Home » Thế giới » Nạn xuất khẩu lao động bất hợp pháp ở Campuchia
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng yêu cầu xóa sổ nạn vận chuyển lao động bất hợp pháp ra nước ngoài làm việc đồng thời ông cũng kêu gọi người dân tìm kiếm việc làm trên chính quê hương mình.

[title]

Những người nghèo dễ bị các công ty môi giới việc làm lừa phỉnh. (ABC)

Thất nghiệp trên quê hương

Liên Hợp Quốc cho biết Campuchia là nguồn cung lao động giá rẻ cho các nước láng giềng lớn hơn như Thái Lan và Malaysia và lao động tình dục cho một số nhóm đối tượng. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong năm 2004 có trên 180.000 người Campuchia đăng kí xuất khẩu lao động sang Thái Lan. Thêm vào đó, ILO cũng ước tính hơn 80.000 người đã ra nước ngoài làm việc mà không đăng ký với nhà nước.

Theo ông Matthieu Pellerin thuộc nhóm nhân quyền Licadho ở Campuchia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do người dân nghèo sống ở nông thôn nước này có rất ít cơ hội tìm được việc làm trên chính quê hương mình.

“Rất ít người dân nông thôn kiếm được việc làm và điều này khiến số người muốn sang nước ngoài tìm việc gia tăng mạnh mẽ”, ông nói.

Vì vậy, người nghèo là nhóm đối tượng được các công ty môi giới việc làm nhắm tới với những hứa hẹn rất hấp dẫn.

Ông Matthieu Pellerin cho biết: “Thông thường, những kẻ cò mồi thường nói dối về bản chất công việc. Chúng hứa hẹn, lừa phỉnh các gia đình nghèo để họ đồng ý cho con gái của mình đi xuất khẩu lao động thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm. Còn các khoản chi phí để con họ xuất ngoại, khoảng 100 đô-la, thì họ cũng được các trung tâm này cho vay. Đây là cách thức hoạt động rất đơn giản nhằm ràng buộc gia đình nạn nhân với nợ nần”.

Tương lai không màu hồng

Tuy nhiên, các nhóm hoạt động nhân quyền cho biết các trung tâm môi giới việc làm đã làm ngơ nguyện vọng của những phụ nữ nghèo có nhu cầu xuất ngoại để làm người giúp việc cho các gia đình người nước ngoài.

Ông Matthieu Pellerin cho rằng việc các lao động xuất khẩu nữ bị giam giữ ở những ‘trung tâm tiền khởi hành’ của công ty môi giới việc làm tại thủ đô Phnom Penh và yêu cầu gặp mặt người thân của họ đều bị lờ đi là một điều hết sức bất thường.

Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi trong tháng 3/2011, ở một số trung tâm đã xảy ra vài vụ tai nạn đáng tiếc đưa tới cái chết thương tâm của một số phụ nữ Campuchia.

“Có một phụ nữ sau 5 tháng chờ đợi trong ‘trung tâm tiền khởi hành’ của công ty T&P đã nhiều lần yêu cầu được về thăm con nhưng đều bị lờ đi. Cuối cùng, người này đã quyết định rời khỏi nơi đó bằng cách nhảy từ tầng ba cửa sổ xuống đất. Bốn ngày sau, cũng tại công ty này, một phụ nữ 35 tuổi khác đã bị chết. Theo kết luận chính thức của cảnh sát thì nguyên nhân tử vong là do bị đau tim. Tuy nhiên, đây là một vấn đề còn nhiều nghi vấn”, ông Pellerin cho biết.

Ngay sau vụ việc đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen yêu cầu Ủy ban Phòng chống Tham nhũng tiến hành thanh tra việc tuyển dụng lao động xuất khẩu, vốn hiện đang phát triển mạnh mẽ ở đất nước này, trong đó có các công ty môi giới việc làm kiểu như trên.

Vào thứ Hai, ngày 21/3 vừa qua, ông đã lên tiếng kêu gọi các giới chức địa phương cùng phối hợp để xóa sổ nạn môi giới lao động xuất khẩu bất hợp pháp.

Cần củng cố hệ thống luật pháp

Các ý kiến chỉ trích cho rằng những vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua đã thể hiện rõ sự yếu kém của hệ thống luật pháp Campuchia trong lĩnh vực tuyển dụng lao động xuất khẩu.

Ông Nilim Baruah – Trưởng ban Tư vấn Kĩ thuật của Tổ chức ILO ở Bangkok cho biết: “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Campuchia cần xem xét lại một số quy định pháp luật về chi phí tuyển dụng lao động xuất khẩu cũng như tính minh bạch có liên quan đến vấn đề này. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng các cơ chế cần thiết để người dân có thể phản ánh những vấn đề bất cập. Campuchia hoàn toàn có thể có được một hệ thống quy định hiệu quả hơn rất nhiều nhưng cho đến nay, đất nước này mới chỉ bắt đầu làm điều đó”.

Theo ý kiến của ông Nilim Baruah, mặc dù chính phủ Campuchia đang nỗ lực trong việc ban hành các chế tài nhằm bảo vệ quyền lợi và an toàn của lao động xuất khẩu nhưng việc tạo ra công ăn việc làm cho họ vẫn là vấn đề ưu tiên.

“Giải pháp này giúp mở ra cơ hội nghề nghiệp cho người nghèo để từ đó việc xuất khẩu lao động sẽ trở thành một lựa chọn chứ không phải là sự bắt buộc”, ông kết luận.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc