Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ, Tiêu biểu sideshow » Bí mật đời tư của một “tỷ phú giang hồ”

Dáng người thấp, ăn mặc tuyềnh toàng, nhưng đôi mắt rất sáng và thông minh, không ai nghĩ vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Bình từng có một quãng đời “bất hảo” – ngang dọc tung hoàng – đúng nghĩa…

Bí mật đời tư của một “tỷ phú giang hồ”
Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Văn Bình bận rộn với những hợp đồng

Lần theo lời kể, tôi đến tiểu khu Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên, Hà Nội, hỏi thăm anh Phạm Thanh Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Bình. Tôi thấy rất ngạc nhiên vì hầu hết người dân ở đây ai cũng biết anh. Ngạc nhiên hơn, họ gọi anh bằng cái tên “Bình bò”… Đó là “biệt hiệu từ thời hắn còn đội trời, đạp đất”… Những người dân chân chất ở đây không ngần ngại, cho biết. Họ kiêng nể “lý lịch trích ngang” của “Bình Bò”, bởi “hắn nói được, làm được”… Cụ thể là có lần công nhân của anh làm hỏng việc, suýt nữa thì công ty bị đối tác phá hợp đồng, thiệt hại kinh tế. Bực mình, đêm hôm trời rét căm căm anh quáng quàng khoác vội bộ véc ra công trường. Anh đã không quản khó nhọc, một mình bì bõm lội xuống ao, kiểm tra độ nông sâu. Rồi anh tự tay lái máy xúc. Anh hì hục làm đến tận sáng hôm sau. Công nhân của anh sợ xanh mặt, phía đối tác phục sát đất. Vậy là vị CT HĐQT đã cứu công ty một bàn thua trông thấy. Sau lần đó, anh em công nhân không còn giám làm hỏng việc nữa.

Đại ca giang hồ và quãng đời “bất hảo”

Ngôi nhà nằm ở vị thế đắc địa trên đường quốc lộ cũ, khá khang trang, hoành tráng. Một người phụ nữ còn khá trẻ, sắc sảo, tự giới thiệu là vợ của Bình, tiếp chúng tôi. Trong câu chuyện, dù rất chân thành, nhưng khi gợi đến chuyện của đời tư của anh Bình, chị lảng đi… Chị bảo, chuyện của anh, đợi anh về kể…

Anh bình về khi đồng hồ chỉ gần 12h đêm. Vừa bước vào nhà, anh rối rít xin lỗi, vì đang phải bận chút việc với anh em giám thị trại giam ở Ba Vì. Với hợp đồng san đất 150 triệu đồng. Nơi đó, họ coi anh như người nhà. Hễ có việc, là họ lại gọi anh. Anh bảo, nếu vì lợi nhuận thì đã không cất “quân” lên đó. Nhưng vì nể tình, lại trọng nghĩa…

Anh Bình sinh ra ở ngõ Thổ Quan (Hà Nội). Trong ký ức tuổi thơ của anh là những năm tháng trèo me, trèo sấu. 10 tuổi, học đòi theo đám thanh niên trốn vào rạp Dân chủ xem phim, bắt chước họ móc túi của khách. Học đến lớp 7 thì nghỉ học, gia nhập vào đội quân “hai ngón” chuyên móc túi. Rồi bị bắt, đưa vào trại giáo dưỡng. Ra trại, vẫn không “hoàn lương”, lại tiếp tục bị đưa vào trại Thanh Hoá. Quãng thời gian ở đây đã “tôi luyện” Bình lì lợm, ngang tàng hơn. Ngày được ra trại, cùng đồng bọn quay lại, vượt qua 3 lớp bảo vệ: rào thép, cảnh sát, chó nghiệp vụ, vào kho lấy 3 khẩu Khẩu K54, khẩu K59, 4 quả lựu đạn…

Có “chó lửa” trong tay, Bình càng khét tiếng, cướp bóc tàn bạo, liều lĩnh. Một lần, cùng “đồng bọn” đang đi săn “hàng” trên địa phận Hà Tây (cũ) thì chạm mặt với đại uý Đỗ Văn Quảng, đội trưởng cảnh sát hình sự Thanh Oai.

Trận đấu súng chớp nhoáng đã khiến đại úy Quảng ngã gục. Sau trận đấu súng nẩy lửa này, Bình trở thành đối tượng bị công an truy nã trên phạm vi toàn quốc. Thời điểm này, anh mai danh ẩn tích ở nhà một chiến hữu ở thị trấn Phú Xuyên.

Chính quãng thời gian này, dường như được Bình được hồi sinh. Khi lần đầu tiên anh bị mê mẩn bởi một cô thôn nữ tên Huyền, tình yêu nẩy nở giữa hai người. Ban đầu, Huyền nghĩ hắn là thanh niên Hà Nội đang thất cơ, lỡ vận nên dạt đến đây để lập nghiệp. Nhưng cái kim lâu ngày đã lòi ra. Khi gia đình Huyền biết giữa hai người có tình cảm với nhau nên đã phản đối quyết liệt. Tuy nhiên, trái tim Huyền đã trót trao cho kẻ sát nhân… Huyền bảo: Nếu, anh thật sự thương hai mẹ con em thì nên ra đầu thú ngay đêm nay, còn có cơ hội làm lại cuộc đời. Dù, anh phải ngồi tù 20, em vẫn sẽ đợi.

Ngay tối hôm ấy, Bình đã quyết định đến công an đầu thú, nhận án tù 12 năm. “Ngày ấy, nếu không có sự giúp đỡ của nhà vợ thì tôi đã không phục thiện được. Có lẽ, cũng đã xanh cỏ từ lâu”… Bình tâm sự chân thành.

Từ phạm nhân thành tỷ phú…

Năm 1995, dịp đất nước kỷ niệm 20 ngày hoàn toàn được giải phóng, trong lệnh công bố ân xá phạm nhân, khi cán bộ trại giam đọc tên Phạm Văn Bình, anh đã đã rưng rưng khóc. Rồi ôm chầm lấy cán bộ trại giam. Ngày rời trại, Bình được công an tiếp đón. Nhiều thân hữu, có nhã ý tạo việc làm cho Bình ở bến xe. Những người đã từng biết quá khứ của Bình, muốn giúp. Nhưng sợ mình lại rơi vào ngựa quen đường cũ, Bình đã khước từ mọi lời đề nghị. Những ngày đầu rời trại, không có việc làm, Bình chỉ quanh quẩn ở nhà.

Thương vợ phải quần quật, nghe những lời dị nghị của hàng xóm… Chị vợ không hề oán trách nhưng nhiều đêm tủi thân, len lén ngồi khóc một mình. Bình hiểu tâm can của vợ. Nhiều đêm, Bình cũng đã khóc tức tưởi. “Nhàn cư vi bất thiện” có thời điểm, Bình đã nghĩ quẩn. Nhưng bằng tình yêu thương của vợ, anh đã vượt qua, không cho phép mình… trở lại vết xe đổ ngày xưa.

Rồi Bình đi đóng gạch thuê. Sau một thời gian, cán bộ trại giam đã tận tình giúp đỡ anh. Bình gom góp thêm của gia đình nhà vợ, anh em để mua một chiếc máy xúc. “Thời mọi người đua nhau chuyển ruộng thành vườn, ao, chuồng. Mình không có ruộng thì đi đào ao, đắp vườn cho họ cũng sống khoẻ”. Anh Bình kể lại. Gom gió thành bão, đến nay Bình đã có một công ty riêng, làm ăn phát đạt, được anh em bạn bè và đối tác tin cậy.

Nhưng, dù đã là ông chủ thì anh Bình quan niệm, “người có của kẻ có công”, không phân định chủ tớ với công nhân, của mình cũng là của chung. Với những người lao động lâu năm, anh cho họ được góp cổ phần… Hiện công ty anh có 20 công nhân, công nhân của công ty có mức lương trung bình từ 2,5 triệu đồng/ tháng, được đảm bảo các chế độ phúc lợi đầy đủ.

Người đàn ông với một quá khứ “anh chị” bất hảo, giờ đây đã là ông chủ của một công ty Cổ phần với tài sản hơn 10 tỷ đồng, vẫn miệt mài với rất nhiều ước mơ chân chính “làm giàu cho mình và cho xã hội”…

Hiện tại công ty của anh Bình chuyên nghề xây dựng công trình thuỷ lợi, giao thông, san lấp mặt bằng, nạo vét sông, đắp đê bằng cơ giới, xây dựng đường điện 35 KV mua bán thiết bị và các loại máy thi công… Hiện nay công ty của anh đã đảm nhiệm 50% lượng công trình toàn tỉnh. Hầu hết những công trình tư nhân đều do công ty của anh đảm nhiệm.

Anh Bình dự định sẽ mở rộng quy mô phát triển sang các tỉnh lân cận về công trình thủy lợi, giao thông. “Nếu tôi không xác định hoàn lương sớm thì không có cơ hội làm lại cuộc đời. Đó là quyết định cực kỳ sáng suốt. Tôi hàm ơn vợ và gia đình nhà vợ. Tôi đã được hồi sinh một lần nữa…” anh Bình bộc bạch chân thành…

Theo Nguyên Hương/ Báo Tầm nhìn/vtc

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc