Home » Thời nay, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Chuyện một dân tộc thiểu số hiếu học nhất VN
Một số nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng, tỉ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng của người dân tộc thiểu số Hà Nhì cao nhất trong 54 dân tộc ở Việt Nam.

Kỳ 1: Cô gái đầu tiên rời ngã ba biên giới đi tìm con chữ

Theo thống kê sơ bộ của nhà nghiên cứu dân tộc học Chu Thùy Liên và một số nguồn tin từ Ban Tổ chức tỉnh ủy Điện Biên, hiện tại, hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu có khoảng 350 cán bộ là người Hà Nhì. Hầu hết số cán bộ này có trình độ cao đẳng và đại học trở lên, trên tổng số 12.000 người Hà Nhì ở hai huyện Mường Nhé và Mường Tè. Qua con số trên, một số nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng, tỉ lệ người có trình độ đại học, cao đẳng của người dân tộc thiểu số Hà Nhì cao nhất trong 54 dân tộc ở Việt Nam! Tác giả đã vào tận khu vực ngã ba biên giới thuộc huyện Mường Nhé và Mường Tè để tìm hiểu vì sao dân tộc thiểu số này lại học giỏi như vậy.

Trường học ở “ngã ba biên giới”.

Xã Chung Chải, Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên), Mù Cả, Thu Lũm, Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) là địa bàn của người Hà Nhì. Khác với tưởng tượng của tôi, cuộc sống của người Hà Nhì ở nơi tận cùng Tổ quốc này không đến nỗi quá nghèo đói, quá lạc hậu. Người Hà Nhì chăm chỉ lao động, cần kiệm, lại có chí tiến thủ nên không những họ biết cách bắt mảnh đất màu mỡ, rộng lớn này sinh ra nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào mà còn biết thoát ra khỏi xứ sở “khỉ ho cò gáy”, nơi một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe, để tiến xa hơn nữa.

Dựng lều học chữ cho con ở xã Chung Chải (Mường Nhé, Điện Biên).

Nhớ lại hồi cách đây 5 năm, khi lần đầu tiên vào ngã ba biên giới, đến xã Chung Chải, dù đang là mùa nghỉ hè, song tôi thấy trong những ngôi nhà tạm phía sau trường học vẫn có rất đông các em người Hà Nhì ở. Thì ra, các em ở lại trường để được học thêm. Nhiều ông bố cặm cụi chẻ vầu đan liếp, phơi cỏ gianh, đóng thành mảng để dựng lều tạm, chuẩn bị cho con em mình có chỗ ở đàng hoàng trong năm học mới. Hình ảnh này thật hiếm có ở các trường học miền núi, nơi mà người ta thường thấy phân trâu, phân bò trong lớp học mùa nghỉ hè.

Học sinh Hà Nhì phải sống xa bố mẹ, gia đình từ bé.

Vào vùng ngã ba biên giới, tôi được nghe người Hà Nhì kể rất nhiều chuyện về con đường học hành của bà Chu Chà Me. Người Hà Nhì đều biết đến bà Me bởi bà là người đầu tiên, lại là phụ nữ, đã có nghị lực thoát ra khỏi cánh rừng u tối đi tìm con chữ bởi sự dìu dắt của người anh hùng Trần Văn Thọ.

Bà Chu Chà Me hiện sống trong một gian nhà nhỏ ở phường Lê Lợi, TP. Điện Biên. Bà Me năm nay ngót 70 tuổi, gầy gò, già nua. Nhắc lại mảnh đất quê hương Chung Chải của người Hà Nhì, bà rưng lệ.

Nhà của người Hà Nhì được trình bằng đất.

Đã 50 năm nay bà Me không về được nơi sinh ra, bởi năm 1961, trên đường đi công tác, bà bị sốt rét, rồi một mũi tiêm đụng vào dây thần kinh đã làm bà liệt một bên chân khi chưa đầy 20 tuổi. Dốc Tà Tổng khiến những bắp tay bấu núi vằn vện như rễ cây rừng, những đôi chân gồng gộc của loài dê núi còn ớn nói chi đến người đàn bà bị liệt một chân. Con đường về với bản Leng Su Sìn, với dòng Păng Pơi của Chu Chà Me trở nên xa xôi mịt mù từ đó.

Hồi những năm 50 của thế kỷ trước, bà Me không nhớ cụ thể năm nào, khi mà vùng ngã ba biên giới còn nạn hổ và phỉ về bản bắt người đêm đêm, thì xuất hiện các chiến sĩ biên phòng, trong đó có con người huyền thoại Trần Văn Thọ. Các anh từ mãi miền xuôi lên đây tiễu phỉ, cùng bà con giữ vững biên cương Tổ quốc.

Cõng em cùng đi học.

Tiễu xong phỉ, anh Thọ kêu gọi đồng bào hạ sơn định cư cạnh suối Păng Pơi, rồi dạy bà con biết trồng lúa nước, cách ăn uống vệ sinh. Anh Thọ đã đến căn nhà ọp ẹp giữa rừng của mẹ con bà Vừ Sèo Vảy để động viên bà cùng cô con gái Chu Chà Me (bố Me đã mất khi cô mới lên 5 tuổi) xuống núi. Anh Thọ tận tụy dựng nhà cho hai mẹ con ở.

Hàng đêm, anh Thọ đều đốt đuốc tìm đến nhà Me dạy cô học chữ. Me học rất nhanh, dạy đến đâu cô thuộc làu làu đến đó. Để Me học hành tiến xa hơn nữa, anh Thọ đã bỏ nhiều công sức thuyết phục bà Vảy cho Me ra tỉnh học, bởi khi đó trong này chưa có trường lớp. Thế là Chu Chà Me đã trở thành người đầu tiên của vùng rừng núi hoang vu đi học. Rồi cô trở thành người đại diện cho học trò vùng dân tộc thiểu số đi đón Ata Hồ (Bác Hồ) khi cô tròn 17 tuổi. Bức ảnh chụp cô gái Hà Nhì có khuôn mặt tròn xinh trong buổi gặp gỡ với Bác Hồ đã làm anh Thọ bật khóc vì hạnh phúc.

Học chữ.

Sau này, Chu Chà Me vinh dự được gặp Bác Hồ một lần nữa khi đại diện cho học sinh dân tộc thiểu số về Hà Nội vào dịp 2-9-1960. Ata Hồ vẫn nhớ Chu Chà Me, Bác xoa đầu Me dặn dò nhiều lắm. Từ đấy, Me trở thành vẻ đẹp của sự đi lên từ mông muội rừng già. Nhớ lời dặn của Bác Hồ, Me chịu khó học tập. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Việt Bắc, cô đi dạy học ở ngay chân đồi A1, rồi về Ban Dân tộc tỉnh, sau đó làm ở Ban Phát thanh tiếng Hà Nhì của đài PTTH Lai Châu cho đến khi về hưu.

Câu chuyện chiến sĩ biên phòng Trần Văn Thọ chăm lo cho cô gái Chu Chà Me đi học hồi đó nổi tiếng và cảm động đến nỗi khiến nhà văn Trần Hữu Tòng tìm lên bằng được và ông đã xúc động viết cuốn tiểu thuyết Bên dòng Păng Pơi, kể về tình cảm giữa cô gái Hà Nhì vùng ngã ba biên giới và anh bộ đội gác biên thùy Trần Văn Thọ. Cuốn sách in mấy vạn bản, được lớp lớp bộ đội mang ra đọc dưới ánh chớp bom đạn chiến trường. Vậy mà, khi anh Trần Văn Thọ hy sinh, được phong anh hùng, được dựng tượng nơi ngã ba biên giới, song gần nửa thế kỷ qua, chưa một lần bà Chu Chà Me được khóc trước phần mộ anh Thọ.

Còn tiếp…

Diêm Giang

Theo VTC


01 ý kiến dành cho “Chuyện một dân tộc thiểu số hiếu học nhất VN”

Ý kiến bạn đọc