Home » Nhịp sống trẻ, Tiêu biểu sideshow » Sinh viên tỉnh lẻ ‘khát’ việc làm thêm

Số tiền mà gia đình ở quê gửi lên không đầy cho các khoản chi tiêu hàng tháng tại thành phố, khi mà giá cả tăng lên hàng ngày. Không còn cách nào khác nhiều sinh viên tại tỉnh lẻ tìm việc để làm thêm nhưng quá chật vật…

“Đỏ mắt” tìm việc làm thêm

Để chống chọi với cuộc sống chật vật nơi thị thành khi mà giá cả tăng, nhiều SV theo học các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đổ xô đi tìm việc làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và học tập.

Bạn Lại Thị Thảo Vy, sinh viên trường CĐ Phát thanh Truyền hình 1 tâm sự: “Năm ngoái trở về trước thì còn đỡ chứ kể từ sau Tết, đặc biệt là từ hôm xăng dầu tăng giá thì mọi thứ đều tăng theo như giá phòng trọ, điện nước …đều tăng theo. “Lương” hàng tháng bố mẹ gửi lên thì vẫn như trước nên chi tiêu không đủ, em đã tính tìm việc làm thêm nhưng ở đây đi tìm việc làm phù hợp khó quá, em tìm mấy hôm rồi vẫn chưa có việc gì”.

Sinh viên tỉnh lẻ ’khát’ việc làm thêm

Nhiều SV may mắn lắm mới tìm được chỗ làm thêm

Khác xa với Hà Nội và một số thành phố lớn khác, sinh viên học tập ở Phủ Lý rất khó tìm cho mình một công việc phù hợp để làm thêm. Vẻ mặt buồn rầu và mệt mỏi sau hai ngày đạp xe đạp rong ruổi trên các ngõ phố để tìm việc, bạn Trần Phương Ngọc, sinh viên Cơ sở 2, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nói:

“Đã hai hôm nay em đạp xe đi gần như khắp các con đường trên thành phố, vào các quán cà phê, nhà hàng, quán ăn để hỏi nhưng tất cả đều không tuyển nhân viên nữa. Mệt lắm, ngày mai em đi thêm hôm nữa mà không tìm được thì thôi”.

“Trước đây, mỗi tháng gia đình gửi cho 1,3 – 1,6 triệu đồng, chi tiêu tiết kiệm hàng tháng cũng tạm đủ. Nhưng gần đây giá cả mọi thứ đều tăng nên dù tiết kiệm thế nào cũng không đủ. Mà cứ xin thêm bố mẹ thì cũng khó, vì hoàn cảnh gia đình ở quê cũng khó khăn. Cách tốt nhất là phải đi làm thêm”, đó là tâm sự chung của rất nhiều sinh viên.

Chưa bao giờ ở thành phố Phủ Lý lại có nhiều sinh viên đi tìm việc làm thêm như hiện nay. Vừa cất tấm bảng hiệu viết mấy chữ sơ sài thông báo tuyển nhân viên bán quần áo, bà Phạm Thị Trung – một chủ cửa hàng shop quần áo trên đường Lê Công Thanh, thành phố Phủ Lý nói:

“Tôi mới đăng biển tuyển nhân viên chưa được một ngày đã có mấy chục em sinh viên đến hỏi việc. Tôi cần tuyển có hai người nên đã đủ từ hôm qua, nhưng bận quá chưa cất được biển thông báo nên mới sáng sớm nay đã có mấy em qua hỏi rồi, bây giờ phải cất đi không mất công thêm nhiều người vào hỏi”.

Sinh viên tỉnh lẻ ’khát’ việc làm thêm

Giá cả tăng khiến nhiều SV rất chật vật.

Nai lưng làm thêm nhưng… nhận lương “bèo”

Công việc dễ tìm và phù hợp nhất của sinh viên đó là đi gia sư, nhưng ở Phủ Lý công việc này rất ít. Quanh đi quẩn lại thì sinh viên cũng chỉ có thể làm thêm những việc như bán quán cà phê, phục vụ nhà hàng, quán ăn; cửa hàng quần áo. Đã thế mức lương cũng khá bèo bọt và không xứng đáng với sức lực, thời gian mà những SV này bỏ ra.

Vũ Thị Thảo, sinh viên trường CĐ Thuỷ lợi Bắc Bộ đi làm cho một nhà hàng ăn trên đường Nguyễn Viết Xuân tâm sự: “Em làm ca từ 13h -22h, mỗi tháng được 600.000đ. Công việc từ bưng bê cho đến rửa bát em đều có phần. Đã thế những lúc ốm đau đột xuất xin nghỉ nhưng chủ quán không cho và nếu có thì còn bị trừ lương nữa. Nói chung là không có tháng nào được nhận đủ 600.000đ cả”.

Tuy nhiên không phải sinh viên nào tìm được việc làm thêm cũng bớt vất vả hơn, mà việc làm thêm lại ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập. Những sinh viên đi làm thêm dường như phải căng sức ra để vượt qua.

Nhiều khi thời khoá biểu thay đổi, nhiều sinh viên đành phải chấp nhận nghỉ học để đi làm cho đúng lịch không người ta lại cho nghỉ việc. Đó là chưa kể những SV nữ làm thêm tại các nhà hàng thường gặp nhiều chuyện phiền phức. Những lúc như thế cũng đành chấp nhận không dám phàn nàn nếu không muốn nghỉ việc.

Theo Dân Trí


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc