hòa, Tuy An bị ách tắc. Còn tại Ðác Lắc, nhiều tuyến đường liên xã, thôn bị chia cắt cục bộ.

Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh Nam Trung Bộ đang bị ảnh hưởng do mưa lũ tiếp tục triển khai công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, khẩn trương có kế hoạch khắc phục khi nước rút, bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế không để dịch bệnh lây lan, chủ động trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa lũ gây ra. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát lại thiệt hại do mưa lũ, thống kê số lượng cơ số thuốc, hóa chất dự trữ để chủ động phục vụ công tác PCLB… Từ 4-10 đến 4-11, Bộ Y tế đã hỗ trợ 800 cơ số thuốc, 2.300 áo phao, 700 phao tròn, 2,1 triệu viên thuốc CloraminB, 9.565 kg CloraminB dạng bột, 900 lít Delta Uk (hóa chất diệt côn trùng), 498 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn… cho các tỉnh miền trung để ngăn chặn, đối phó với dịch bệnh sau lũ.

UBND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) và ngành điện đang khẩn trương đưa điện về hai xã Sơn Lâm và Thạch Sơn sau gần một tuần bị cắt điện do mưa lũ. Hiện tại, hai xã này có khoảng 6.000 dân vẫn đang bị chia cắt với bên ngoài vì đường sạt lở nặng, đá lấp cầu tràn tạo thành dòng chảy mới, không thể đi lại. Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, đang thống kê tình hình cung cấp nước sạch, số nguồn nước sau lũ… để tiêu độc, khử trùng. Sở đã dự phòng 700 kg bột và 150.000 viên thuốc cloramin B, cùng với 80 cơ số thuốc để đưa về các địa phương bị ngập lụt xử lý nguồn nước. Ngày 6-11, hơn 2.500 đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa đã dọn vệ sinh bãi biển Nha Trang. Công ty môi trường đô thị Nha Trang cũng huy động hơn 20 xe ô-tô tải, 100 công nhân phối hợp cùng thu dọn, trả lại môi trường sạch đẹp cho thành phố.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc mưa đã giảm, trong đó các vùng phía đông, mực nước sông Krông Păk, Krông Bông, Krông Năng đang giảm dần, nhiều tuyến đường đã được lưu thông. Bà con nông dân đang khẩn trương tận thu ngô và hoa màu; dọn dẹp và sửa chữa nhà cửa. Chính quyền các địa phương huy động lực lượng sửa chữa đường giao thông, kênh mương bị sạt lở, đồng thời dọn vệ sinh, làm sạch đường làng, chủ động phòng dịch bệnh cho người và vật nuôi. Ðến ngày 5-11, tuyến đường Ðà Lạt-Nha Trang vẫn chưa thông xe cho nên nhiều phương tiện giao thông vẫn phải nằm chờ ở hai đầu đoạn đường gây tắc nghẽn giao thông. Hiện tại trên tuyến đường này có một số đoạn bị nứt gãy, sụt lún đến 1/2 chiều ngang của đường, có điểm nguy cơ đất đá trên đồi tiếp tục sạt xuống là rất lớn.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao nhiệm vụ cho Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi phối hợp chính quyền địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục để xử lý nghiêm đối với tàu cá của ông Ðỗ Văn Kha và ông Ðỗ Văn Quang thôn Ðịnh Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tự ý vượt trạm kiểm soát chở hàng hoá ra đảo Lý Sơn 4-11 trong lúc sóng to, gió lớn bất chấp sự can thiệp của các lực lượng chức năng. Tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm soát tại các khu vực cảng biển, kiên quyết không để tàu thuyền xuất bến khi thời tiết trên biển còn diễn biến phức tạp. Chiều 6-11, UBND huyện Ðức Phổ cho biết, nước sông Trà Câu lên rất nhanh đã làm hàng trăm nhà dân ở các xã Phổ Văn, Phổ Ninh, Phổ Minh, Phổ Vinh bị ngập sâu. Riêng sáu khu dân cư ở thôn Vĩnh Tuy, Tấn Lộc thuộc xã Phổ Châu, do nước ở thượng nguồn đổ về quá mạnh đã làm 120 ngôi nhà ngập nước 1-2m. UBND huyện chỉ đạo các xã tổ chức giúp dân di chuyển đến nơi an toàn.

Tại huyện Nam Ðàn (Nghệ An) mưa lũ đã làm 2.000 ha ngô, hơn 800 ha rau màu và gần 1.000 ha cá vụ ba bị mất trắng. Ngay sau khi nước rút, huyện đã bố trí cây trồng hợp lý giúp nhân dân khôi phục sản xuất. Ðể giúp nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, ngoài hỗ trợ của tỉnh về giống ngô, rau, lúa lai, lạc, phân bón, huyện còn hỗ trợ 100% giống cho những hộ trồng ớt cay xuất khẩu.

Chiều 6-11, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Ngô Gia Ngãi cho biết, người dân trong xã đã vớt được một thi thể nữ bị phân hủy, được nghi là nạn nhân vụ chìm xe khách tại tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình nạn nhân từ tỉnh Thanh Hóa đến nhận ra thi thể người thân qua chiếc áo đang mặc và chiếc nhẫn bạc. Nạn nhân được xác định là Ðỗ Thị Phương, 17 tuổi, quê Thanh Thủy, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Hiện thi thể đã được chính quyền và nhân dân xã Ngư Thủy Trung mai táng tại địa phương.

Mưa lớn làm vỡ đê bao, sạt lở bờ sông ở các tỉnh phía nam

Mưa lớn kết hợp triều cường ngày 5-11 làm hơn 10 m đê bao Rạch Cầu Quán, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh) bị vỡ làm hơn 100 hộ dân sinh sống tại đây hoang mang. Ngay sau khi sự cố xảy ra, phường đã huy động 100 người cùng nhân dân di dời tài sản của hơn 100 hộ dân, đồng thời dùng bao cát đắp phần bờ bao bị vỡ nhưng mực nước trong sân của các hộ dân vẫn còn cao hơn 0,5 m. Hiện nay có 48 đoạn kênh rạch lớn trên địa bàn huyện Cái Bè (Tiền Giang) nằm đầu nguồn sông Tiền bị sạt lở nặng với tổng chiều dài hơn 2.800 m. Ngoài các tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp, sông Cổ Cò, sông Cái Cối… đang bị sạt lở nặng trên thì còn có hàng trăm điểm sạt lở nhỏ dọc theo các tuyến kênh khác. Những ngày qua, các bờ sông trên địa bàn thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), đang bị sạt lở và sụt lún nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Nghiêm trọng nhất là tuyến đường Trần Hưng Ðạo – Lê Lợi bị sạt lở và lún sụp đất, xuất hiện nhiều vết nứt đe dọa khoảng 80 căn nhà với hơn 400 người đang sinh sống. Tỉnh đã có văn bản yêu cầu thị xã Ngã Bảy triển khai các biện pháp để chống sạt lở. Những ngày gần đây, tại TP Cà Mau (Cà Mau), có mưa lớn làm cho nhiều đoạn đường bị ngập, có nơi hơn 1 m, khiến nhiều nhà dân bị ngập sâu. Ngày 6-11, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn hầu như bị chìm trong nước. Mực nước lên cao gần 1 m so với bình thường khiến cho các phương tiện giao thông tại đây hoàn toàn bị tê liệt.

Tiếp tục ủng hộ đồng bào miền trung khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngày 6-11, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân nữ Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh đến Quảng Bình thăm và tặng 300 suất quà, trị giá 90 triệu đồng cho người dân vùng lũ xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) và hai trường mầm non xã. Cũng trong dịp này, đồng chí Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Quỹ Vừ A Dính đã tặng 200 suất quà trị giá 40 triệu đồng hỗ trợ học sinh vùng lũ Quảng Bình.

Ðến nay TP Hải Phòng đã quyên góp được hơn bốn tỷ đồng và hàng trăm tấn quà ủng hộ đồng bào các tỉnh miền trung khắc phục hậu quả lũ lụt. Tỉnh Hải Dương hỗ trợ 800 triệu đồng ủng hộ bốn tỉnh Phú Yên, Bình Ðịnh, Ninh Thuận và Khánh Hòa. Chùa Vĩnh Nghiêm đã tổ chức nhận hàng cứu trợ và đưa 40 tấn hàng chuyển về bà con vùng lũ miền trung. Ðoàn công tác của Vinamilk đã trao 200 suất quà cho người dân bị thiệt hại nặng tại xã Quảng Minh (Quảng Trạch, Quảng Bình). Tại đây đoàn đã trao năm chiếc thuyền Composite cho lãnh đạo huyện Quảng Trạch để phân bổ về các thôn cồn nổi trên sông Gianh phục vụ công tác PCLB. Tỉnh Khánh Hòa đã nhận được gần sáu tỷ đồng và nhiều hàng hóa gửi về cứu trợ đồng bào lũ lụt. Tỉnh Bình Ðịnh đã cứu trợ khẩn cấp 650 thùng mì tôm và 400 chai nước uống tinh khiết cho nhân dân xã Phước Thắng bị thiệt hại nặng do lũ lụt. Tại Hội thi ‘Tiếng hát sinh viên’ toàn quốc lần thứ 11 năm 2010 khu vực phía nam tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, ban tổ chức đã quyên góp được hơn 200 triệu đồng giúp đồng bào và học sinh, sinh viên miền trung. Tỉnh An Giang đã chuyển 300 triệu đồng giúp cho bà con các tỉnh miền trung. Ðoàn cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế Công ty International SOS Việt Nam đã khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho hơn 600 người là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, trẻ em vùng lũ xã Tân Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Hội từ thiện chùa Phước Anh tại Bình Thuận đã trao 300 suất quà cho 300 hộ nghèo bị ảnh hưởng trong đợt lũ vừa qua tại xã Xuân Sơn Nam, huyện Ðồng Xuân. Tổng công ty May 10 đóng góp 262 triệu đồng tiền mặt và quần áo, sách vở trị giá 233 triệu đồng ủng hộ các tỉnh miền trung.

Kiểm điểm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nghệ An và những cán bộ liên quan

Ngày 6-11, UBND tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ kiểm điểm, xử lý nghiêm, trước hết là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, sau đó là những cán bộ liên quan trong việc tiếp nhận và cấp phát hàng cứu trợ tới nhân dân vùng lũ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Ban cứu trợ tỉnh đã rút kinh nghiệm và có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện việc tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ chặt chẽ, chính xác, đúng quy định của luật pháp cũng như tấm lòng những tổ chức, cá nhân cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt.

Theo nhandan

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc