Home » Kinh doanh » Doanh nghiệp xăng dầu lại “đòi” tăng giá

“Từ ít nhất 8 tháng nay, một ngày chúng tôi lỗ vài chục tỷ đồng, mỗi lít xăng, dầu lỗ từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng” – Ngay từ những ngày đầu năm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã lên tiếng kiến nghị điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Vương Thái Dũng, phó Tổng giám đốc Petrolimex khẳng định, giá cơ sở và giá hiện hành của mặt hàng xăng dầu hiện nay đang chênh nhau từ 2 đến 3 nghìn đồng/lít, tương đương với mức chênh lệch 15% cho mặt hàng xăng và 17% cho mặt hàng dầu diesel.

Ông Dũng nhận định việc chênh này đã có từ rất lâu và doanh nghiệp cũng đã kiến nghị đến cơ quan nhà nước không chỉ 1 lần.

“Chúng ta nói vận hành theo cơ chế thị trường nhưng trên thực chất trong năm 2010 vừa qua, cơ quan nhà nước điều hành giá, mà cụ thể là Bộ Tài chính điều hành giá chứ doanh nghiệp không điều chỉnh giá”, ông Dũng nhận xét.

Do đó, người đại diện cho công ty Petrolimex cũng kiến nghị các cơ quan nhà nước “thực hiện theo nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu” bởi “giá xăng dầu này cả năm đã chênh như thế này rồi, đặc biệt là 6 tháng cuối năm”.

Ông Dũng cũng cho rằng: “Đây là chuyện công khai minh bạch. Và với con số thế này, một ngày chúng tôi lỗ vài chục tỷ, mỗi lít xăng lỗ 2000 đồng đến 3000 đồng. Một năm, chúng tôi bán khoảng 7 triệu tấn m3, nên mức độ lỗ lớn như thế nào”.

Doanh nghiệp xăng dầu lại

Kêu lỗ. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại “đòi” tăng giá!

Với thái độ khá bức xúc, lãnh đạo Petrolimex cho rằng: “Các cơ quan quản lý nhà nước đang điều hành giá xăng dầu 1 cách rất hành chính, rất áp đặt trong khi đó nghị định 84 Thủ tướng kí là vận hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường”. Ông Dũng thừa nhận “Ở những thời điểm cần thiết, Nhà nước có thể dùng các biện pháp để bình ổn thị trường” nhưng ông này cũng cho rằng việc bình ổn “phải có thời gian chứ không phải bình ổn suốt một năm” bởi “cái lỗ của doanh nghiệp ai chịu trách nhiệm?”.

Khi được hỏi về khả năng tăng giá xăng dầu, đại diện Petrolimex cho rằng: “Chúng ta phải chấp nhận thực tế đó thôi, doanh nghiệp không muốn tăng giá làm gì cả nhưng rõ ràng, tất cả mọi thứ công khai, giá chênh lệch cao như thế, bản thân doanh nghiệp cũng nhập của nước ngoài về bán, ai cũng không muốn điều chỉnh tăng, thậm chí muốn hạ bớt nhưng trên thực tế chúng ta phải chấp nhận vì thế giới đã hình thành mặt bằng giá mới” và “nếu không điều chỉnh giá thì doanh nghiệp sẽ không chịu đựng nổi nữa”.

Cũng “than lỗ” nhưng ông Vương Đình Dung, Giám đốc công ty xăng dầu Quân đội có quan điểm nhẹ nhàng hơn. Ông Dung cho biết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì bị lỗ suốt mấy tháng nay. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp thông cảm với nhà nước phải bình ổn giá nhưng cũng yêu cầu các bộ ngành của chính phủ quan tâm lo tình hình tài chính cho doanh nghiệp, xử lý những tồn đọng về nợ lỗ, không để kéo dài cái bù giá, bù lỗ như hiện nay.

Về việc điều chỉnh giá, lãnh đạo công ty xăng dầu quân đội cho hay doanh nghiệp này chưa kiến nghị điều chỉnh giá nhưng đề nghị “nếu không tăng giá thì đảm bảo bù giá cho doanh nghiệp” còn không ngược lại “nếu không bù thì phải tăng giá” nhưng ông Dung cho cho rằng “đã là kinh doanh nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động”.

Trao đổi với phóng viên về việc doanh nghiệp xăng dầu than lỗ và yêu cầu điều chỉnh giá, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính – Nguyễn Tiến Thỏa cho biết hiện nay quỹ bình ổn giá chung thì còn nhưng quỹ của từng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ thì không còn nên mức chênh lệch giá cơ sở và giá thực tế cao hơn. Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo của các doanh nghiệp và đang chuẩn bị họp bàn để có các điều chỉnh trong tình hình giá xăng dầu thế giới tăng cao.

“Bộ đang tiếp tục sử dụng các biện pháp tài chính, có phí thuế quỹ bình ổn giá nhưng trong tình hình giá thế giới tiếp tục tăng cao gây ra chênh lệch giá cơ sở và giá hiện hành cao hơn nữa mà các công cụ tài chính đã sử dụng hết mà vẫn không bù được thì phải tính toán tới xem xét giá theo quy định của nghị định 84”, ông Thỏa nhận định.

Hiện nay giá xăng dầu thế giới đang diễn biến theo chiều hướng tăng. Do đó, để ổn định giá trong nhiều tháng qua, Nhà nước và người tiêu dùng đã phải bỏ ra khoảng 11.000 tỷ đồng thông qua việc giảm thuế khoảng 7.500 tỷ đồng, sử dụng Quỹ bình ổn giá khoảng 3.500 tỷ đồng.

Hiện giá xăng thành phẩm nhập khẩu tại thị trường Singapore đang đứng ở mức rất cao với 104,97 USD/thùng. Và theo tính toán của Petrolimex – doanh nghiệp chiếm trên 60% thị phần, với giá nhập khẩu này, sau khi trừ đi các khoản thuế, phí, doanh nghiệp lỗ từ 2.000 đến 3000 đồng/lít cho các mặt hàng xăng dầu.

Theo VTC News


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc