Home » Chia sẻ, Tiêu biểu sideshow » Thịt cá voi – ngon lành hay cay đắng?
Trong lúc những người chủ trương bảo vệ môi sinh cho rằng cá voi là loài vật có dáng vẻ ‘oai vệ’, thông minh thì một số người Nhật lại rất thích loài cá này vì thịt của chúng thật ‘tuyệt vời ’. Với những người này, thịt cá voi có thể dùng để chế biến rất nhiều món, từ sa tế tới chiên, xào, hầm hoặc cắt thành những miếng mỏng để làm món sashimi ‘khoái khẩu’.

[title]

Tàu Steve Irvwin của Seapherd đụng tàu đánh cá voi Yushin Maru của Nhật Bản hồi đầu năm 2009 tại Nam Cực. Hai tàu đều cho rằng tàu bên kia tấn công trước. (Sea Shepherd/Reuters)

Trong lúc xung đột vẫn tiếp diễn hàng năm tại Nam Cực giữa các tàu đánh bắt cá voi Nhật Bản với những nhà hoạt động thuộc tổ chức Sea Shepherd (Người Chăn cừu Biển) thì ngay tại thủ đô Nhật Tokyo, ông Shintaro Sato, chủ nhà hàng Taruichi, vẫn đang ‘cống hiến’ cho thực khách thịt cá voi được chế biến thành 30 món ăn khác nhau.

Theo Mark Willacy, phóng viên đặc trách khu vực Bắc Á của Cơ quan Truyền thông Quốc gia ABC, đồng thời là người từng có dịp thăm nhà hàng này, ngay từ lúc bước vào nhà hàng Taruichi, chắc chắn thực khách phải để ý tới những bức tường treo đầy rẫy các bức tranh hình cá voi. Ấn tượng nhất của nhà hàng này là chủ nhân Sato cho treo ngay ở cửa ra vào một bộ phận sinh dục dài một mét của một con cá voi đực đã được phơi khô. Ông chủ nhà hàng Taruichi rất tự hào về ‘chiến lợi phẩm’ này.

Phóng viên Willacy gặp một số thực khách đang ăn và họ cho biết việc ăn thịt cá voi là chuyện bình thường vì đấy là những món ăn truyền thống của người Nhật. Những người này đặt vấn đề rằng việc ăn hay không ăn cá voi cho thấy sự khác nhau về văn hóa giữa người chủ trương ủng hộ hoặc chống đối. Có người hỏi phóng viên rằng nếu người Nhật yêu cầu người Úc đừng ăn thịt kangaroo hoặc người Anh đừng ăn cá và khoai tây chiên thì họ sẽ phản ứng ra sao.

Tuy nhiên, theo một tổ chức bảo vệ môi sinh Nhật Bản, không phải mọi người Nhật đều muốn ăn thịt cá voi mà thực ra số người ăn loại thịt này ngày càng giảm sụt. Ông Junichi Sato, nhân viên thuộc tổ chức Hòa bình Xanh Nhật Bản cho hay trong cuộc khảo sát do tổ chức thực hiện vào năm 2008, chỉ có 4 hoặc 5% người dân Nhật ăn thịt cá voi.

Tranh cãi gay gắt

Cuộc tranh cãi về vấn đề cá voi đã bùng nổ trên nhiều ‘mặt trận’ khác nhau, từ các phương tiện truyền thông đại chúng cho tới ngoài đại dương.

Một trong những tổ chức được nhiều người biết nhất trong lĩnh vực này là Sea Shepherd (Người Chăn cừu Biển). Đây là tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, được thành lập từ năm 1977 nhằm “hỗ trợ cho việc bảo vệ đời sống hoang dã ở đại dương trên toàn thế giới”.

Từ nhiều năm qua, Sea Shepherd vẫn thực hiện nhiều chiến dịch khác nhau công kích việc đánh bắt cá voi, đặc biệt nhắm vào Nhật Bản. Những tàu của tổ chức này thường xuyên ngăn chặn và gây trở ngại cho các tàu đánh cá voi của Nhật trong vùng Nam Cực.

Chủ nhân nhà hàng Taruichi cho phóng viên Mark Willacy biết hành động của tổ chức Sea Shepherd mang tính bạo động, bất hợp pháp và có tính cách khủng bố.

Lịch sử

Trên thực tế, việc đánh bắt cá voi, chủ yếu để lấy thịt và mỡ, đã bắt nguồn từ rất lâu, ít nhất cũng 3000 năm trước Công nguyên.

Cho tới đầu thế kỷ 20, cụ thể là vào cuối thập niên 1930, mỗi năm có tới 50,000 cá voi bị giết. Với thời gian, số lượng cá voi bị giết ngày càng nhiều tới nỗi người ta lo sợ chúng sẽ bị tuyệt chủng. Tới năm 1986, Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) đã ra lệnh cấm săn bắt cá voi với mục đích thương mại. Mục đích của lệnh cấm nhằm giúp loài này phục hồi lại số lượng sau nhiều năm bị đánh bắt quá mức. Các quốc gia và tổ chức chống lại việc đánh bắt cá voi, trong đó có Sea Shepherd, cho rằng số lượng loài này ngoài biển còn quá ít và vì vậy họ cho rằng cần tiếp tục lệnh cấm.

Những cuộc ‘đụng độ’ giữa các tàu đánh cá voi Nhật Bản với những tàu chở các nhà hoạt động chống lại việc đánh bắt cá voi vẫn diễn ra khá thường xuyên. Nhiều đoạn video do Sea Shepherd công bố cho thấy cảnh những tàu đánh cá voi khổng lồ của Nhật Bản đang chĩa những vòi rồng phun nước thẳng vào những con tàu nhỏ bé của Sea Shepherd đang tiến lại gần để không cho tàu đánh cá làm việc. Ngoài ra còn có những hình ảnh hoặc đoạn băng video cho thấy tàu của tổ chức này đụng vào tàu đánh cá voi Nhật.

Mặc dù các vụ đụng độ diễn ra hàng năm và mỗi bên đều đổ lỗi cho nhau sau mỗi vụ nhưng những lời cáo buộc của các bên đều rất khó kiểm chứng.

Nên biết, vì IWC chỉ ra lệnh cấm khai thác cá voi ở mức thương mại nên nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, được cấp chỉ tiêu đánh bắt một số lượng nhỏ và số cá voi này chỉ được dùng vào việc nghiên cứu. Tuy nhiên, tại Nhật, nếu thịt cá voi không dùng nghiên cứu thì được đem bán cho giới tiêu thụ.

Những người phản đối cho rằng đây chính là kẽ hở vì mục tiêu thực sự của các tàu săn bắt cá voi Nhật Bản là để bán cho người tiêu thụ chứ không phải để nghiên cứu.

Mùa săn bắt cá voi kéo dài từ khoảng tháng 12 cho tới hết tháng 2. Khi các đoàn tàu săn cá voi Nhật khởi hành xuống vùng Nam Cực thì cũng là lúc tàu của Sea Shepherd lên đường truy tìm tàu Nhật để tìm cách ngăn chặn không cho đánh bắt và vì thế đụng độ xảy ra.

Như vậy, thịt cá voi, đối với người này là món khoái khẩu, tuyệt vời, còn với người khác là nỗi cay đắng khi chứng kiến một loài vật có tính ‘oai nghiêm, đường bệ’ đang đi vào con đường tuyệt chủng.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc