Home » Chia sẻ, Cuộc sống số » Buồn ơi, xin chào mi!

Những ai thường bị trầm cảm và lo lắng nay có thể nói “Buồn ơi, xin chào mi!” nếu được hỗ trợ thêm cách thức chữa bệnh bằng phương pháp trực tuyến hoặc nhận thông tin hữu ích qua email.

[title]

Phương pháp hỗ trợ trực tuyến hoặc qua email có thể giúp con người bớt trầm cảm và lo lắng để vui sống nhiều hơn. (stock photo/ABC)

Các nghiên cứu khoa học mới công bố cho thấy phương pháp hỗ trợ trực tuyến hoặc qua email đã bước đầu chứng tỏ hiệu quả tích cực trong việc giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng trầm cảm và lo lắng của con người.

‘Chiến đấu’ với bệnh trầm cảm và lo lắng

Trong Hội nghị Quốc tế Lần thứ 5 về Nghiên cứu Phương pháp Can thiệp Điều trị Các chứng bệnh Tâm thần diễn ra ngày 6/4/2011 tại Sydney, giáo sư Helen Christensen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần tại Đại học Quốc gia Úc (ANU) đã trình bày kết quả hai cuộc thử nghiệm về điều trị trầm cảm và lo lắng.

Bà Christensen cho biết cuộc thử nghiệm đầu tiên được phối hợp với ông Constance Guille từ Khoa Khoa học Hành vi và Bệnh học Tâm thần tại Đại học Nam Carolina.

Theo bà Christensen, cuộc thử nghiệm này được thực hiện trên cơ sở những nghiên cứu trước đó do ông Guille thực hiện. Theo kết nghiên cứu, khoảng 25% thực tập sinh y khoa năm đầu có nguy cơ mắc chứng trầm cảm hoặc lo lắng.

“Ông Guille muốn tìm hiểu phương pháp có thể ngăn ngừa việc phát triển những biểu hiện tâm thần này”, bà Christensen cho biết.

Cuộc thử nghiệm được thực hiện từ tháng 4/2009 đến tháng 6/2010 với 108 thực tập sinh y khoa trong độ tuổi 23 -40 từ Đại học Yale và Đại học Y khoa Nam California tham gia.

Một nhóm thực tập sinh tham gia chương trình sức khỏe tâm thần trực tuyến MoodGYM. Chương trình này kéo dài khoảng 4 tuần và bao gồm một số học phần liệu pháp hành vi nhận thức.

Nhóm thứ hai nhận được email cung cấp thông tin về chứng trầm cảm và địa chỉ hoặc người cần liên hệ.

Theo bà Christensen, kết quả cuộc thử nghiệm cho thấy những thực tập sinh thực hiện theo các học phần sức khỏe tâm thần trực tuyến có nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm thấp hơn 3,5 lần so với những người không sử dụng liệu pháp này.

Con số này tương đương với tỉ lệ giảm nguy cơ mắc chứng trầm cảm 62,6% ở các thực tập sinh.

Bà Christensen cho rằng mặc dù mô hình thử nghiệm tương đối nhỏ, kết quả bước đầu cho việc thực hiện các chiến lược sức khỏe tâm thần trực tuyến có nhiều khả năng thành công.

“Chúng tôi nghiên cứu những người có nguy cơ mắc bênh trầm cảm ngày càng cao. Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy chương trình MoodGYM có hiệu quả ngăn chặn quá trình phát triển bệnh”, bà Christensen nhận định. “Tôi cho rằng đây là bước khởi đầu thú vị”.

Bà Christensen cho hay ông Guille hiện dự định thực hiện lại nghiên cứu này với nhóm thực tập sinh Mỹ đông đảo hơn.

Công cụ trực tuyến giúp ‘giảm ý nghĩ tự tử’

Trong cuộc thử nghiệm thứ hai đang diễn ra, những đối tượng nghiên cứu được tham gia một khóa can thiệp điều trị tình trạng lo lắng bằng công cụ đa phương tiện trực tuyến trong thời gian 10 tuần.

Những người tham gia nghiên cứu được lựa chọn ngẫu nhiên thông qua danh sách cử tri Úc. Các nhà khoa học sẽ sàng lọc những người được lựa chọn để xác định các triệu chứng lo lắng.

Người tham gia nghiên cứu được chia thành 5 nhóm, trong đó 3 nhóm tham gia chương trình sức khỏe tâm thần trực tuyến ‘e-couch’ và 2 nhóm còn lại tham gia một chương trình sức khỏe tổng quát hơn mang tên ‘HealthWatch’.

Trong nhóm những người tham gia chương trình ‘e-couch’, số lượng giao tiếp với mọi người khá đa dạng.

Bà Christensen cho rằng phương diện nghiên cứu này rất quan trọng bởi dựa vào đó, các nhà khoa học có thể xác định được yếu tố nào khiến chương trình can thiệp trực tuyến có hiệu quả nhất.

“Tôi tin rằng kết quả sẽ chứng tỏ liệu pháp sử dụng email có hiệu quả giống như liệu pháp sử dụng điện thoại. Có thể là bản thân phương pháp e-couch cũng có tác dụng tích cực”, bà Christensen nhận xét.

Cho đến nay, 138 người đã tham gia thử nghiệm. Các nhà nghiên cứu đặt mục tiêu thu hút 500 người tham gia.

Theo kết quả thử nghiệm ban đầu, các nhóm khác nhau có những tác động khác biệt.

“Kết quả áp dụng phương pháp ‘e-couch’ rất khả quan. Phương pháp này hiệu quả hơn chương trình ‘HealthWatch’”, bà Christensen cho biết. “Điều đáng ngạc nhiên nhất là nhờ tác động của chương trình ‘e-couch’ mà ý nghĩ tự tử của những người được nghiên cứu giảm tương đối mạnh”.

Theo bayvut


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc