Home » Kinh doanh » ‘Tienphong Bank mục tiêu lợi nhuận tăng gấp 3′
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Tiên Phong cho biết, thay đổi nhân sự cấp cao tại nhà băng này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, với những kế hoạch tham vọng hơn.

– Ngay những ngày đầu năm mới, vì sao Tienphong Bank thay đổi một số nhân sự cấp cao?

– Thực ra, dự kiến thay đổi này đã được chuẩn bị từ trước, xuất phát từ nhu cầu phát triển của ngân hàng trong tình hình mới. Trước đây, anh Lê Đình Long là phó chủ tịch với công việc chính là tư vấn chiến lược và đóng vai trò thành viên độc lập trong hội đồng quản trị. Hiện tại, anh Long không giữ chức phó chủ tịch nữa nhưng vẫn thực hiện công việc tư vấn chiến lược cho Tienphong Bank. Còn việc thay đổi chức danh của anh Long do cơ cấu HĐQT có giới hạn về số lượng; vị trí phó chủ tịch cần thiết cho một đại diện cổ đông lớn.

Anh Hoàng Hữu Chiến, Giám đốc Tài chính không tiếp tục giữ vị trí tại Tienphong Bank để trở về Ban kiểm soát nội bộ của Tập đoàn FPT. Trước đó, anh Chiến được tăng cường cho ngân hàng trong giai đoạn đầu, giúp công việc vận hành ổn định khi mới đi vào hoạt động.

Anh Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc và anh Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn đã có những đóng góp rất lớn cho ngân hàng từ những ngày đầu thành lập. Tuy nhiên, khi HĐQT đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn; ngân hàng cần có những động lực và nhân tố mới. Điều này phù hợp với nguyện vọng cá nhân của 2 anh muốn thay đổi môi trường làm việc.

Tienphong Bank thay đổi nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Tienphong Bank thay đổi nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

– Các cổ đông phản ứng như thế nào trước thay đổi này?

– Trước khi tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, kế hoạch thay đổi nhân sự cấp cao nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ hội đồng quản trị cũng như các cổ đông lớn chiếm hơn 60% cổ phần. Khi được nghe trình bày về nhân sự mới, cổ đông nhất trí đầu tư thêm, đưa vốn điều lệ đạt mức 3.000 tỷ đồng theo quy định mà không cần quyết định hoãn thời hạn tăng vốn của Ngân hàng Nhà nước. Việc Tienphong Bank có thể tăng vốn trong bối cảnh khó khăn như vậy (cuối năm 2010) thể hiện sự tín nhiệm rất cao của các cổ đông vào quyết định thay đổi của hội đồng quản trị.

– Ngoài ông Vũ Tú từ Phó tổng giám đốc được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, những nhân sự cấp cao mới là ai?

– Trước khi được bổ nhiệm, anh Tú đã có 20 năm kinh nghiệm làm ngân hàng. Anh đã làm Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và sau đó là Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Đại Dương.

Về vị trí Giám đốc Tài chính mới, người thay thế có kinh nghiệm 7 năm làm kế toán trưởng ở một ngân hàng lớn. Còn với anh Hoàng Hữu Chiến, sau khi chuyển về Tập đoàn FPT, anh vẫn tiếp tục hỗ trợ Tienphong Bank vận hành công việc.

Sắp tới, hội đồng quản trị tiếp tục bổ nhiệm thêm 2-4 phó tổng giám đốc mới. Họ đều là nhân sự cấp cao đang công tác ở những tổ chức tài chính lớn tại Việt Nam, sẽ về Tienphong Bank vào cuối tháng 2.

Theo dự kiến, ban điều hành mới sẽ chính thức ra mắt vào cuối tháng 3, và khi nhìn vào đó, mọi người sẽ thấy tham vọng của Tienphong Bank trong giai đoạn phát triển kế tiếp.

– Với cơ cấu nhân sự cấp cao mới, Tienphong Bank có gì thay đổi ngay trong năm 2011?

– Mục tiêu trước mắt là năm 2011 lợi nhuận sẽ tăng 3 lần so với 2010, cổ tức tăng tối thiểu 1,5 lần, vốn điều lệ cũng tăng 1,5 lần, hệ thống mạng lưới tăng hơn 3 lần. Về định hướng đầu tư, chúng tôi sẽ tăng cường mạnh cho công nghệ với khoản tiền dự kiến lên tới 20 triệu USD. Các dịch vụ được phát triển tiếp theo sẽ dựa trên nền tảng công nghệ lõi hiện đại.

Chúng tôi tin rằng, khoản đầu tư mang tính chiến lược này sẽ phát huy hiệu quả và giúp thay đổi vị thế của ngân hàng trong thời gian tới. Về kinh nghiệm thành công, Tienphong Bank có thể rút ra nhiều bài học từ việc đầu tư mạnh cho công nghệ lõi của Công ty chứng khoán FPT.

Hoàng Ly

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc