Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Xâm nhập lãnh địa vàng ở Quảng Nam
Tình trạng khai thác vàng có phép và không phép ở Quảng Nam diễn ra phức tạp nhiều năm qua. Hoạt động này tạo ra những phận đời vì kế sinh nhai phải làm việc như khổ sai.

Làm phu vàng cho các doanh nghiệp khai thác vàng (có phép) đóng trên địa bàn huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) không hiếm các cô gái, đa phần là chưa chồng. Họ không có sức khỏe để khoét núi, đào hầm, quay tời, kéo quặng như nam giới, nhưng những việc họ làm cũng không kém nặng nhọc – tuyển quặng, đãi vàng, nấu nướng…

Làm thân chuột chũi

Nữ “phu vàng” tên Hồ Thị Ng (18 tuổi, quê huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đầu quân cho Công ty TNHH Phước Minh (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) hơn 8 tháng nay, tâm sự: “Thoạt đầu, do không quen với rừng thiêng nước độc, em đau ốm nhừ tử, có lúc tính chuyện bỏ về quê. Nhưng rồi sợ mất tiền công nên đành thôi. Làm ở đây, mỗi tháng được 1,5 triệu đồng, nhưng không được nhận theo tháng mà đến cuối năm mới được trả một lần. Em đành chống chọi với những cơn đau để tiếp tục làm việc. Tụi em chỉ biết quần quật làm lụng suốt ngày, còn việc sinh hoạt, vui chơi hầu như không có”.

Nghe tin lở núi Nước Vin (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) đè chết 13 phu vàng, một nữ "phu vàng" quê xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh tức tốc vượt sông Nước Vin tìm xác đồng nghiệp

Ngồi cạnh Ng, một nữ “phu vàng” khác là H.T.T (21 tuổi, cùng ở Nghệ An) tâm sự: “Không riêng gì tụi em mà hơn 100 phụ nữ đang lao động tại đây đều có hoàn cảnh đặc biệt, không ai giống ai, nhưng tụi em gặp nhau vì… nghèo”. Nói xong, T kéo khẩu trang che kín mặt và từ chối cho chúng tôi chụp hình.

Tại các bãi vàng ở khu vực Bãi Muối (xã Phước Thành), những miệng hầm rộng chừng 0,7m với vài cây gỗ chống ngang qua để chống sập, trong hầm sâu hun hút leo lét vài bóng đèn, muốn vào phải bò lom khom.

Một phu vàng tên Niêm (huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết, công nhân vào hầm lấy quặng phải thay nhau liên tục. Chỉ một hai giờ không lên là ngộp hơi, quỵ luôn. Bình quân mỗi ngày có khoảng 50 người chui ra chui vào trong cái “hang” này.

Một phu vàng cho biết, vào giờ cao điểm, dưới đáy hầm có hàng chục công nhân sống phận chuột chũi, lặng thầm xúc đất đá đổ lên xe tời để ròng rọc kéo ra. Bình quân mỗi giờ mỗi người thợ hầm đánh được khoảng nửa mét đất đá. Dưới hầm, nhiều khi khát khô cổ cũng phải cố mà chịu.

Muôn bề khổ sở

Sống trong lòng đất nhiều hơn ở ngoài, sức khỏe của thợ hầm vàng ngày càng bị đe dọa. Làm việc trong môi trường cực kỳ độc hại, độ rủi ro cao, nhưng công nhân không hề được trang bị bảo hộ lao động.

Những lán trại sơ sài được chủ bãi dựng tạm cho “phu vàng” trú ngụ qua đêm


Ở Công ty TNHH Phước Minh, nơi có hàng trăm lao động, nhưng khâu chăm lo sức khỏe, khám chữa bệnh cho công nhân gần như chưa được coi trọng. Nếu công nhân đau ốm đột xuất thì được chuyển đến trạm y tế xã.

Để quản lý nghiêm ngặt công nhân, công ty này đã đưa ra một số quy định như không tụ tập khuya quá 9 giờ đêm, không uống rượu, không ngồi căng tin quá 20 phút. Ông Ngô Văn Quang – Giám đốc Công ty TNHH Phước Minh cho biết, sở dĩ phải ra “nội quy sắt” với công nhân là vì từng xảy ra chuyện thợ hầm vàng uống rượu, xô xát đánh nhau và sẵn sàng lôi kéo tập thể bỏ về quê.

Hai năm trở lại đây đã xảy ra hàng trăm vụ sập hầm vàng làm chết, bị thương hàng trăm phu vàng. Chỉ tính riêng tháng 11.2010, đã xảy ra 30 vụ sập hầm, làm chết và bị thương 12 người. Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã khởi tố hàng chục vụ án hình sự sập hầm vàng làm chết người.

Theo ông Phạm Thế Quyền – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, trước đây, khi chưa cấp giấy phép khai thác vàng, dân tứ xứ đổ về “đại náo” cả miền đất vàng, từ đó kéo theo bao hệ lụy phức tạp về trật tự an ninh, chính quyền khó kiểm soát được các tệ nạn mại dâm, ma túy. Nhưng, khi đã cấp giấy phép, doanh nghiệp nào cũng lo quản lý nên địa bàn ổn định hơn.

Trả lời chuyện các phu vàng bị vắt kiệt sức lao động đang diễn ra hàng ngày, Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp khai thác vàng trên địa bàn huyện Phước Sơn đều vi phạm Luật Lao động, đều lén lút sử dụng lao động vị thành niên, hoặc lạm dụng lao động từ 15-18 tuổi làm những việc nặng nhọc.

Số lượng lao động được ký kết hợp đồng lao động và tham gia chế độ BHXH chỉ mới đạt dưới 40%. Mặt khác, chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo hộ khẩu người lao động, nên doanh nghiệp thường sử dụng lao động trên thực tế nhiều hơn so với danh sách đăng ký.

Công tác an toàn vệ sinh lao động; các phương tiện về sơ cứu, cấp cứu còn hạn chế; chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt về lao động. Công tác chăm sóc sức khỏe, y tế cho người lao động hầu như không được thực hiện.


Theo 24h

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc