Home » Thế giới » Một cuộc đời nghệ sĩ
Họa sĩ tranh biếm họa bị truy nã trốn thoát khỏi Trung Quốc

Một trong những bức tranh biếm họa của Đại Hùng miêu tả các đảng viên ĐCSTQ bắt người dân Trung Quốc làm con tin. (Đại Hùng/The Epoch Times)

Một họa sĩ tranh biếm họa người Trung Quốc, người bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) buộc tội “bôi nhọ Đảng và các đảng viên”, đã trốn thoát đến New York hồi năm 2008.

Quách Cạnh Hùng, cái tên mà những người ở ngoài Trung Quốc có thể không biết, đã có được sự nổi tiếng có thể so sánh với họa sĩ biếm họa Frank Frazetta ở thế giới phương Tây. Năm 2006, anh Quách là người Hoa đầu tiên giành giải nhất trong Liên hoan Truyện tranh Quốc tế Angoulême, tương đương với giải Oscar về truyện tranh. Sau đó anh đã ký một hợp đồng với công ty xuất bản truyện tranh lớn nhất Châu Âu, nơi tác phẩm của anh đứng trong Top 3 trong danh sách truyện tranh bán chạy nhất năm 2007. Hiện tại, kho xuất bản của anh bao gồm 100 cuốn truyện tranh do anh vẽ minh họa hoặc có chứa tác phẩm của anh.

Phong cách nghệ thuật của anh rất đa dạng; từ các nhân vật phức tạp, được xây dựng theo thể loại khoa học viễn tưởng một cách rõ ràng, cho tới tranh vẽ bằng bút mực, mang dáng dấp của tranh bút lông Trung Quốc.

Câu chuyện của anh Quách quả thực là độc nhất trong Trung Quốc hiện đại dưới sự thống trị của ĐCSTQ. Là một học viên Pháp Luân Công, anh Quách bị cảnh sát nhà nước Trung Quốc truy nã vì sử dụng nghệ thuật của mình để lên tiếng cho những người bị bức hại bởi ĐCSTQ, một điều gì đó mà trong các tài liệu của chính quyền có nghĩa là “phỉ báng nhà nước”.

Nhiều tranh biếm họa chính trị của anh trong những năm 1999-2003 miêu tả Giang Trạch Dân – chủ tịch Trung Quốc lúc ấy, người khởi xướng cuộc đàn áp Pháp Luân Công – như một nhân vật béo phục phịch và đầy đố kỵ. Ngoài ra, anh cũng minh họa cho “Chín bài bình luận về ĐCSTQ” cửu bình, chuỗi bài xã luận phê phán ĐCSTQ của Thời báo Đại Kỷ Nguyên.

Bên cạnh những đe dọa từ chính quyền Trung Quốc, công việc họa sĩ cũng mang đến nhiều thách thức. “Thật khó để thể hiện cá tính với những hạn chế của ngành công nghiệp”, anh Quách nói. “Thường thì chính quyền không để bạn viết câu chuyện của riêng bạn bởi vì câu chuyện ấy có thể động chạm đến những chủ đề về tự do hay bất công xã hội – đó là tại sao nhiều họa sĩ chuyển sang những câu chuyện về văn hóa truyền thống.”

Anh Quách là một trong những người chọn các câu chuyện truyền thống để làm đề tài. Trong số các sách của anh, có một truyện tranh phóng tác từ Thủy Hử, một trong “Tứ đại kỳ thư” (bốn bộ tiểu thuyết cổ điển xuất sắc nhất) của Trung Quốc.

Các tác phẩm của anh có nền tảng là văn hóa truyền thống Trung Quốc và dựa trên các nguyên lý của hội họa Trung Quốc. Tinh hoa của hội họa Trung Quốc nằm ở sự nắm bắt nội hàm của sự vật, không giống tranh biếm họa của Nhật và Mỹ thường có xu hướng châm biếm vẻ bề ngoài, theo anh Quách. Mục đích của nghệ thuật thị giác Trung Quốc là để “truyền tải cái hồn, mà không phóng đại trên bề mặt”, anh nói.

Trước thềm thế kỷ 21, các họa sĩ tại Trung Quốc đã từng vẽ tranh cổ động. Sau đó, vào khoảng năm 1991, truyện tranh Nhật Bản xuất hiện trên các giá sách với hàng triệu cuốn, theo anh Quách.

Sự phổ biến của truyện tranh Nhật Bản là kết quả của sự khát khao của những người trẻ Trung Quốc để tìm kiếm cá tính trong một xã hội duy trì tính đồng nhất. “Họ nhận ra giấc mơ về các hình mẫu tự do của mình ở trong các nhân vật”, anh Quách nói. “Nó khởi nguồn từ sự khô khan trong sách giáo khoa Trung Quốc”.

Khi ĐCSTQ nhận ra rằng truyện tranh bán rất chạy, họ chấm dứt việc phát hành truyện tranh lậu và bắt đầu một chiến dịch tham vọng nhằm tạo ra 5 loại hình văn học và nghệ thuật mỗi năm. Dự án này kéo dài tới năm 1994, và không thể đạt mục tiêu trong mỗi năm, anh Quách nói.

Điều đó khiến thị trường truyện tranh mở cửa. “Nó giống như băng qua một con sông khi bạn ôm một đống đá”, anh Quách nói. “Không có ngành công nghiệp nào cả”.

Năm 1996, anh Quách bắt đầu tập Pháp Luân Công, một môn tập có khía cạnh tu dưỡng tinh thần khiến anh chú ý.

“Tôi từng thích nhạc rock and roll,” anh Quách nói. “Tôi đã rất cực đoan và lo lắng. Tôi thực sự trống rỗng, cô đơn, cố gắng tìm kiếm một ngôi nhà lý tưởng”.

Để tóc dài, mặc quần rách và đeo dây xích, anh Quách đã tìm hiểu về triết học Tây phương, Đạo giáo và Thiền Phật giáo. Khi gặp Pháp Luân Công, môn tập với những nguyên tắc đạo đức về Chân, Thiện và Nhẫn, anh đã tìm thấy được điều trông đợi từ lâu.

“Và rồi, tôi biết cách mà con người nên sống”, anh Quách nói. Anh nhận ra rằng lối sống trước đó của anh “dường như rất độc lập, nhưng trên thực tế lại đau đớn”.

Từ đó, anh từ bỏ sự buông thả bằng cách kiềm chế bản thân, và nó thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật của anh. Anh từng nói với một người bạn: “Tìm kiếm sự kiểm soát bản thân có giá trị hơn tìm kiếm sự tự do”. Những người bạn họa sĩ của anh, nhiều người là những người nổi loạn, biết rằng anh đã thay đổi.

Anh Quách tiếp tục trở thành một giáo sư nghệ thuật tại một trong số hàng trăm trường nghệ thuật biếm họa nổi lên khắp Trung Quốc. Trong những bài giảng của mình, anh thường thảo luận về mục đích và nội hàm của nghệ thuật thông qua việc đánh thức triết học Trung Quốc truyền thống. Tuy nhiên điều anh tìm thấy, đó là những điều đã bị mất đi trong thế hệ trẻ tại Trung Quốc lớn lên sau thời Cách mạng Văn hóa.

“Trên lớp, tôi hỏi họ liệu họ có thể kể tên các nguyên tắc đạo đức Khổng giáo [Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín] hay không”, anh Quách nói. “Họ thậm chí không thể biết cách viết các ký tự. Đây là những sinh viên đại học”.

Anh Quách cũng cho họ biết về cuộc đàn áp Pháp Luân Công – loại bài giảng về các sự kiện đương đại mà không thể được dạy tại Trung Quốc. Ngược lại, các sinh viên của anh Quách trở thành lá chắn của anh. Khi nhà chức trách cố gắng điều tra trong các sinh viên để tìm nơi ở của anh, họ bảo vệ anh.

“Họ đã truy lùng tôi và gia đình tôi, nhưng họ sợ bị các kênh truyền thông nước ngoài phát hiện”, anh Quách nói. “Nếu điều này được truyền ra, nó sẽ gây cản trở cho việc tổ chức Olympic”. Anh Quách nói rằng “rất có thể” ĐCSTQ sẽ cố gắng có hành động bức hại anh sau Olympic.

Christine Lin
(Theo The Epoch Times)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc