Home » Thế giới » Trộm đồ kiểu Úc!
Nạn trộm cắp đồ đạc nơi các siêu thị, cửa hàng ở nước Úc có tỷ lệ thuộc loại cao nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đối tượng nào hay ‘chôm’ đồ và các cửa hàng ở Úc phải vất vả đối phó ra sao?
[title]

Các trung tâm mua sắm lớn của Úc đầu tư rất nhiều cho việc chống nạn trộm cắp hàng hóa. (ABC)

Son môi, sữa bột, máy cạo râu bị ‘chôm’ nhiều nhất

Theo Trung tâm Thống kê tội ác NSW, trộm đồ tại cửa hàng, siêu thị được coi là hành vi tội ác gia tăng nhiều nhất ở Úc trong 5 năm qua. Mỗi năm số vụ trộm đồ trên toàn tiểu bang này tăng 2,9%.

Còn theo Chỉ số hao hụt trong bán lẻ do Trung tâm Nghiên cứu thị trường (CRR) Úc thống kê, năm 2010 ngành bán lẻ của Úc mất 2,3 tỷ đô-la vì nạn trộm cắp. Còn tính trong bốn năm qua thì ngành bán lẻ của Úc mất hơn 10 tỷ đô-la.

CRR cho rằng tỷ lệ mất đồ trong khu vực bán lẻ của Úc là 1,39% trong tổng doanh số bán hàng. Xu hướng này có phần giảm trong thời gian gần đây khi các chủ shop tăng cường đầu tư vào các kỹ thuật mới nhất để bảo vệ hàng hóa.

Ba mặt hàng bị trộm nhiều nhất tại shop của Úc là son môi, sữa bột và máy cạo râu. Sữa bột dành cho trẻ em bị “xoáy” mạnh nhất, trung bình cứ 100 hộp thì bị thất thoát hai hộp. CRR cho rằng tỷ lệ này thuộc vào hạng cao nhất vùng Châu Á – Thái Bình Dương.

Điều đáng nói là bên cạnh đối tượng khách vãng lai đi mua sắm và trộm đồ, chính các nhân viên làm trong cửa hàng, siêu thị cũng “tích cực cầm nhầm” không kém. Theo khảo sát của CRR khoảng 40% hàng hóa mất trộm tại siêu thị là do nhân viên ‘rút ruột’, tẩu tán.

Ít người biết rằng giá cả của hàng hóa bày bán trong cửa hiệu ở Úc đã bị cộng thêm chi phí tính từ hao hụt, trộm cắp. Tính ra người đi mua sắm phải bỏ ra thêm 330 đô-la để bù vào các chi phí chống trộm của cửa hàng.

Các cửa hàng bách hóa tổng hợp, siêu thị Úc đã dùng nhiều biện pháp kỹ thuật tối tân nhất để chống trộm. Nhưng dân ‘đạo chích’ ngày nay cũng tinh khôn hơn trước rất nhiều. Một số người cho rằng đây là cuộc đấu trí… ’kẻ tám lạng, người nữa cân’!

1001 cách trộm

Các chuyên gia từ Checkpoint Systems, một công ty đề ra giải pháp chống trộm trong lĩnh vực bán lẻ, đã bỏ ra nhiều tháng liền để theo dõi tình hình trộm đồ tại cửa hàng ở Úc.

Theo họ, cách trộm đồ thường gặp nhất là người mẹ lén lấy quần áo treo trong shop giấu vào trong xe đẩy trẻ sơ sinh. Kế đến là khách hàng âm thầm bật nắp hộp sữa bột, đổ toàn bộ sữa vào bao ny-lon rồi tỉnh bơ thoát ra ngoài.

Tại shop thời trang, nhiều người giả chọn mua quần áo đi vào phòng thử mặc đồ mới vào người rồi mang đồ cũ đem ra ngoài và ‘chuồn’ luôn. Ở hãng sản xuất thực phẩm, công nhân làm lấy các tảng thịt ngon nhất đem bán cho khách sạn.

Một hình thức trộm đồ khác tinh vi hơn cũng cần phải nhắc đến, đó là các băng nhóm bất hảo gây phân tâm cho người bán hàng, để một kẻ thừa cơ ‘chôm’ món đồ đã được ‘nghía’ từ trước.

Các cửa hàng bách hóa tổng hợp cấp cao như David Jones, Myer đựợc dân trộm chuyên nghiệp để ý liên tục. Theo báo The Australian, trong những tháng trước Giáng sinh, số người trộm đồ bị nhân viên an ninh bắt quả tang ở David Jones tăng hơn ngày thường tới 30%.

David Jones thừa nhận mỗi năm hệ thống cửa hàng này mất 21 triệu đô-la do hàng hóa thất thoát vì trộm cắp. Hàng bị “cuỗm” nhiều nhất tại David Jones là nữ trang và đồng hồ – những món đồ mắc tiền vốn được trưng và bảo vệ kỹ trong tủ kiếng. “Quý vị không tưởng tuợng nổi người ta lấy đồ táo tợn đến mức nào. Họ chôm đồ ngay trước mắt của nhân viên quầy hàng”, Mark McInnes cựu giám đốc điều hành David Jones kể.

Theo Giám đốc Hội bán lẻ Úc châu Gary Black, kẻ trộm sẽ dùng mọi vỏ bọc bên ngoài để cải trang là người bình thường nhất. “Chúng là bất cứ ai: có thể là bà mẹ giấu đồ trong xe đẩy trẻ thơ hay cánh đàn ông lực lưỡng hiên ngang khênh chiếc tivi ra khỏi shop cứ như là đã thanh toán tiền sòng phẳng rồi”, ông Black nói.

Điểm mặt ‘đạo chích’ xứ Úc

Ngày nay không chỉ người túng quẫn, kẻ thiếu tiền và dân nghiện ma túy mới đi chôm chỉa. Nguời ta nghe nói có sự điều hành của những băng đảng trộm đồ ‘có tổ chức’, với số đồ kiếm được nhờ ăn cắp trị giá hàng triệu đôla Úc.

Cách tiêu thụ đồ trộm cắp ngày nay cũng khác trước. Trước đây những kẻ trộm vặt (ở siêu thị) hay mang đồ gian ra quán rượu, bãi đậu xe để tiêu thụ. Ngày nay phần lớn đồ trộm cắp được giao dịch qua mạng Internet. Các website mua bán đồ cũ lẫn mới như eBay là nơi kẻ trộm hoạt động khá “nhộn nhịp”. Ban điều hành trang eBay gần đây đã thuê một cựu sĩ quan cảnh sát tại bang NSW để theo dõi việc mua bán ở nuớc Úc. Mạng thuơng mại điện tử eBay cho hay một số người tìm cách tẩu tán hàng bất chính qua trang mạng này đã bị điều tra và buộc tội.

Gần đây một nhóm trộm với tên gọi “Nữ quái Pandora”, điều hành bởi ba gia đình tại Sydney, vừa bị bắt quả tang tại Burwood Plaza (Sydney). Cảnh sát cho hay nhóm trộm chuyên nghiệp này đã “tung hoành” ngược xuôi tại các trung tâm mua sắm lớn ở các tiểu bang NSW, Canberra và Queensland trong suốt sáu tháng.

Đầu tháng 11/2010 cảnh sát Sydney đã tiến hành tảo thanh chợ trời Flemington. Tám sạp bán đồ, trong đó có DVD, mỹ phầm, hàng điện tử đã bị ‘hỏi thăm’. Nhiều sản phẩm mới cáu cạnh nhưng không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp đã bị tịch thu. Bên cạnh đó một số hàng bày bán thậm chí vẫn còn nguyên giấy báo giá của… cửa tiệm chính gốc. Trị giá số hàng thu hồi lên tới 64.000 đô-la.

Gần đây nhất cảnh sát tại Sydney phát hiện một nhà kho chứa mỹ phẩm lấy trộm từ siêu thị với trị giá lên tới cả triệu đô-la. Chủ nhà kho chứa đồ gian này vốn là đầu mối chuyên thu mua đồ chôm từ siêu thị trong suốt mười năm qua. Những món hàng chôm được chuyển tới “nhà kho” với giá thu mua chỉ bằng phân nửa giá chính gốc.

Cảnh sát Paul Clifford, Chỉ huy Đội đặc nhiệm chống trộm đồ trong lĩnh vực bán lẻ tại NSW, cho hay nhiều băng đảng trộm cắp đang mở rộng tầm hoạt động. “Những nhóm này không trộm đồ ở một chỗ như trước. Họ di chuyển từ vùng này sang vùng khác, từ thành phố này sang thành phố khác, hoạt động xuyên tiểu bang”.

Cuộc rượt đuổi như ’Tom và Jerry’

Theo cảnh sát Paul Clifford, cách chống nạn trộm cắp đồ tốt nhất là phối hợp tin tình báo từ các tiểu bang, đưa ra các sáng kiến mới, giành quyền chủ động trước tội phạm.

Từ các bài học thu được qua chiến dịch thí điểm chống trộm đồ tại khu mua sắm Westfield ở Parramatta, cảnh sát bang NSW hiện đang mở chuyên án mang tên gọi “Tóm gọn bàn tay dơ bẩn”, qua đó sẽ đặt thêm camera ghi hình chống trộm mới nhất tại các trung tâm mua sắm và điểm bán lẻ lớn trên toàn Sydney.

Việc nghe lén, theo dõi nghi phạm cũng được đẩy mạnh. Kể từ nay nhân viên an ninh của cửa hàng có thể phát hiện kẻ trộm từ xa, lần theo đường đi nước bước của ‘đạo chích’. Họ sẽ truy đuổi, ngăn chặn lối thoát của tên trộm từ cửa hàng đến lối đi của trung tâm mua sắm và ra tận bãi đỗ xe nếu cần thiết.

Nhờ có thêm người và camera theo dõi, nạn trộm cắp đồ tại Westfield Parramatta giảm mạnh, từ 1300 vụ trình báo về mất trộm/năm ở năm 2009 nay chỉ còn 500 vụ/năm.

Bàn về chiến lược chống trộm, Giám đốc Hội bán lẻ Úc châu Gary Black nói nhiều trung tâm mua sắm hiện giờ có khả năng theo dõi và bám đuổi kẻ trộm tại các điểm khác nhau, qua hệ thống camera thu hình liên hoàn. Số kẻ bị bắt gia tăng vì có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ phận an ninh từ cửa hàng đến trung tâm và ngoài bãi đỗ xe.

Chuyên gia Mike Ramsey từ công ty Charter Security cho rằng có một cuộc rượt đuổi gay cấn giữa sự tiến bộ của kỹ nghệ chống trộm và kỹ năng ‘chôm’ đồ của các tay trộm.

“Cửa tiệm vừa lắp xong các thiết bị chống trộm, kẻ cắp đã tìm cách bẻ khóa chúng. Vẫn chưa biết ai hơn ai trong cuộc đấu trí này”.

Theo bay vut

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc