Home » Xã hội » Bệnh nhân bị ‘bắt cóc’ trước cổng bệnh viện
Sáng nay vừa đến cổng Bệnh viện da liễu TP HCM, chị Phương bị một thanh niên kéo tay bảo “bệnh viện hôm nay bị thanh tra nên không làm việc”. Chưa kịp phản ứng, hai người khác vây lấy chị dụ đến khám ở ngoài.

Chị Phương từ quê một mình lên thành phố khám bệnh. Nghe nhóm thanh niên thuyết phục “có bác sĩ chuyên khoa da liễu khám nhanh hơn để kịp về quê trong ngày”, chị Phương đi theo hướng dẫn của họ để đến một phòng khám ở con đường đối diện bệnh viện. Tại đây chị được khám qua loa với giá 120.000 đồng, rồi nhận toa thuốc gần một triệu đồng.

“Cò” tìm kiếm khách trước Bệnh viện Da Liễu TP HCM. Ảnh: Trung Hào.


Trưa 18/4, từ Long An lên Bệnh viện da Liễu TP HCM khám bệnh nấm ăn chân, chị Hoa cũng bị một “cò” đứng ngay cổng bệnh viện kéo sang đường Phạm Đình Toái ở gần đấy, miệng bảo “bệnh viện đã chuyển sang quận khác nhưng các bác sĩ của bệnh viện vẫn làm việc ở gần đây”.

“Biết không thể chống cự, tôi đành vào khám mất gần 200.000 đồng với chẩn đoán viêm da. Bác sĩ kê một toa thuốc dài, tôi hỏi giá ước tính hơn nửa triệu đồng. Lấy cớ không đủ tiền, tôi thoát ra ngoài sau đó lẻn vào bệnh viện khám với toa thuốc chưa đến 200.000 đồng”, chị Hoa kể.

Bác sĩ Vũ Hồng Thái, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM – người từng bị những người dắt mối lôi kéo vì tưởng là bệnh nhân, cho rằng đây là vấn nạn rất khó có giải pháp bởi “cò” hoạt động hoàn toàn ngoài bệnh viện.

“Chính quyền địa phương nhiều lần dọn dẹp theo kiểu vi phạm trật tự nơi công cộng, tuy nhiên tình hình lắng xuống vài ngày rồi lại đâu vào đấy. Giờ chúng tôi chỉ còn cách đọc thông báo liên tục ở cổng để người bệnh đừng tin vào cò mà thôi”, bác sĩ Thái nói.

Riêng với lời chiêu dụ “ra ngoài sẽ được bác sĩ của chính bệnh viện khám” hoặc “ra ngoài khám nhanh hơn”, theo ông Thái là không chính xác, bởi những bác sĩ mà “cò” giới thiệu hoàn toàn không phải là người đang làm việc tại bệnh viện của ông. Thêm nữa, thời gian khám tại bệnh viện là không quá lâu bởi lúc nào cũng có hơn 20 bác sĩ phụ trách khám.

Không quá lộng hành như ở Bệnh viện da liễu, trước cổng các bệnh viện chuyên khoa vốn đông người đến khám như Ung Bướu, Từ Dũ, nạn “cò” vẫn còn tồn tại và phiền hà người đến khám.

Sáng 19/4, mặc tiếng loa từ trong bệnh viện Từ Dũ cảnh báo “không nên nghe theo lời mời chào trước cổng bệnh viện”, nhiều người vẫn bị “cò” chào mời.

Cố khoát tay từ chối, cô gái tên Thúy quê ở Tây Ninh vẫn bị một thanh niên bám theo đến cổng bệnh viện. “Anh ấy bảo nếu có khám thai hay phá thai thì anh ấy cho địa chỉ”, Thúy nói với VnExpress.net.

Chị An nhà ở Cần Đước – Long An cho hay, phòng khám mà chị được giới thiệu ở cách bệnh viện không xa. Việc thăm khám chỉ thực hiện bằng tay và các ống nghe rất đơn giản nhưng giá mỗi lần khám lên đến trên 300 nghìn đồng.

Cổng Bệnh viện Ung Bướu TP HCM trưa 19/4, “cò” vẫn đi bộ theo vỉa hè trước cổng bệnh viên hoặc đứng đối diện để câu kéo khách. Mục đích chủ yếu là giới thiệu bệnh nhân đến các phòng khám và chẩn đoán hình ảnh tư nhân.

Cổng Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic (Hòa Hảo) cũng là nơi
Cổng Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Medic (Hòa Hảo) cũng là nơi “cò” thường chờ lôi kéo bệnh nhân. Ảnh: Trung Hào.


Không chỉ xuất hiện ở bệnh viện công, ngay cả Trung tâm Chẩn đoán y khoa – Medic (quận 10) cũng bị đội ngũ dắt mối mời chào bệnh nhân tấn công. Thấy người bệnh đứng lớ ngớ, những người này lập tức tiếp xúc rồi lôi kéo đến các phòng xét nghiệm gần đó với lý do “cho kết quả xét nghiệm nhanh hơn”. Mỗi lần phí giới thiệu là vài chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng.

Báo cáo công tác thanh tra Sở Y tế TP HCM, từ năm 2009 đến nay, việc kiểm tra các phòng khám bị tố giác liên quan đến nạn “cò” vẫn được Sở thường xuyên thực hiện. Song đến nay vẫn chưa phát hiện những phòng khám này có dấu hiệu sai phạm.

Theo một phó giám đốc bệnh viện – người từng đau đầu vì nạn “cò”, thật khó để trị nạn này khi mà cơ quan chức năng không vào vai người bệnh để tìm được bằng chứng “cò” móc nối với phòng khám tư để chiêu dụ, lừa gạt bệnh nhân.

“Trước mắt, để tránh nạn bị cò dụ dỗ, bệnh nhân nên kiên quyết từ chối và vào thẳng bệnh viện để khám”, bác sĩ này khuyến cáo.

Trung Hào

Theo vnexpress


01 ý kiến dành cho “Bệnh nhân bị ‘bắt cóc’ trước cổng bệnh viện”

  1. Bệnh nhân 22/04/2011

    “Vừa ăn cướp vừa la làng”. Tội nghiệp người Việt Nam.

    Reply

Ý kiến bạn đọc