Home » Kinh doanh » Cộng đồng doanh nghiệp Việt chia sẻ với Nhật Bản
Bằng nhiều hình thức như tiền mặt, hiện vật và sang tận nơi động viên tinh thần, các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn với người dân Nhật Bản đang kiên cường vượt qua hậu quả động đất, sóng thần.

Cùng cầu nguyện cho sự bình an cho thế giới, những ngày qua, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã phát huy tinh thần cộng đồng bằng việc quyên góp tiền ủng hộ từ cán bộ, công nhân viên làm việc tại đơn vị mình. Số tiền này được gửi tới những người gặp nạn thông qua các kênh như Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Việt Nam hay VnExpress

Chủ tịch Tập đoàn FPT - Trương Gia Bình cùng Tổng giám đốc FPT Japan Ogawa đi thăm đối tác Hitachi Medico.
Chủ tịch Tập đoàn FPT – Trương Gia Bình cùng Tổng giám đốc FPT Japan Ogawa đi thăm đối tác Hitachi Medico.

Chiều ngày 17/3, thông qua Đại Sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc FPT đại diện cho Tập đoàn FPT đã trao tặng 100.000 USD, thể hiện tình cảm và mong muốn của người FPT được chia sẻ phần nào khó khăn với người dân Nhật Bản. FPT cho biết sẽ tiếp tục phát động phong trào đóng góp trong tập đoàn để ủng hộ cho Nhật Bản.

Trước đó, ngày 15/3, đích thân Chủ tịch Tập đoàn FPT – ông Trương Gia Bình cũng đáp chuyến bay tới Nhật Bản để thăm hỏi một số doanh nghiệp đối tác làm ăn. Chuyến đi của người đứng đầu FPT mang theo 500 chiếc khẩu trang hoạt tính, 100 kg mỳ tôm, chè xanh để tặng cho nhân viên và các đối tác, khách hàng Nhật Bản như Hitachi Solution, Softbank Investment, NTT Data Financial Core, Fujifilm… FPT có hơn 130 nhân viên đang công tác làm việc tại Nhật, khu vực Tokyo và Osaka.

Ngày 16/3, ông Bình đã trực tiếp tới các công ty thuộc Tập đoàn Hitachi tại Nhật để thăm hỏi. Hai bên đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến tình hình của xứ sở Phù tang này sau thiên tai.

Phía Hitachi chia sẻ, toàn bộ nhân viên của tập đoàn đều bình an vô sự. Tuy nhiên, họ chưa ước tính được những thiệt hại về vật chất. Hitachi khẳng định: “Chúng tôi vẫn đang làm việc bình thường… Tôi mong các bạn đánh giá đúng tình hình, động viên tinh thần để nhân viên của các bạn cũng như những người Việt Nam khác đừng rời bỏ nước Nhật”.

Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, trong số 10.000 nhân viên của Hitachi, rất nhiều người tình nguyện xin đi hỗ trợ các địa phương gặp thiệt hại nặng. Hitachi cũng kêu gọi toàn bộ tập đoàn quyên góp khoảng 10 triệu yen cho Hội chữ thập đỏ Nhật Bản để cứu trợ những nạn nhân của thiên tai.

Công ty FPT Nhật Bản cũng như tất cả các đối tác, khách hàng khác của FPT đã hoạt động từ thứ 2 đầu tuần và có kế hoạch bố trí thời gian làm việc phù hợp với lịch cắt điện để tăng cường hiệu quả công việc. Ông Bình cho biết, FPT mong muốn được chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng việc sẽ thực hiện tốt nhất các dự án đang triển khai cả về thời gian lẫn chất lượng. Đồng thời, FPT mong muốn góp một tay vào việc hỗ trợ nhân dân Nhật Bản trong lúc khó khăn như ủng hộ lương thực, vật chất với tinh thần: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Chủ tịch FPT – Trương Gia Bình gặp gỡ các cán bộ, công nhân viên làm việc tại FPT Nhật Bản.

Cùng chia sẻ những mất mát, khó khăn của nhân dân Nhật Bản, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petrovietnam), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng quyên góp ủng hỗ mỗi đơn vị 100.000 USD để hỗ trợ những nạn nhân của trận động đất. Công ty VMS – MobiFone thì thực hiện chương trình “Gần hơn với Nhật Bản” miễn phí 2 phút gọi đầu tiên cho tất cả các cuộc gọi mã quốc gia (+81) và tất cả các tin nhắn SMS từ Việt Nam đi Nhật Bản. Chính sách miễn phí áp dụng từ hôm nay đến hết ngày 31/3.

Trước đó, ngày 16/3, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) thông qua Công đoàn Bưu điện Nhật Bản cũng gửi tới các nạn nhân trong vụ động đất số tiền 10.000 USD…

Một ngày sau trận động đất xảy ra, lãnh đạo Vietnam Airlines đã gọi điện hỏi thăm và chia sẻ với nhà chức trách sân bay, các hãng vận chuyển, đối tác làm ăn của mình. Hãng cũng vận động cán bộ công nhân viên trích một ngày lương tương đương với 650 triệu đồng để mang tới Nhật Bản trực tiếp ủng hộ cho những người cần được trợ giúp. “Chúng tôi có văn phòng đại diện tại Nhật Bản, nên công việc cứu trợ thuận tiện hơn”, ông Dũng nói.

Những ngày này, nhân viên tại 4 văn phòng làm việc của Vietnam Airlines tại Nhật Bản đều trong tình trạng “căng như dây đàn”. Họ vẫn làm các công việc thường ngày để đảm bảo cho các chuyến bay đi và đến 4 thành phố, gồm Tokyo, Osaka, Nagoya và Fukuoka. Cứ 12 giờ, hệ thống cảnh báo phóng xạ lại phát đi thông báo một lần cũng là lúc các nhân viên của hãng vận chuyển này lại gửi tin tức về cho người thân tại Việt Nam. “Các hoạt động của chúng tôi tại đây vẫn diễn ra hết sức bình tĩnh, trên cơ sở đảm bảo an toàn cho hành khách và chính nhân viên của hàng làm việc tại đây”, ông Lê Hoàng Dũng, người phát ngôn Vietnam Airlines, cho biết.

Đại diện các doanh nghiệp lý giải, ủng hộ nhân dân Nhật Bản vì tinh thần tương thân, tương ái giữa các dân tộc, đặc biệt là đất nước Nhật Bản lâu nay có mối quan hệ gắn bó mật thiết với Việt Nam. Thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho thấy có khoảng 31.000 người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại xứ sở hoa anh đào này. Trong số này có khoảng 3.700 lưu học sinh và 17.000 tu nghiệp sinh…

Nhật Bản là quốc gia tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam hiện nay. Trong lĩnh vực thương mại, nước này cũng là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, xếp thứ 4 chỉ sau Mỹ, EU và ASEAN. Năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu sang nước này 7,73 tỷ USD, chiếm 10,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản cũng vào khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 2 tỷ USD, sắt thép 966 triệu USD…

Hồng Anh

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc