Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Muốn nhập khẩu nội thành Hà Nội phải có chỗ ở hợp pháp
Sáng 15/2, phần lớn ủy viên Thường vụ Quốc hội tán đồng với bản dự thảo luật thủ đô lần cuối, trừ quy định về điều kiện nhập khẩu vào nội thành.

Theo dự thảo, công dân muốn đăng ký thường trú tại nội thành sẽ phải có việc làm và chỗ ở hợp pháp. Trường hợp chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Ngoài ra, công dân cần tạm trú liên tục tại nơi đề nghị được đăng ký thường trú ít nhất là 3 năm.

HĐND thành phố được ban hành một số chính sách, như hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân để phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông và yêu cầu quản lý của thủ đô; thu phí lưu thông đối với một số phương tiện ở nội thành nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và yêu cầu quản lý của thủ đô.

Dự luật cũng cho phép trong một số lĩnh vực an ninh, trật tự và an toàn xã hội, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông, thành phố được áp dụng mức xử phạt tiền cao không quá 2 lần so với mức xử phạt chung cho cả nước đối với một hành vi vi phạm hành chính ở nội thành.

Ngoài ra, dự luật thủ đô đưa ra một số đặc thù như khi lập quy hoạch trục đường mới trong đô thị thì phải lập quy hoạch tối thiểu 50 m mỗi bên, kể từ chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến. Khi làm đường sẽ thu hồi đất hai bên để sử dụng với mục đích phục vụ lợi ích công cộng.

Với sự xuất hiện hàng loạt khu đô thị mới, dân số ngày càng đông, Hà Nội mong muốn có một cơ chế để kiểm soát nhập cư. Ảnh: Hoàng Hà.

Dù là dự thảo lần cuối, chuẩn bị trình Quốc hội để thông qua trong kỳ họp đầu năm nay, nhiều ủy viên Thường vụ Quốc hội vẫn phân vân với quy định chặt chẽ về hộ khẩu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, không nên phân biệt đối xử các tầng lớp dân cư, dù là công nhân vệ sinh, người thu mua phế liệu, song đều đóng góp cho xã hội, con cái của họ cần học hành, đi bệnh viện. Quy định như dự luật sẽ gây khó khăn cho người dân. Bà Mai lấy dẫn chứng, ở tỉnh Bình Dương có hàng triệu người nhập cư song có người đến 10 năm chưa được nhập khẩu.

Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nhận xét có những gia đình hai vợ chồng đưa nhau lên thành phố bán hàng rong, vừa kết hợp trông con học đại học. Rõ ràng là họ cư trú có điều kiện, rất hợp lý, mà theo quy định thì gia đình này thuộc cư trú không cố định.

“Thế nào là lao động hợp pháp, nếu chỉ quy định là làm việc tại các cơ quan thì không hợp lý. Nếu không vì mưu sinh thì người dân không đến Hà Nội vì đắt đỏ, khó sống. Nhà nước quản lý dân cư là để phục vụ người dân tốt hơn”, bà Thu Ba nói.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường cho rằng, không thể ngăn chặn được dòng lao động nhập cư vì dân số đóng góp cho sự phát triển kinh tế. Một số tỉnh có dân số giảm như Nam Định, Hòa Bình, Hà Tĩnh, kinh tế đã có chiều hướng giảm phát triển. “Hà Nội không thể ngăn cấm người dân vào nhập cư, có lãnh đạo nhiều năm không có hộ khẩu thành phố. Nếu làm chặt quá thì chúng ta không quản lý được dân”, ông Vang nói.

Ngoài ra, theo ông Vang, việc di dời 96 trường đại học với 660.000 sinh viên ra khỏi nội thành là rất khó, cần có lộ trình. Các trường có thể xây dựng thêm cơ sở bên ngoài để chống quá tải cho trường trong nội đô, làm sao để đảm bảo tiêu chuẩn diện tích trên mỗi sinh viên. Cũng như bệnh viện phải có tiêu chuẩn, các bệnh viện có thể mở rộng ra bên ngoài để giảm tải, không cần thiết phải di dời toàn bộ.

Ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, cho rằng các quy định HĐND thành phố có thể ban hành chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách, xây bãi đỗ xe thì đã có trong Luật giao thông. Tuy nhiên, thu phí giao thông trong nội thành là điểm mới và đặc thù.

Theo ông Bình, Hà Nội còn phải quy định rõ như không được đỗ xe hai bên đường phố. Ông lấy ví dụ, trên phố Lý Nam Đế mà gia đình ông ở, đường rất hẹp song hai bên luôn có ôtô đỗ gây ách tắc. Do vậy, cần có quy định đường nào được đỗ xe, đường nào không. Ngoài ra, cần phải trả lại hè phố cho người đi bộ, mặc dù quy định không được lấn chiếm song đường phố Hà Nội luôn bị người dân lấn chiếm để buôn bán.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận xét, việc khai thác quỹ đất ở Hà Nội rất khó vì giá đất cao nên việc quy định mở đường là lấy thêm 50 m hai bên rất khó khả thi.

Lắng nghe tất cả ý kiến, Phó chủ tịch Hà Nội Vũ Hồng Khanh phân trần Hà Nội rất cần cơ chế đặc thù để phát triển, như chính sách thu hút nhân tài thời gian qua không thực hiện được vì luôn bị Bộ Tư pháp “thổi còi” khi Hà Nội đưa ra các quy định vượt khung. Hay việc cụ rùa đã tồn tại ở hồ Hoàn Kiếm cả trăm năm qua, cần bảo vệ, đầu tư, khám sức khỏe… thì không có quy định.

Ông Khanh cho rằng, các tiêu chí về môi trường ở Hà Nội cần phải cao hơn các tỉnh thành… Sau khi Luật thủ đô ra đời, thành phố sẽ kiên quyết xử lý các nhà máy xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Chốt lại buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Hà Nội cần có chính sách đặc thù, cần xây dựng các quy định khác luật hiện hành. Nếu quy định nào trái với hiến pháp thì không đưa vào.

Dự thảo luật thủ đô sẽ tiếp tục được chính lý và sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 9.

Đoàn Loan

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc