Home » Thế giới » Mỹ chưa sẵn sàng ứng phó trước những trận động đất lớn
Một số chuyên gia cho rằng trận động đất tại Nhật Bản giống như đồng hồ dự báo cho một trận động đất lớn có thể tấn công nước Mỹ, gây ra nhiều thiệt hại cho cơ sở hạ tầng hiện đại.
[title]

Hai đường nứt gẫy giống nhau đã đặt miền tây nước Mỹ trong vòng nguy hiểm. (iStockphoto)

Ông Ivan Wong:

  • “Dân Mỹ thậm chí không được chuẩn bị kỹ lưỡng như người Nhật mặc dù họ đã chứng kiến những thảm họa từng xảy ra. Tôi cho rằng ở Mỹ, các nhà khoa học khó có thể thuyết phục mọi người rằng hiện đang có nguy cơ thật sự lớn nằm ngay tại đường bờ biển tây bắc Thái Bình Dương”.

Khu vực hình móng ngựa kém ổn định thường được biết đến dưới cái tên ‘Vành đai lửa’ gần đây đã rung chuyển vì những trận động đất tại Chile, Nhật Bản, Mexico và New Zealand. Các nhà địa chấn học cho rằng vụ động đất lớn tiếp theo xảy ra chỉ còn là vấn đề thời gian.

Hai đường nứt gẫy giống nhau đã đặt miền tây nước Mỹ trong vòng nguy hiểm: đường nứt gẫy ở San Andreas chạy suốt chiều dài bang California và đường nứt gẫy Cascadia ít được biết đến hơn nhưng có tác động mạnh hơn nằm ở bờ biển Thái Bình Dương.

Một trận động đất mạnh 9 độ Richter dưới nước này có thể lan tỏa từ phía bắc California tới vùng British Columbia của Canada. Thảm họa này sẽ phá sập những thành phố cảng lớn như Vancouver, Portland, Seattle và tạo ra một cơn sóng thần lớn cướp đi tính mạng hàng ngàn người.

“Theo quan điểm địa chất học, kiểu động đất như thế này xảy ra rất thường xuyên”, kỹ sư Yumei Wang, trưởng nhóm nghiên cứu thiên tai động đất tại Cục Địa chất học Oregon cho biết. “Với đường nứt gãy Cascadia, chúng tôi đã ghi lại được 41 trận động đất xảy ra trong 10 ngàn năm qua với tần suất trung bình cách nhau 240 năm. Trận động đất cuối cùng xảy ra cách đây 311 năm, như vậy đã quá thời hạn trung bình”.

Những tài liệu về trận động đất cuối cùng xảy ra trên đường nứt gãy Cascadia vào năm 1700 sau công nguyên cho thấy đợt sóng thần sinh ra từ trận động đất này rất mạnh và làm thiệt mạng nhiều người dân Nhật Bản.

“Các nhà địa chất học chưa thể dự báo chính xác trận động đất tiếp theo xảy ra khi nào nhưng các kỹ sư có thể đoán trước mức độ thiệt hại”, bà Wang nhận định.

Các nguy cơ tiềm ẩn

Chính quyền các bang phía tây Hoa Kỳ đã nỗ lực hết sức nhằm củng cố độ vững chắc của các tòa nhà trong vài thế kỷ qua. Tuy nhiên, nhiều trường học, bệnh viện, trạm cứu hỏa và đồn cảnh sát ven biển đã cũ nát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

“804 trên tổng số 1355 trường học, chiếm tỉ lệ hơn một nửa, có nguy cơ sẽ bị sập nếu một trận động đất lớn xảy ra”, bà Wang nhắc đến tình trạng hiện nay ở bang Oregon.

Trong trường hợp xảy ra sóng thần, các chuyên gia quan ngại rằng các tòa nhà cũ kỹ, người lớn tuổi hoặc ốm yếu sống gần biển có thể sẽ khó thoát khỏi những cơn sóng lớn.

Trong khi đó, theo bà Wang, một số cộng đồng sống gần bờ biển khá đông đúc nên việc di chuyển vào sâu trong đất liền hay lên các vùng đất cao là điều không khả thi. Những địa điểm này quá xa để di chuyển. Các kỹ sư đã có sáng kiến về nơi trú ẩn cho cư dân khi có sóng thần, giúp họ có thể tìm những vùng đất cao mà không phải đi quá xa. Tuy nhiên, hiện những khu vực trú ẩn công cộng trong trường hợp có sóng thần vẫn chưa được xây dựng.

“Tất cả các khâu chuẩn bị đều chỉ mang tính cục bộ địa phương và từng địa phương có kế hoạch ứng phó khác nhau phụ thuộc vào chiều dài đường bờ biển”, ông Tom Tobin, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Phòng chống Động đất, cho biết.

Theo ông Tobin, bang California có luật liên bang quy định các bệnh viện phải được xây dựng có khả năng chống động đất và vẫn có thể duy trì hoạt động khi tai họa xảy ra.

Tuy nhiên, kể từ năm 1971, chỉ có một bệnh viện mới được xây dựng ở San Francisco theo tiêu chuẩn này. Các cơ sở khác hoạt động trong các tòa nhà cũ, trong đó một số tòa nhà được xây dựng từ đầu thế kỷ 20.

Ngoài ra, nếu động đất xảy ra sẽ dẫn đến việc phá hủy hệ thống dây dẫn điện và nguy cơ tàn phá nhà máy điện hạt nhân Hanford ở bang Washington. Nhà máy này chứa trên 200 ngàn mét khối rác thải hạt nhân và được xem là khu vực hạt nhân ô nhiễm nhất tại Mỹ.

“Chúng ta chưa sẵn sàng”, ông Ivan Wong, nhà địa chấn học hàng đầu và là Phó Chủ tịch Hãng kỹ thuật quốc tế URS, nhận định. “Dân Mỹ thậm chí không được chuẩn bị kỹ lưỡng như người Nhật mặc dù họ đã chứng kiến những thảm họa từng xảy ra. Tôi cho rằng ở Mỹ, các nhà khoa học khó có thể thuyết phục mọi người rằng hiện đang có nguy cơ thật sự lớn nằm ngay tại đường bờ biển tây bắc Thái Bình Dương”.

Diễn biến các trận động đất khác nhau

Mặc dù các trận động đất xung quanh vành đai Thái Bình Dương có thể xảy ra thường xuyên, các nhà khoa học cho rằng họ chưa thể xác định diễn biến các trận động đất. Trận động đất ở Nhật Bản không khiến cho nguy cơ xảy ra động đất tại Mỹ tăng cao hơn.

“Theo chúng tôi được biết, trận động đất ở Nhật Bản không ảnh hưởng tới các trận động đất có thể xảy ra ở California hay bất kỳ vùng nào khác. Tác động chính là đối với những vùng lân cận về phía nam và phía bắc khu vực này”, ông Jim Whitcomb, nhà nghiên cứu địa vật lý tại Quỹ Khoa học Quốc gia, cho biết.

Ông Wong, Phó Chủ tịch Hãng kỹ thuật quốc tế URS, cho rằng trận động đất tiếp theo tại Mỹ có thể nối tiếp một đợt dư địa chấn nhỏ, giống đợt dư chấn mạnh 7,2 độ Richter tại Nhật Bản xảy ra trước trận động đất mạnh 9 độ Richter vào ngày 11/3 vừa qua. Một khả năng khác là động đất sẽ xảy ra mà không hề có cảnh báo trước.

“Mỗi trận động đất thường có diễn biến khác nhau”, ông Wong nói. Tuy nhiên, ông cho rằng trận động đất tại Nhật Bản giống như đồng hồ dự báo cho một trận động đất lớn có thể tấn công nước Mỹ, gây ra nhiều thiệt hại cho cơ sở hạ tầng hiện đại. Mỹ cần học rất nhiều bài học từ Nhật Bản trong việc phòng chống động đất và sóng thần.

Theo bayvut

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc