Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ, Tiêu biểu sideshow » Phỏng vấn một cái xe gắn máy

“Nếu dùng máy bay với tư duy của người đi xe máy hiện nay, nghĩa là cũng rẽ ngang rẽ tắt tùy tiện, phớt lờ các tín hiệu hướng dẫn thì chỉ vài ngày, bầu trời rộng rãi gấp vạn lần diện tích đường sá cũng sẽ chật cứng và công nghệ tái chế kim loại từ máy bay sẽ phát triển…”

Phóng viên (PV): Cần phải nói thật lòng: Tôi rất yêu mến anh nhưng…

Xe gắn máy (XM): Không riêng gì anh, rất nhiều người yêu mến tôi…

PV: Vậy là anh không giận chúng tôi… khi mà đang có nhiều ý kiến…

XM: Xin mạn phép nhại từ một lời thơ: “chỉ có biển mới hiểu…”. Vâng, chỉ có chúng tôi mới hiểu, anh đi đâu, họ đi đâu, về đâu.

PV: Hình như anh có những điều thầm kín, những tâm sự buồn…?

XM: Thầm kín thì có, nói theo ngôn ngữ tình yêu, thêm chút thực tiễn: tôi là hơn một nửa còn lại của anh. Tôi dám đoan chắc rằng, có khoảng 60% số người đang dùng xe máy bỏ… vợ thì được, còn bỏ tôi, quỵ ngay. Ngay anh đây thôi, ngoài việc làm ở tòa soạn, nếu đi làm cái phóng sự “gỗ lậu” mà bị lâm tặc phát hiện thì phải chạy; và nếu chạy bộ hay chờ… xe buýt, có lẽ hôm nay đã không có cuộc chuyện trò này!

Điều này nói rằng: hiện mức thu nhập chính của đại đa số người đi xe máy rất thấp so với nhu cầu chi dùng, nên vẫn còn phải đi làm thêm, học thêm, dạy thêm, đi bán bảo hiểm, tiếp thị thêm v.v… Từ đó, tôi hiểu rằng các anh không thể bỏ được tôi. Hiện nay còn vài triệu người đang bóp bụng bóp dạ, dành dụm từng đồng, đếm từng tháng như anh ngày xưa để có tôi. Có những người khi mua được tôi rồi, khi không đi họ để nơi trang trọng, phủ một tấm mền rất đẹp. Ôi, con người…!

Tôi đã xúc động khi được các anh chăm bẵm, phủ mền, có những anh xoay trần ra cả tuần, bỏ cả hẹn hò với người tình, bỏ ra gần triệu bạc “lên đời”, căn chỉnh, sơn tút lại khi tôi cũ kỹ. Nếu có một nhà sử học làm một sơ phác chặng đường của dân tộc anh từ thời chân đất chạy theo cầm thú đến cái xe gắn máy, thực là một hành trình đủ để tự hào, nhưng hễ động đến chuyện ách tắc là họ đổ vấy cho chúng tôi (khóc).

PV: Thực thà mà nói, đã có bao nhiêu mạng người bể nát, tàn tật…

XM: Ấy, trăm sự chính là chỗ ấy đấy. Trong những ngày đau buồn này, tôi đã được sự sẻ chia của bao nhiêu người đồng cảnh ngộ. Mới hôm qua đây thôi, anh Rượu còn gạt nước mắt nói với tôi: tôi đã từng truân chuyên như anh, đã từng bị cấm đoán, thậm chí coi như biểu hiện man rợ cần loại ra ngoài đời sống mặc dù khi họ còn nhỏ, tôi được pha thuốc xoa bóp vết thương cho họ.

Khi họ lớn, tôi là thứ họ bưng bằng hai tay trong mâm sính lễ tác thành đôi lứa, là vật thể đền ơn cha mẹ, tổ tiên họ đặt trang trọng trên bàn thờ ngày lễ tết, là niềm vui của họ khi hân hoan, là người chia sẻ nỗi buồn với họ, thế mà… (XM lại khóc)

PV: Tôi nhắc lại: không thể chối bỏ việc ở đất nước này mỗi ngày có ba bốn chục người thiệt mạng vì…

XM: Vì cả những cái ô tô du lịch trị giá hàng tỉ đồng, vì những thằng điên phóng bạt mạng… Sao các anh không lập tức làm một phép so sánh với hơn 15 triệu xe còn lại không có chuyện gì, coi số rủi ro là bao nhiêu phần vạn? Xin dẫn qua một địa hạt khác: một tiệc cưới diễn ra tại chỗ, tốc độ bằng 0 km/giờ không va chạm với ai, thế mà đùng một cái ăn uống xong ,vài chục người lăn ra khi chưa kịp lên… xe máy !

PV: Thế ra anh hoàn toàn vô sự?

XM: Chắc chắn là như vậy!

PV: Anh có sợ sẽ… tiệt giống khi xe buýt phát triển?

XM: (phì cười) Ôi thôi thôi… nhà báo nên biết một điều rất chi đặc biệt là xe buýt phát triển đến đâu, ách tắc tăng đến đó. Hai thứ này tỷ lệ thuận với nhau phát khiếp. Hôm qua tôi nghe chuyện hai anh nói với nhau về một bi kịch: một anh sau khi lấy vợ nửa tháng rất thất vọng vì cô vợ có vẻ như vô cảm. Da thịt cứ như gỗ đá. Anh đã làm đủ mọi cách mà khi… rờ vào cứ lạnh tanh. Thở ngắn than dài rồi tìm hiểu kỹ tình cảnh của vợ, anh mới tá hỏa ra rằng: tất cả vì… xe buýt.

Từ hồi là sinh viên đến nay, 5 năm trời cô đi xe buýt. Tại 70% chuyến xe đó, cô bị lèn trong biển người nồng nặc mồ hôi và những va chạm sát sàn sạt lên đùi, ngực, mông, eo mình… Da thịt cô đã chai sạn với mọi loại người, đủ thứ từ đàn ông, đàn bà đến cả loại không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà. Cho nên khi lấy chồng, cô mất hẳn sự nhạy cảm đôi lứa, thế có chết không cơ chứ!

PV: Thế theo anh, nguyên nhân chính là từ đâu khi chuyện ách tắc và tai nạn xảy ra hàng ngày?

XM: Rất cảm ơn anh đã hỏi một câu chí lí để tôi được nói điều thiêng liêng này: vài tháng qua, tôi rất buồn khi các anh từ thụ động, quanh quẩn đến võ đoán khi lần tìm nguyên nhân của vụ này và cuối cùng, vì không tìm ra thủ phạm nên bao nhiêu oan trái các anh đổ tất lên đầu tôi. Bi kịch là ở chỗ, mặc dù có vẻ rất nhất trí hô to khẩu hiệu chống tôi, nhưng 95% là chính những người chống tôi, trong đó có các anh, vẫn không rời tôi nửa bước… khi các anh chưa thể bỏ tôi mà đi tắt sang phương tiện khác như nhà báo M trong vụ Tamexco…

PV: Và anh đã phát hiện ra nguyên nhân chính?

XM: Vâng! Và tôi hiểu rằng sớm muộn chính các anh cũng hiểu; và khi các anh đã hiểu được thì quan hệ chúng ta sẽ bền chặt hơn, anh lại dẫn tôi đến cả những nơi mà vợ anh cũng chưa chắc được đến. Những nguyên nhân đó là: tốc độ phát triển ghê người của các thành phố lớn để đạt được sự nhất về cái này, nhì về cái kia, hơn vài chục địa phương khác về cái nọ.

Điều này thu hút người tứ phương đến thành phố làm ăn, nếu họ không đi bằng xe máy mà đi bằng xe đạp hay ô tô thì cũng vẫn ách tắc, khi hạ tầng cơ sở chỉ thích ứng với loại thành phố hai triệu dân mà nay phải gồng gấp bốn lần, còn đi máy bay thì…

PV: Chắc chắn không tắc…

XM: Nhưng tắc tử! Nguyên nhân thứ hai chính là từ đây: nếu dùng máy bay với tư duy của người đi xe máy hiện nay, nghĩa là cũng rẽ ngang rẽ tắt tùy tiện, phớt lờ các tín hiệu hướng dẫn thì chỉ vài ngày, bầu trời rộng rãi gấp vạn lần diện tích đường sá cũng sẽ chật cứng và công nghệ tái chế kim loại từ máy bay sẽ phát triển. Tóm lại, nguyên nhân thứ hai chính là “con người”. Thay vì uốn nắn con người thì các anh cứ đổ riệt vào cái thân tôi.

PV: Có lối thoát nào không?

XM: Các anh đang phát hiện ra “lối thoát” vốn đã có sẵn từ lâu, chính là kỷ cương pháp luật. Nếu một tên bất trị một tháng bị thu xe hai lần, bị xử phạt hơn triệu thì hắn sẽ trở thành người hiền nhất, nhưng để làm được việc đó…

PV: Có khó lắm không?

XM: Khó, nhưng dễ hơn việc đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng từ từ cải tạo, phát triển hạ tầng, khi ngay bây giờ chi thêm vài tỉ cho quỹ lương để phát triển lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) lên dăm lần hơn, tạo thành một nền nếp lâu dài của cái nghề biến những thằng bất trị thành thằng hiền nhất.

Đương nhiên cũng phải dành ra số lẻ để chi cho việc giám sát, kiểm soát và xử lí chính những CSGT kia, khi ta phát hiện ra những anh làm theo quy trình ngược, nghĩa là biến những thanh niên hiền nhất thành những thằng bất trị, khi lỗi lầm của họ được… bỏ qua, được thông cảm vài lần.

PV: Anh đánh giá thế nào về những việc chúng tôi đã làm hiện nay như bấm lỗ bằng lái, khó khăn trong việc cấp bằng và… nâng cao các lệ phí…?

XM: Ôi thôi, xin miễn cho cái khoản nói về bằng cấp ở đất nước này. Hãy nhớ đến chuyện bằng cao học của một chức trách ngành đại học ở Huế… Tôi dám chắc rằng, với những người đã dùng xe máy một năm, nay phải đi thi lấy bằng lái, thực chất chỉ là vấn đề thủ tục, hao tiền, tốn của, hại thời gian và tạo tiềm năng cho tiêu cực.

PV: Còn chuyện thu thêm vài thứ lệ phí, có thể bằng một phần tư giá trị chiếc xe để hạn chế…

XM: Chỉ có thể hạn chế người có xe máy chi tiêu ở những lĩnh vực khác như tiền học cho con, tiền mua sắm…

PV: Nghĩa là xe máy vẫn phải tồn tại?

XM: Và phát triển, ít nhất là gấp đôi số xe hiện nay. Nếu anh không thừa nhận, không ước lượng được thực tế này để làm bất cứ việc gì ở hệ này cũng phải tính đến, phải thích ứng với căn bản đó thì nên sang… nước khác mà làm việc. Nhưng xin nhớ đừng đến Thái Lan, Pháp hay nước Anh, cho dù ở đó không có bao nhiêu xe máy, nhưng cũng ắch tắc ra trò đấy…

PV: Xin cảm ơn anh!

Nguyễn Huy Cường

Theo Tamnhin


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc