Home » Danh nhân, Văn hóa » Khổng Tử bàn luận về đạo đối nhân xử thế
Khổng Tử đề xuất rằng chữ “Nhân” là gồm cả hai: Một là lý tưởng chính trị và hai là luân lý đạo đức. “Nhân” là nhấn mạnh vào việc đối xử nhân ái với người khác. “Nhân ái” chú trọng vào lòng trung thành và sự khoan dung tha thứ. Tư tưởng Khổng Tử đã có một ảnh hưởng sâu rộng đến nền đạo đức truyền thống Trung Hoa về tính khoan dung và sự thành thật. Nó vẫn có một ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong xã hội ngày nay.

Khổng Tử (Ảnh: TalesofWisdom.com)

Lòng chân thành là điều cơ bản nhất

Một lần, khi Khổng Tử đang bàn luận về cách đối nhân xử thế với những người học trò của ông, Tử Lộ nói: “Nếu người khác đối xử có thiện ý với con, con cũng sẽ đối xử có thiện ý với họ; nếu họ đối xử với con bất thiện, con cũng sẽ bất thiện với họ.”

Khổng Tử bình luận: “Đây là cách hành xử của những người không có đạo đức và lễ nghĩa.”

Tử Cống nói: “Nếu người khác đối xử có thiện ý với con, con sẽ đối xử có thiện ý với họ; Nếu họ đối xử với con bất thiện, con sẽ giúp họ hướng thiện.”

Khổng Tử bình luận: “Đây là cách xử thế giữa những người bằng hữu.”

Nhan Tử nói: “Nếu người khác đối xử có thiện ý với con, con sẽ đối xử có thiện ý với họ; Nếu họ đối xử với con bất thiện, con sẽ vẫn có thiện ý với họ và giúp họ hướng thiện.”

Khổng Tử bình luận: “Đây là cách xử thế giữa những người thân trong gia đình. Nếu các con có thể mở rộng tư tưởng, thành tâm đối đãi với tất cả mọi người trong thiên hạ, thì ấy chính là cách hành xử một người lương thiện!”

Đối xử với người khác bằng lòng nhân nghĩa

Nhan Tử hỏi Khổng Tử: “Làm sao con có thể đạt được mục tiêu đối xử với người khác bằng lòng tốt? Con mong ước con có thể đối xử với mọi người như nhau, bất kể bần tiện hay phú quý; can đảm mà không hiển thị khoe khoang mình dũng cảm; chỉ giao vãng với những người có chí, cùng chung hoạn nạn. Điều đó có khả dĩ không?”

Khổng Tử nói: “Để đối đãi với người khác bằng chữ “Nhân”, một người cần phải tu thân và liên tục tu dưỡng đạo đức. Điều mà con nói là rất tốt. Đối xử với họ như nhau, cho dù họ giàu hay nghèo, con sẽ thấy hài lòng và không bị điều khiển bởi ham muốn và dục vọng. Hành xử như nhau, bất kể con ở địa vị cao hay chỉ là người dân bình thường, con sẽ luôn luôn khiêm nhường và lễ độ. Can đảm mà không hiển thị khoe khoang lòng dũng cảm, con sẽ đối xử với mọi người bằng lòng kính trọng. Làm bạn với những người có chí khí, cùng chung hoạn nạn, con có thể lựa chọn những bằng hữu, và thận trọng trong hành động cùng lời nói của mình. Đây là một mục đích rất tốt!”

Đạo lý cai trị

Tề Cao Đình hỏi Khổng Tử: “Con đã đi qua một đoạn đường dài, trải qua nhiều khó nạn, mặc quần áo sờn rách và mang quà đến bái kiến thầy. Con đến với hy vọng rằng thầy có thể dạy con cách phò tá Hoàng đế cai trị đất nước.”

Khổng Tử nói: “Hãy kiên trì vào những nguyên tắc chính đạo. Ngay cả khi xúc phạm đến bậc quân vương, con cũng không thể tách khỏi nguyên tắc chính đạo này. Phò tá Hoàng đế, kỳ thực không phải là làm mọi việc vì Hoàng đế, mà là làm mọi việc vì đất nước và vì người dân dưới sự cai trị của Hoàng đế. Tóm lại là làm những điều nhân nghĩa và phò tá Hoàng đế để truyền bá lòng lương thiện. Con cần phải đối xử với mọi người một cách chân thành. Con cần phải kiên trì đạo nghĩa trong lời nói và hành động. Hãy tiến cử những người quân tử cho Hoàng đế, đồng thời loại đi những kẻ tiểu nhân; loại bỏ đi những tâm tà ác của chính mình, và đối xử với bậc quân vương bằng lễ nghĩa và chân thành. Con cần phải nhanh trí nhưng cẩn trọng trong lời nói và hành động; tu dưỡng bản thân và dẫn dắt thiên hạ hành xử theo lễ nghĩa. Nếu con có thể làm như vậy, con có thể giống như một người huynh đệ bên cạnh Hoàng đế, ngay cả khi con cách xa ông ấy hàng ngàn dặm. Nếu không, con không thể làm được điều đó ngay cả khi con ở ngay bên cạnh ông ấy.”

Khổng Tử cho rằng một người cần phải tu thân để đối xử tốt với người khác. Đối xử với người khác không phải là mục đích, mà mục đích chính là đề cao cảnh giới bản thân. Khổng Tử coi nghĩa, lễ, tốn (khiêm tốn) và tín là những phẩm chất của người quân tử. Người quân tử có thể học hỏi chữ “Nhân” thông qua việc tự xét bản thân mình và hành xử theo nhân nghĩa. Người quân tử sẽ duy trì đạo đức cao trong bất cứ tình huống nào, giữ tâm trong sạch, lấy thiện đãi người và trân quý sinh mệnh. Phú quý không làm dao động được tư tưởng của anh ta, bần tiện không cải biến được phẩm hạnh của anh ta, quyền thế cũng không khuất phục được ý chí của anh ta. Đó là bậc chính nhân quân tử.

Tác giả: Trí Chân
(Theo Min
hhue.net)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc