Home » Chia sẻ, Cuộc sống số » Blog ‘về nhì’ trong cuộc đua với mạng xã hội

Liệu đã đến lúc để nhìn nhận sự thoái trào của phong trào blog sau mười năm nở rộ, nhường bước cho sự lên ngôi của mạng xã hội? Xu hướng này, mặc dù có thể chứng minh bằng các con số, nhưng dường như câu chuyện lại không đơn giản như vây.

[title]

Ngày càng có nhiều người trẻ sử dụng mạng xã hội Facebook. (ABC)

Giới trẻ rời bỏ blog

Minh, 22 tuổi – một tay máy nghiệp dư, vừa chụp được loạt ảnh đẹp trong chuyến du lịch khám phá nước Úc. Sau hai tuần đăng trên blog chỉ có được vài ba ‘comment’ (nhận xét), cậu quyết định đưa chúng lên Facebook. Ngay ngày hôm sau, rất nhiều bạn bè đã chiêm ngưỡng và khen ngợi thành quả bước đầu của Minh. Cậu rất mãn nguyện.

Chuyện của Minh cũng tương tự Michael McDonald, một học sinh trung học ở Mỹ, mà báo New York Times mới đăng tải hồi tháng Hai vừa qua. Michael đã đưa lên Facebook của mình một đoạn video clip do cậu thực hiện và được rất nhiều người xem, trong khi đó khi clip này được đăng ở blog thì nó nhận được rất ít sự quan tâm.

Những số liệu cùng kì năm 2010 được công bố qua hai cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Pew, Hoa Kỳ, đã cho thấy sự sụt giảm đáng kể số lượng người trẻ viết blog.

Tại Mỹ, tỉ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-17 sử dụng Internet và có blog đã giảm xuống một nửa, chỉ còn 14%, trong giai đoạn 2006 -2009. Ngoài ra, cũng chỉ có hơn 50% những người trẻ này cho biết họ có ‘comment’ (nhận xét) trong blog của người khác, so với con số trước đó là 76%.

Song song với xu hướng dần rút lui khỏi blog, trên 70% số người dùng Internet ở nhóm đối tượng này đã tham gia mạng xã hội.

Ở Úc, khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu Marketing mạng ‘comScore’ tìm hiểu về người sử dụng Internet ở Úc vào tháng 12/2010 và được công bố vào tháng 2/2011 cũng cho thấy cứ năm phút lướt web thì người Úc dành một phút cho mạng xã hội.

Mặc dù không đề cập cụ thể về độ tuổi nhóm đối tượng tham gia khảo sát nhưng công ty trên cũng cho biết hơn 81% người dùng Internet đã tham gia mạng xã hội (cao nhất là ở Bắc và Nam Mỹ với tỉ lệ 88%). Trong đó, Facebook dẫn đầu các mạng xã hội ở Úc với 75% người sử dụng, bỏ xa các mạng như Windows Live (gần 13%), Linkedin (trên 10%), Myspace (xấp xỉ 7%).

“Phương tiện chính là thông điệp”

Theo thống kê của Viện nghiên cứu Pew, Hoa Kỳ, có khoảng 20% người dùng Internet từ 18-33 tuổi ‘nghỉ chơi’ với blog. Tuy nhiên, nếu tách riêng nhóm đối tượng từ 18-29 tuổi thì tỉ lệ này chỉ còn 15%.

Các khảo sát của Pew, hay Forrester Research cho biết, độ tuổi của những người còn sử dụng và viết blog ngày càng tăng, chủ yếu là trên 30. Điều này cho thấy nhiều vấn đề về sự khác biệt giữa lứa tuổi và các cách truyền tải thông tin của họ.

Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, cho phép người dùng dễ dàng kết nối với bạn bè, gia đình cũng như đăng tải hình ảnh, video clip, âm thanh, và những bài viết ngắn mà giới chuyên môn gọi là ‘micro-blogging’ (tạm dịch: blog ‘vi mô’ ). Trong khi đó, blog lại là không gian của những bài viết dài, những nội dung được biên soạn công phu, nghiêm túc hơn, được gọi là ‘macro-blogging’ (tạm dịch: blog ‘vĩ mô’).

Amanda Lenhart, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Viện Pew cho biết Pew quan tâm nhiều đến nhóm đối tượng trẻ với mục đích tìm hiểu xem liệu những ứng dụng công nghệ sẽ đi về đâu.

Bà nhận định: “Blog đã dường như đánh mất sự hấp dẫn với giới trẻ. Những thích thú ngỡ ngàng với blog đã qua rồi, và nay họ chuyển sang Facebook. Mạng xã hội này không cung cấp những ứng dụng chuyên cho viết blog nên cũng góp thêm vào sự thoái trào của phong trào blog trong giới trẻ”.

Viết trên blog ‘Theory Now’ của mình, họa sĩ Mark Cameron Boyd kiêm giáo viên thỉnh giảng nghệ thuật tại Đại học Maryland, Mỹ, cho rằng giới trẻ hiện nay chủ yếu lướt mạng bằng điện thoại di động thay vì máy tính vì nó thuận tiện cho họ ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên, điện thoại lại không có bàn phím to giống như máy tính, do đó, giới trẻ chủ yếu chỉ đăng tải những gì ngắn gọn nhất và nhanh nhất.

Theo ông Mark, chính phương tiện sử dụng quyết định cách kết nối và “chúng ta đều là nô lệ của phương tiện”. Ông nói: “Giới trẻ ngày càng ít thời gian để nghĩ, ngày càng ít viết về những câu chuyện trong cuộc đời mà thay vào đó là những dòng ngắn ngủi về tình trạng tâm lý nhất thời của họ”.

Quan điểm này gợi nhớ lại câu nói bất hủ gây tranh cãi trong giới truyền thông của Russ Steele từ những năm 1960 rằng: “Ph ương tiện chính là thông điệp.”

Câu nói này xem ra vẫn còn đúng cho đến nay, khi chúng ta đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc do phương tiện tạo ra. Ngay việc bạn sử dụng loại phương tiện nào cũng có thể cho thấy nhiều điều về con người bạn.

Thói quen lướt web bằng điện thoại, sản xuất những mẩu nội dung phân mảnh, ‘update’ (cập nhật) tâm trạng chớp nhoáng của giới trẻ, đã dần tạo ra một thế hệ mới với những cách thức thể hiện bản thân mới, và chính điều đó hình thành nên một nền văn hóa chưa biết gọi tên, nhưng được định dạng bởi phương tiện.

Trở lại bài viết trên báo New York Times. Tác giả bài báo cũng có ý chứng minh cho sự khác biệt thế hệ bằng kết luận về trường hợp một cựu sĩ quan Không lực Hoa kỳ. Ông Russ Steele, 72 tuổi, chủ của trang blog ‘NC Media Watch’, mặc dù có đăng ký Facebook nhưng không hề có ý định sử dụng nó thường xuyên.

Russ nói: “Tôi thà bỏ thời gian viết những bài phân tích trên blog còn hơn soạn những mẩu chữ ngắn cũn rồi đẩy nó đi cho mọi người. Tôi không cần phải nói với người khác là tôi chuẩn bị đi đến tiệm tạp hóa!”

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc