Home » Chia sẻ, Nhịp sống trẻ » Chàng trai Anh bị nhạc dân tộc H’mông ‘mê hoặc’

Chàng trai người Anh Lonán Ó Briain (sinh năm 1983) hiện đang thực hiện một đề tài khá thú vị và gây nhiều bất ngờ với những nhà nghiên cứu âm nhạc: ‘Nhạc dân tộc H’mông và những thay đổi trong thời kì Đổi Mới’.

[title]

Lonán Ó Briain trong chuyến đi thực địa ở Lào Cai. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nghiên cứu loại nhạc bị lãng quên

Kể từ lần đầu tiên biết đến nhạc dân tộc H’mông tại Nhạc viện Hà Nội vào năm 2007, Lonán đã bị chiếc Sáo Mèo và những giai điệu réo rắt mê hoặc hoàn toàn. Và khi trở về Anh, anh chỉ tìm thấy một tài liệu duy nhất về nhạc dân tộc của người H’mông ở Việt Nam qua một quyển sách cũ của nhà nghiên cứu Hồng Thao từ hơn 50 năm trước. “Dường như nhạc dân tộc H’mông đã bị lãng quên. Đó là lý do tôi quyết định viết một phiên bản cập nhật hơn nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc H’mông và những thay đổi của nó trong suốt thời gian qua”, Lonán lí giải.

Theo Lonán, một số người Kinh cũng tỏ ra ngạc nhiên khi biết anh nghiên cứu về nhạc dân tộc H’mông. “Họ hỏi tôi tại sao không nghiên cứu về nhạc dân tộc Việt Nam nói chung mà lại là nhạc H’mông? Tôi tin rằng sở dĩ họ nói vậy là vì chưa hiểu rõ về dân tộc này. Mục đích của tôi là cho ra đời một quyển sách nghiên cứu chuyên sâu về sự đa dạng văn hóa của người H’mông để cho những dân tộc khác ở Việt Nam và thế giới tham khảo”, anh chia sẻ.

Khi làm luận văn thạc sĩ về âm nhạc thế giới, Lonán đã ở Hà Nội hơn một năm để học tiếng Việt và một vài nhạc cụ truyền thống. Cho đến năm đầu tiên làm luận án tiến sĩ tại Đại học Shefield, Anh Quốc, Lonán cũng đã ở đất nước hình chữ S hơn một năm để đi thực tế ở các khu vực phía Bắc, chủ yếu là tìm đến cộng đồng người H’mông ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang.

Ít người có thể tưởng tượng được rằng chàng trai sống ở London phồn hoa ấy lại có thể đi xe máy tài tình trên những con đường vùng núi ngoằn nghèo, ăn ở cùng người H’mông ròng rã trong nhiều tháng trời và thổi Sáo Mèo điêu luyện không kém một chàng trai dân tộc thứ thiệt nào.

Lonán Ó Briain cho biết: “Phần đầu của luận án của tôi là cái nhìn tổng quan về những bài hát và âm nhạc truyền thống cũng như âm nhạc ngày lễ (đám ma, năm mới, thờ cúng …) của người H’mông. Phần hai tập trung vào sự phát triển gần đây của loại hình âm nhạc này như việc lập sân khấu biểu diễn phục vụ khách du lịch quanh thành phố Sapa, những bản thu âm của nhạc H’mông được lan truyền tới Việt Nam từ các cộng đồng người H’mông sinh sống tại các quốc gia khác trên thế giới, và việc sử dụng Sáo Mèo trong các chương trình biểu diễn tại Hà Nội.

Chồng chất khó khăn

Sau hơn 4 năm học tiếng Việt, Lonán giờ đã khá tự tin và thành thạo trong giao tiếp. Anh cũng muốn học tiếng H’mông nhưng “khó lắm vì không hề có sách nào dạy ngôn ngữ của người H’mông ở Lào Cai. Ngôn ngữ là một rào cản lớn. Tuy nhiên, may mắn là trong các gia đình H’mông, có một số người đàn ông có thể nói được tiếng Việt lưu loát còn phụ nữ lại nói được tiếng Anh khá tốt do họ tiếp xúc nhiều với khách du lịch nước ngoài. Vì vậy, tôi có giao tiếp và thu thập thông tin qua họ”, Lonán cho biết.

“Một vài người H’mông cũng bày tỏ sự quan ngại khi thấy tôi xuất hiện trong các buổi lễ bởi họ sợ tôi sẽ làm ảnh hưởng đến các vị thánh thần hoặc các linh hồn. Tuy nhiên, đại đa số họ đều hiểu công việc tôi đang làm đơn thuần là nghiên cứu khoa học, và đây là điều rất quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa trong tương lai”, anh nói.

Việc đi lại ở các tỉnh miền núi phía Bắc với hệ thống đường xá kém chất lượng và quanh co cũng là một trong những thách thức lớn với Lonán. Vậy nên sau khi đi thực tế hơn 10.000 km khắp các tỉnh, Lonán đành phải tập trung đề tài nghiên cứu của mình ở Lào Cai.

Giữ gìn văn hóa truyền thống

Theo nhận định của Lonán thì người dân tộc H’mông hiện nay đã có nhiều cơ hội hơn so với trước đây trong việc tiếp cận với các loại hình âm nhạc khác nhau. Nhiều cộng đồng người H’mông ở vùng núi phía Bắc đã có điện và có thể mua được máy nghe nhạc hoặc đầu đĩa DVD, thậm chí các loại điện thoại di động có thể nghe được nhạc Mp3 cũng ngày càng phổ biến hơn. Mặc dù điều đó khiến cho âm nhạc truyền thống có phần bị ảnh hưởng, tuy nhiên, một vài cộng đồng người H’mông sống cách biệt vẫn giữ được bản sắc của âm nhạc truyền thống.

Hiện tại, Lonán tập trung nghiên cứu một gia đình người H’Mông chơi nhạc dân tộc khá nổi tiếng và đây là nguồn tư liệu quý cho luận án tiến sĩ của anh. Anh cũng cho biết anh đã thực hiện ghi âm nhiều phần biểu diễn của các nghệ sĩ dân tộc già cũng như trẻ. “Đôi khi, đây là những bản ghi âm đầu tiên của các ca khúc hoặc đoạn nhạc dân tộc”, anh nói.

Theo anh, một trong những cách thức hiệu quả để gìn giữ âm nhạc truyền thống là phải dựa vào những người dân địa phương bởi hơn ai hết, họ hiểu và nắm được các giá trị truyền thống .

Anh nói: “Chúng ta – những người được coi là chuyên gia, nên lắng nghe những nhu cầu của họ bởi họ sẽ là những người giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống. Những gì chúng ta có thể làm là đưa ra cho họ những tư vấn hoặc tài trợ về mặt kinh tế. Ví dụ như ở Sapa, có một nhóm người H’mông muốn thành lập một câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống nhằm gìn giữ ‘Chợ Tình’ như nó vốn có trước đây. Họ đã có ý tưởng và chỉ thiếu tài trợ. Tôi nghĩ nếu giúp được họ thì đây là cách tốt nhất để gìn giữ văn hóa”.

Theo bayvut


01 ý kiến dành cho “Chàng trai Anh bị nhạc dân tộc H’mông ‘mê hoặc’”

  1. TruongTuyetMinh 15/04/2011

    Là người Việt Nam, nghiên cứu về văn hóa học, mình thấy buồn và hơi xấu hổ khi chưa biết gì về nhạc của người H’Mông, một tộc người thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Nhưng muốn biết và hiểu, phải có sự đam mê. Điều này thì người Việt Nam minh có lẽ còn thiếu khi làm khoa học, nhất là với giới trẻ. Bây giờ các sinh viên học gì, nghiên cứu gì cũng phải gắn với câu hỏi: tương lại sẽ như thế nào? Việc tìm hiểu những giá trị văn hóa phi vật thể ở Việt Nam thực ra chưa được chú trọng một cách nghiêm túc và vô tư…
    Mình rất thứn phục chàng trai người anh này; giá như bạn có thể đến với sinh viên các trường khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam, giúp các em thổi hồn vào những đam mê khoa học xã hội?
    Mình cũng đang tìm hiểu về người H’Mông, nhưng hiểu biết về âm nhạc của mình quá ít ỏi; mình chỉ cố gắng nắm bắt được những phong tục tập quán cổ truyền, lý giải cội nguồn văn hóa của nó để làm cho bài giảng thêm lý thú và giúp sinh viên biết thêm rằng: không phải chỉ cộng đồng người Việt mới có những phong tục, tập quán cần giữ gìn và phát triển. Người H’Mông cũng có nhiều, nhiều lắm những giá trị văn hóa tinh thần đang bị trầm tích của thời gian vùi lấp. Nhưng, sinh viên ít say mê (mình không dám ước các em đam mê)với những vấn đề không gắn với tương lại và cơm áo gạo tiền của tuổi trẻ.

    Reply

Ý kiến bạn đọc